"Đoạn, người ôm lấy cổ Bên-gia-min, em mình, mà khóc; Bên-gia-min cũng ôm cổ người mà khóc. Người cũng ôm các anh mình mà khóc. Đoạn, anh em nói chuyện cùng người" (câu 14-15).
Câu hỏi suy ngẫm: Giô-sép đã làm gì để giải hòa với các anh? Các anh của Giô-sép phản ứng thế nào khi nhận ra Giô-sép? Chúa dạy bạn điều gì qua câu chuyện này?
Giô-sép có thể dùng quyền hành của mình để trả thù các anh nhưng ông đã không để cho sự hận thù mọc rễ trong lòng ông. Chắc chắn Giô-sép phải đau buồn và tức giận khi bị các anh bán làm nô lệ nhưng ông đã không căm giận mãi mãi. Giô-sép sẵn sàng hòa giải với các anh, nhưng trước hết ông đã thử xem lòng họ có thay đổi hay không. Giô-sép không để họ bước vào đời sống của ông một lần nữa nếu không chắc họ thật lòng thay đổi. Các anh của Giô-sép đã cố ý hãm hại ông, và ông cần nhìn thấy họ thật sự ăn năn về việc họ đã làm. Giô-sép không là người duy nhất đã thay đổi sau 20 năm. Các anh của ông đã nhận biết tội lỗi của họ. Khi Giô-sép bày tỏ cho anh em của ông biết ông là ai thì họ "hoảng sợ không nói được lời nào" (câu 3).
Họ nghĩ họ sẽ bị trừng phạt về tội ác của họ, nhưng Giô-sép đã tha thứ cho họ. Nền tảng cho sự giải hòa là tình yêu thương để có thể tha thứ. Nếu Giô-sép không yêu thương, tha thứ cho các anh và vẫn giữ lòng giận đối với họ thì không thể nào có sự hòa giải. Nếu Giô-sép còn thù hận thì ông có thể lợi dụng địa vị và cơ hội này để trả thù. Nhưng Giô-sép đã không giận các anh mà ngược lại ông thương cảm họ. Khi thấy họ sợ hãi, ông gọi họ đến gần, dùng lời nâng đỡ và làm vơi đi mặc cảm tội lỗi của họ. Ông nói đó là chương trình Đức Chúa Trời làm để cứu họ và gia đình họ qua cơn đói kém lớn. Chúng ta thấy Giô-sép quan tâm đến sự sống còn của các anh và gia đình họ hơn là nhớ lại việc ác họ làm đối với ông trước kia. Sự hòa giải đã xảy ra khi tình thương và sự tha thứ được thể hiện, họ có thể ôm nhau khóc rồi trò chuyện lại với nhau (câu 14).
Đức Chúa Trời có một chương trình. Chúng ta không luôn luôn hiểu được chương trình của Ngài. Đức Chúa Trời muốn chúng ta giải hòa. Làm sao chúng ta có thể giải hòa với những người chống lại chúng ta hoặc làm hại chúng ta? Cần phaœi có một đức tin phó đời sống chúng ta cho Đức Chúa Trời, chúng ta cần tin Ngài tể trị mọi sự trong đời sống.
Nếu có điều gì oán hận người khác, bạn đừng giữ nó trong lòng, hãy tìm sự hòa giải với người khác. Vấn đề chính của những mối bất hòa thường là mất đi sự cảm thông và trò chuyện. Chúa muốn chúng ta hòa giải với nhau. Có thể chúng ta muốn hòa giải nhưng người kia không muốn. Chúng ta phải cố gắng, nhưng chúng ta không thể để cho việc không muốn làm hòa của họ làm hỏng ý tốt của mình. Đôi tay chúng ta phải luôn rộng mở, đừng bao giờ khép lại.
Hãy để cho tình thương của Đức Chúa Trời chiếm hữu đời sống của bạn, đó là nền tảng cho mọi quyết định của bạn. Đức Chúa Trời có thể dùng những biến cố xấu cho mục đích cứu vớt của Ngài.
Bạn có bị ai trong gia đình, trong Hội Thánh chống đối, khinh dể, nói xấu hay đối xử xấu làm đổ vỡ mối liên hệ chưa? Bạn có muốn giải hòa không? Việc đó dễ hay khó? Làm sao để giải hòa?
Chúa ôi, xin Chúa giúp con học gương giải hòa của Giô-sép để phục hồi mối liên hệ chưa hòa giải giữa con với... (trong gia đình -Hội Thánh của con.)
(c) 2024 svtk.net