2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:11,12
11 Cho nên, chúng tôi vì anh em cầu nguyện không thôi, hầu cho Đức Chúa Trời chúng ta khiến anh em xứng đáng với sự gọi của Ngài, và cho Ngài lấy quyền phép làm trọn trong anh em mọi ý định thương xót của lòng nhơn Ngài và công việc của đức tin;
12 đến nỗi làm sáng danh Đức Chúa Jêsus chúng ta trong anh em, và anh em trong Ngài, tùy theo ân điển của Đức Chúa Trời chúng ta và của Đức Chúa Jêsus Christ.
Đây là một lời cầu nguyện đặc biệt của Phao-lô cho Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca. Phao-lô cầu xin Chúa cho Hội Thánh này sống sao cho xứng đáng là con dân của Chúa và Ngài sẽ có thể thực hiện những công việc của Ngài trong đời sống họ.
"Chúng tôi vì anh em cầu nguyện không thôi" Đây là việc cầu nguyện thường xuyên mỗi ngày. Chúng ta cần hứa và thực hành cầu nguyện cho nhau mỗi ngày. Nghĩa là thường xuyên tiếp xúc với Chúa và cầu thay cho nhau, ca ngợi Chúa, cảm tạ Ngài và kêu xin cứu giúp.
Điều tốt nhất, quý nhất mà chúng ta có thể làm cho nhau là cầu thay. Điều tốt nhất, quý nhất mà bạn có thể làm cho đất nước cũng là cầu nguyện cho các giới cầm quyền và dân tộc. Khi chúng ta ngưng cầu nguyện có nghĩa là chúng ta không cần đến Chúa nữa, Chúa không c6àn thiết nữa và chúng ta có thể tự đảm đang mọi việc.
Đối với nhiều người, cầu nguyện chỉ là việc làm trong lúc nguy biến khẩn cấp. Vì ngay đến người chủ trương vô thần thế mà khi lâm vào đường cùng, cũng vẫn kêu trời. Nhưng người tin Chúa cần bước đi với Chúa mỗi ngày và chuyện trò với Chúa, tức là cầu nguyện cùng Ngài. Đây là kinh nghiệm hằng ngày của người tin Chúa chân thật.
Phao-lô nói rằng "chúng tôi vì anh em cầu nguyện không thôi" Phao-lô cầu nguyện đặc biệt cho những người Tê-sa-lô-ni-ca, chứ không phải cầu nguyện tổng quát cho anh em nói chung, nghĩa là cầu nguyện phải chuyên biệt chứ không tổng quát.
Nhiều người không ngờ rằng Chúa vẫn trả lời cầu xin của mình. Thí dụ như cầu nguyện tổng quát: "Xin Chúa ban phước cho Hội Thánh" Nhưng ta muốn Chúa sẽ làm gì cho Hội Thánh mới được chứ? Ban phước là thế nào? Hay cầu nguyện: "Xin Chúa ở với mục sư của con" Nhưng như thế nghĩa là gì? Ở như thế nào? Nếu chúng ta cầu nguyện mơ hồ như thế đừng trông mong Chúa hành động, và chắc chắn Chúa không trả lời cho ta. Cầu nguyện phải chuyên biệt, như thế mới mong Chúa hành động.
Mặt khác, Chúa muốn chúng ta cầu nguyện nhưng có hành động cụ thể. Nghĩa là chúng ta thật sống với lời mình cầu nguyện. Nếu chúng ta nói yêu Chúa, thì phải sống đúng như vậy. Nếu chúng ta nói: "Con rất quan tâm đến những người có nhu cầu". Chúa có thể bảo: "Thế thì con hãy chứng mình bằng hành động đi."
Phao-lô cầu nguyện rõ "chúng tôi vì anh em cầu nguyện không thôi, hầu cho Đức Chúa Trời chúng ta khiến anh em xứng đáng với sự gọi của Ngài" Đây là lời cầu xin cho người tin Chúa sống xứng đáng với ơn kêu gọi của Chúa. Những ai tự xưng là tín đồ Chúa, đã được Chúa cứu, cần phải sống như vậy.
Vấn đề đặt ra là ai cũng muốn sống vừa lòng Chúa. Nhưng muốn và sống hoàn toàn khác nhau. Nhiều người muốn điều này điều nọ, nhưng không chịu khép mình vào kỷ luật để thực hiện. Nhiều người không bằng lòng lối sống của mình. Họ biết họ đang không sống như Chúa kêu gọi. Nhưng dù có biết như thế và chỉ ước muốn như vậy vẫn chưa thay đổi được tình trạng của mình.
Phao-lô cầu nguyện cho những người ở Tê-sa-lô-ni-ca được xứng đáng như họ mong muốn. Nói khác đi, Phao-lô ngụ ý: "Tôi cầu nguyện để xin Chúa hoàn thành điều anh chị em ao ước, đó là thánh thiện hơn, mạnh mẽ hơn và trưởng thành hơn."
Phao-lô thêm: "và cho Ngài lấy quyền phép làm trọn trong anh em mọi ý định thương xót của lòng nhơn Ngài và công việc của đức tin;" qua câu này chúng ta biết rõ mọi điều chúng ta ao ước, với lòng tin, phải được quyền năng Chúa thực hiện trong ý định thương xót của Chúa đối với chúng ta. Với khả năng riêng, chúng ta không thể nào tự đem lại hạnh phúc, thành tựu và sung mãn bao giờ.
Trong lúc này Chúa có đang hành động qua bạn chăng? Chúa có mạc khải ý định hay mục đích nào của Ngài qua bạn hay không?
Việc này không ngẫu nhiên xuất hiện đâu. Chúng ta không thể nào sống một đời tin Chúa, làm những điều thiện lành, phản ứng đúng cách và có tinh thần mà mình nên có, mà không nhờ đến Chúa giúp đỡ.
Phao-lô nói đến công việc của đức tin trong câu 11. Đức tin phải hành động. Đôi khi chúng ta nói đến đức tin như một vật sở hữu. Cũng như đôi giày hay chùm chìa khóa trong túi. Không phải như vậy. Đức tin không phải là điều gì thêm vào đời sống chúng ta.
Gia-cơ dạy: "Hỡi anh em, nếu ai nói mình có đức tin, song không có việc làm, thì ích chi chăng? Đức tin đó cứu người ấy được chăng?" (Gia-cơ 2:14). Đức tin để cho Chúa hành động qua mình là đức tin hành động, loại đức tin phát sinh ra việc thiện lành.
Gia cơ dạy thêm: "Về đức tin, cũng một lẽ ấy; nếu đức tin không sanh ra việc làm, thì tự mình nó chết. Hoặc có kẻ nói: Ngươi có đức tin, còn ta có việc làm. Hãy chỉ cho ta đức tin của ngươi không có việc làm, rồi ta sẽ chỉ cho ngươi đức tin bởi việc làm của ta." (câu 17,18).
Phao-lô cũng dạy: "Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Aáy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình;" (Ê-phê-sô 2:8,9) Chúng ta thường ngừng ở đó, nhưng Phao-lô còn nói tiếp: "vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo."
Đức tin phục vụ là loại đức tin mà Chúa ưa thích. Nếu ai nói rằng mình tin Chúa mà không phục vụ Chúa và đồng bào, thì người ấy đang sống dối trá và tự dối mình.
Ca ngợi
"đến nỗi làm sáng danh Đức Chúa Jêsus chúng ta trong anh em, và anh em trong Ngài, tùy theo ân điển của Đức Chúa Trời chúng ta và của Đức Chúa Jêsus Christ."
Ta để ý đến cụm từ: Danh Đức Chúa Jêsus. Trong Kinh Thánh khi nói đến danh, tức là nói về người nào với toàn bộ bản sắc và cá tính của người ấây. Khi nói danh Giê-xu, tức là nói về chính Chúa Giê-xu. Làm sáng danh Chúa Giê-xu là suy tôn ca ngợi Chúa.
Chúa Giê-xu sẽ được ca ngợi và rạng danh vì Chúa ở trong anh em và anh em ở trong Chúa. Đây là điểm quan trọng đối với cuộc sống đạo của chúng ta. Mỗi ngày trong đời ta, người đời có thấy được hình ảnh Chúa Giê-xu trong ta và ta trong Ngài chăng? Chúa có được vinh danh khi ta làm việc với người khác, trong cách chúng ta đối xử với gia đình, với cha mẹ, vợ chồng, con cái hay không? Chúa có được vinh danh trong cách ta ca hát, cách ta giáo dục hay ngay cả cách ta thăm viếng người khác không? Chúa có được vinh danh trong cách ta ăn mặc, nói năng, và ngay trong các thói quen của ta chăng? Chúa muốn nhận được các lời ca ngợi Chúa qua sống đạo của ta, vì khi ấy đời sống ta làm tỏa ra tình thương, và thánh thiện của Chúa.
Nan đề của nhiều người tin Chúa là đời sống của họ như màn kéo lại, cửa khép kín đến nỗi vinh quang của Chúa không thể nào chiếu vào và cũng chẳng toả ra nữa. Rất nhiều người trong đời không tích đọc Kinh Thánh hay đọc những câu chuyện về người tin Chúa, nhưng họ rất chú ý đến cách chúng ta sống, và muốn tìm hiểu xem người tin Chúa đối xử, phản ứng như thế nào. Chính chúng ta là tin lành, tin mừng, là Kinh Thánh mà họ muốn đọc. Cách chúng ta sống và hành động chính là cách truyền giảng tin lành, dù chúng ta có muốn hay không. Thành ra việc làm chứng cho Chúa không phải là ta nói hay truyền ra những tri thức về Chúa, nhưng là sống với Chúa trong cuộc đời này và người ta nhận ra được điểm khác biệt đó.
Câu hỏi mà ta tự xét mỗi khi làm điều gì là: Việc này có đem lại vinh quang cho Chúa hay người ta chê cười Chúa?
Phao-lô còn bảo "anh em trong Ngài" Nghĩa là anh em thuộc về Chúa. Chúa thuộc về chúng ta và chúng ta thuộc về Chúa. Làm sao việc này có thể xảy ra được, khi chúng ta chỉ là những con người nhỏ bé tầm thường? Câu trả lời là do ân sủng của Chúa. Chúa đã dành cho mỗi chúng ta một chỗ trong lòng Ngài và Ngài cũng muốn chiếm hữu toàn vẹn đời sống ta. Khi ta tin Chúa chân thật và quyết tâm sống cho Chúa, thì Chúa ở trong ta và ta trong Chúa. Phần cuối của câu 12 nói: "tùy theo ân điển của Đức Chúa Trời chúng ta và của Đức Chúa Jêsus Christ." Đây là bí quyết của tất cả vấn đề Chúa trong ta và ta trong Chúa, vì đó là do ân điển hay ân sủng của Chúa. Ta chỉ còn biết nhận và sống như Chúa muốn ta sống.
Cầu xin Chúa soi tâm mở trí cho quý vị và các bạn để có thể nhờ quyền năng Chúa mà sống và làm vinh danh Chúa trong thời gian mà Chúa cho chúng ta tồn tại trên mặt đất này.