"Vì trước mặt Đức Chúa Trời, là Cha, chúng tôi nhớ mãi về công việc của đức tin anh em, công lao của lòng yêu thương anh em, sự bền đỗ về sự trông cậy của anh em trong Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta" (câu 3).
Câu hỏi suy ngẫm: Những điều nào cho thấy tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca là người trưởng thành thuộc linh? Yếu tố nào giúp họ có những kết quả như thế? Bạn học được điều gì qua đời sống các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca? Phao-lô cho chúng ta gương mẫu nào trong phương cách rao truyền Phúc Âm và hướng dẫn đời sống thuộc linh của người khác?
Trong phân đoạn Kinh Thánh này, Phao-lô không ngớt cảm tạ Đức Chúa Trời về "công việc của đức tin, công lao của lòng yêu thương, sự kiên nhẫn trong hy vọng" của các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca. Đây là kết quả hay dấu hiệu trưởng thành của một Hội Thánh cũng như cá nhân tín hữu.
Công việc của đức tin: Những công việc phát xuất từ đức tin của Hội Thánh đã cảm kích Phao-lô. Bày tỏ đức tin bằng hành động là điều Phao-lô ca ngợi và Gia-cơ đã đề cao, "Ví thử có anh em hoặc chị em nào không quần áo mặc, thiếu của ăn uống hằng ngày, mà một kẻ trong anh em nói với họ rằng: Hãy đi cho bình an, hãy sưởi cho ấm và ăn cho no, nhưng không cho họ đồ cần dùng về phần xác, thì có ích gì chăng? Về đức tin, cũng một lẽ ấy; nếu đức tin không sinh ra việc làm, thì tự mình nó chết" (Gia-cơ 2:15-17).
Công lao của lòng yêu thương. Chữ "công lao" (Hy văn là "kopos") là việc làm với tất cả cố gắng, nỗ lực, trả giá. Công lao của lòng yêu thương nhằm đáp ứng cả nhu cầu thể xác, vật chất, tinh thần cũng như tâm linh của người khác. Chính Chúa Giê-xu thể hiện công lao của lòng yêu thương trong chức vụ của Ngài trên đất. Chúng ta chỉ có thể bày tỏ công lao của lòng yêu thương khi có tình yêu của Chúa trong chúng ta. Nói cách khác, đây là kết quả của mối liên hệ yêu thương giữa chúng ta với Chúa.
"Kiên nhẫn trong hy vọng." Kiên nhẫn (Hy văn là "hupomone") có nghĩa là không thối chí, chùn bước, bỏ cuộc, dù bị đè nặng dưới những áp lực. Sở dĩ chúng ta có đủ sức để kiên nhẫn chịu đựng là nhờ có hy vọng. Người theo Chúa không chỉ hy vọng đời này nhưng còn hy vọng đời sau, vì nếu chỉ hy vọng đời này thì chúng ta là những kẻ khốn nạn hơn hết (I Cô-rinh-tô 15:19). Hy vọng của chúng ta phải đi kèm với đức tin, vì đức tin là sự biết chắc vững vàng những gì chúng ta hy vọng (Hê-bơ-rơ 11:1). Chính niềm hy vọng trong Chúa giúp chúng ta không bỏ cuộc, thối lui, nhưng kiên trì tiến bước trong hành trình theo Chúa và phục vụ Ngài, cho dù hoạn nạn, nghịch cảnh bủa vây.
Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca có được những điều như thế vì các tín hữu biết tiếp nhận Lời Chúa. Phúc Âm mà Phao-lô rao giảng đã được họ tiếp nhận giữa hoạn nạn khốn khó. Tê-sa-lô-ni-ca là thành phố Dân Ngoại, được quyền tự trị và được sống tự do chỉ trừ một điều là phải thờ hoàng đế La Mã, và họ có nhiều đền thờ nữ thần tình yêu Aphrodite, thần rượu Dionysus. Những đền thờ này là biểu tượng về lối sống thác loạn, xã hội sa đọa. Việc tiếp nhận đạo Chúa giữa một bối cảnh như thế không phải dễ.
Sự tiếp nhận đạo Chúa dẫn đến sự ăn năn đầu phục Chúa và thay đổi đời sống của họ. Họ dẹp bỏ mọi thứ thần tượng, quay lưng lại với quá khứ tội lỗi và phục vụ Đức Chúa Trời. Đời sống được biến đổi của họ đã nẩy sinh ra việc làm của đức tin, công lao của lòng yêu thương, và sự kiên nhẫn trong hy vọng. Phẩm chất đời sống Cơ Đốc của họ đã được đồn ra khắp nơi, trở thành bằng chứng về quyền năng biến cải của Đức Chúa Trời giữa một thế giới tối tăm, sa đọa.
Các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca đã trưởng thành và kết quả vì tiếp nhận Lời Chúa, "bắt chước" Chúa Giê-xu và "bắt chước" Sứ đồ Phao-lô (câu 6). Họ nhìn Chúa Giê-xu như một khuôn mẫu vì đã học biết rõ về Ngài. Họ biết Chúa và bước đi theo Chúa. Bên cạnh đó, đời sống của Sứ đồ Phao-lô cũng là mẫu mực để họ noi theo (câu 4). Đức tin và đời sống gương mẫu của người lãnh đạo thuộc linh đã ảnh hưởng sâu đậm trên các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca và giúp họ trưởng thành trong Chúa. Phao-lô đã noi gương Chúa Giê-xu và đời sống của ông cũng làm gương cho chúng ta trong phương cách rao truyền Phúc Âm và chăm sóc đời sống thuộc linh của người khác.
Như bất cứ Hội Thánh nào trong lịch sử, Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca không phải là Hội Thánh toàn hảo, nhưng họ trưởng thành, vững mạnh. Hội Thánh gồm những con người bất toàn nhưng là những con người được biến đổi bởi Phúc Âm để càng ngày càng lớn lên trong Chúa.
Bạn đã đạt kết quả nào của sự trưởng thành trong Chúa? Kết quả đó vẫn tiếp tục thế nào?
Xin Chúa tiếp tục biến đổi con và giúp con càng trưởng thành hơn trong Chúa để có thể bày tỏ đức tin qua hành động, tình yêu thương qua công khó, và hy vọng qua kiên nhẫn, và đời sống con trở thành nhân chứng cho quyền năng của Phúc Âm.
(c) 2024 svtk.net