2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:16-18
16 Nguyền xin chính Chúa bình an ban sự bình an cho anh em trong mọi khi, đủ mọi cách! Lại xin Chúa ở cùng anh em hết thảy!
17 Chính tay tôi, là Phao-lô, viết lời chào thăm nầy cho anh em: ấy đó là dấu ký của tôi trong mọi thơ từ của tôi, tôi viết như vậy.
18 Nguyền xin ân điển của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta ở cùng anh em hết thảy!
Đây là những câu cuối cùng trong một bức thư của Phao-lô. Trước tiên là một lời cầu chúc và cũng là lời cầu nguyện.
Những chữ cần lưu ý ở đây là Chúa bình an, sự bình an, mọi khi, mọi cách.
Đọc các câu này chúng ta nhớ đến lời của chính Chúa Giê-xu trong phúc âm Giăng: "Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi." Chúa Giê-xu đã được xưng là Chúa bình an ngay từ lời tiên tri Ê-sai khi nói về việc Chúa ra đời.
Một điều ta cần hiểu rõ ở đây. Bình an không phải là không có tranh đấu, xung đột mà thôi. Nhưng bình an có nghĩa là thịnh vượng, đầy đủ, lành mạnh và hạnh phúc. Đây là loại bình an trong cơn sóng gió, bão tố, nguy nan. Bình an trong tâm hồn, trong tâm lý và trong tâm giao.
Câu cầu chúc này nhấn mạnh: chính Chúa bình an. Đây không phải là một lời chúc suông như những câu chúc mà ta thường chúc hay nhận được vào ngày đầu năm. Đó là những lời chúc mà không đảm bảo là có gì thành sự thật hay không. Nhưng đây là lời cầu chúc căn cứ vào quyền năng siêu việt của Chúa và nghe đọc thì đã biết là có hiệu nghiệm, vì chính Chúa ban cho bình an, vì Ngài là nguồn bình an.
Bình an của Chúa cho không bị giới hạn trong không gian, thời gian và hoàn cảnh. Ta không được bình an vì gia nhập giáo hội hay sinh hoạt trong một cộng đoàn dân Chúa ở nhà thờ hay ở tư gia, vì đó là các tổ chức, hay sinh hoạt. Nhưng ta có được bình an khi tin Chúa, được tha tội và nắm vững các lời hứa của Chúa. Các sinh hoạt chỉ là phương tiện cho ta làm chứng về bình an ta nhận được mà thôi. Nếu chưa được chính Chúa ban cho bình an thật, thì đi đến các sinh hoạt này cũng không nhận được bình an thật.
Không ai tin Chúa mà không gặp khó khăn, từ bên trong, bên ngoài. Nhưng như thế không phải là không có bình an. Chỉ minh chứng rằng ta thuộc về Chúa và ta cần nương cậy vào Chúa nhiều hơn mà thôi. Khi có Chúa trong tâm hồn thì chắc chắn được bình an.
Câu chúc kế tiếp là Xin Chúa ở cùng tất cả. Đây lại là một lời nguyện căn cứ vào lời hứa của Chúa, vì Chúa Giê-xu nói rằng: "Ta thường ở cùng các con luôn cho đến tận thế. Nơi nào có hai ba người nhóm nhau lại, thì có ta ở giữa." Có Chúa ở cùng thì không còn lo sợ bất cứ áp lực nào. Những người từng lâm vào đường cùng, đã thấy bàn tay Chúa giải cứu diệu kỳ. Hơn nữa, dù gặp cảnh bắt bớ tù tội vì đức tin, hãy tin rằng Chúa ở với mình và Chúa sẽ ban bình an hướng dẫn ta. Ta không nên bối rối, mà cứ hết lòng giao mọi việc cho Chúa.
Ta nên nhớ một điều, an bình là hiện diện của Chúa. Nhưng ta cũng cần lưu ý là Chúa lúc nào cũng ở với ta, nhưng nhiều khi ta quên hẳn Chúa, hay là cứ ý mình mà làm, chứ không hỏi han gì đến Chúa cả. Đây là trường hợp hoặc quá lo lắng, hoặc quá bận rộn. Những lúc ấy chắc chắn ta không có an bình.
Người có an bình là người an nghỉ trong Chúa. Nghĩa là không nghi ngờ, dao động, hốt hoảng, nhưng biết rằng mọi sự việc xảy ra không ngoài ý Chúa và Ngài luôn có mặt.
Phao-lô thêm ở cuối lá thư: "Chính tay tôi, là Phao-lô, viết lời chào thăm nầy cho anh em: ấy đó là dấu ký của tôi trong mọi thơ từ của tôi, tôi viết như vậy." Lý do viết những chữ này là vì thường thường ông đọc thư cho một người khác viết. Sau đó người ấy đọc lại cho ông nghe và ông tự tay viết câu cuối cùng để chứng minh rằng đích thực là chữ nghĩa của ông chứ không phải người nào mạo danh.
Việc ghi lại những lời cuối trong thư chứng minh rằng đây không phải một số người viết Kinh Thánh rồi đổ cho là Phao-lô. Nhưng thật sự có sứ đồ Phao-lô và ông có những đặc điểm viết thư khá riêng biệt.
Câu cuối cùng là câu kết thư thường xuyên của Phao-lô: "Nguyền xin ân điển của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta ở cùng anh em hết thảy!"
Đây là lời chào thông thường, nhưng ta cũng nên chú ý đến mấy chữ "Ân điển của Chúa Cứu Thế Giê-xu chúng ta". Ân điển là sức mạnh Chúa ban cho người tin nhận Ngài. Nhiều khi trong Hội Thánh gọi là ơn và cầu xin Chúa ban ơn. Ơn hay ân điển chính là sức lực của Chúa mà ta lúc nào cũng cần. Không có thứ sức mạnh này, ta sẽ ngã quỵ và thất bại.
Tới đây chấm dứt loại bài nghiên cứu về hai thư Phao-lô gởi cho Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca.