"Đức Chúa Trời có quyền ban cho anh chị em đủ mọi thứ ơn đầy dẫy, hầu cho anh chị em hằng đủ điều cần dùng trong mọi sự, lại còn có rời rộng nữa để làm các thứ việc lành" (câu 8).
Câu hỏi suy ngẫm: Trong chương này, Sứ đồ Phao-lô cho thấy mục đích và động cơ của nào sự dâng hiến? Sự dâng hiến dẫn đến những kết quả nào? Bài học hôm nay nhắc nhở bạn điều gì về việc dâng hiến?
Mục sư John Wesley là người đã thành lập Hội Thánh Giám Lý (Methodist). Ông thực hành những điều ông đã giảng dạy. Wesley luôn hạn chế việc chi tiêu cho bản thân và để dành tiền bạc để dâng hiến. Vì ông đã dâng hiến số tiền lớn nên sở thuế vụ nghĩ ông đã có thu nhập cao nên có lần đòi kiểm tra hồ sơ khai thuế. Sau khi kiểm tra, họ rất ngạc nhiên là tiền ông kiếm được ông chỉ dùng để chi tiêu những nhu cầu tối cần thiết, còn bao nhiêu ông dâng cho công việc Chúa. Mục sư John Wesley đã từng nói, "Hãy hết sức kiếm nhiều tiền, hãy hết sức tiết kiệm, hãy hết sức dâng hiến" (Earn all you can, save all you can, give all you can). Khi ông qua đời, người ta chỉ tìm thấy trong nhà của ông một số sách, một ít quần áo, và một chiếc xe ngựa ông dùng để đi lưu hành rao giảng Phúc Âm. Mục sư John Wesley đã sống cuộc sống sung mãn.
Chương Kinh Thánh hôm nay dạy rằng Đức Chúa Trời là nguồn cung cấp mọi thứ ơn lành, kể cả những ơn lành vật chất. Chúng ta không được giữ cho riêng mình những gì được Chúa ban cho nhưng phải sử dụng cách khôn ngoan và rời rộng để đem phước hạnh cho nhiều người. Động cơ dâng hiến phải do tình yêu đối với Chúa và lòng biết ơn Ngài về những gì Ngài ban cho. Người ta có thể ban cho nhưng không yêu, nhưng khi yêu thì không thể không ban cho. Sự dâng hiến phản ánh tấm lòng yêu Chúa cũng như mức độ trưởng thành thuộc linh của chúng ta.
Khi đóng góp tài chánh cho các cơ quan từ thiện hay dâng hiến tiền bạc cho Hội Thánh địa phương, chúng ta không nên làm như một bổn phận tôn giáo. Chúa muốn tấm lòng chúng ta hơn là của lễ. Chúa muốn chúng ta dâng hiến "không phải phàn nàn hay là vì ép uổng; vì Đức Chúa Trời yêu người dâng của cách vui lòng." Ông Osward Chambers đã nói, "Thờ phượng là dâng cho Chúa những gì tốt nhất mà Ngài đã ban cho bạn. Hãy để thì giờ suy niệm điều này và dâng lên Ngài với một thái độ thờ phượng thích đáng."
Sứ đồ Phao-lô cũng cho thấy sự dâng hiến của một tín hữu không chỉ là hành động cảm tạ và thờ phượng nhưng dẫn đến kết quả là khiến người khác cảm tạ và thờ phượng (câu 12-14). Khi nhận ơn lành của Chúa, chúng ta cảm tạ Ngài. Khi dâng hiến, không những chúng ta giúp các con cái tôi tớ Chúa trong hoàn cảnh túng thiếu nhưng cũng sẽ cho nhiều người cơ hội cảm tạ Chúa.
Dâng hiến rộng rãi là dấu hiệu của một đời sống sung mãn. Đời sống sung mãn bao giờ cũng tuôn tràn phước hạnh cho nhiều người.
Đồi với bạn dâng hiến là gì? Bạn dâng hiến thế nào?
Lạy Chúa, nhiều lúc con thấy dâng hiến như một bổn phận hơn là hành động của tình yêu. Xin Chúa giúp con tôn vinh danh Chúa qua sự dâng hiến rời rộng phát xuất từ tấm lòng biết ơn.
(c) 2024 svtk.net