"Đức Giê-hô-va là sức lực và là bài ca của ta; Ngài trở nên sự cứu rỗi ta" (câu 14).
Câu hỏi suy ngẫm: Nhờ ai mà tác giả chiến thắng kẻ thù đông vô số? Ông kinh nghiệm sự sửa phạt của Đức Chúa Trời như thế nào? Có khi nào bạn nhận biết một tai nạn suýt chết hay căn bệnh "thập tử nhất sinh" mà bạn trải qua là sự sửa phạt của Đức Chúa Trời không? Bạn kinh nghiệm về giải cứu hay sự chữa lành của Ngài như thế nào?
Đến đây, chúng ta có thể khẳng định nhân vật được nói đến trong Thi-thiên này là một vị vua đang cùng đạo binh của ông tham chiến và bị kẻ thù bao vây. Ông mô tả "Họ vây tôi khác nào đàn ong" (câu 12). Xét về mặt binh lực thì ông cầm chắc sự thảm bại trong tay. Nhưng bởi bàn tay mạnh sức của Đức Chúa Trời ông đã chiến thắng. Đạo quân liên minh đông vô kể đã bị đánh bại cách nhanh chóng. Họ giống như ngọn lửa gai bùng lên rồi tàn lụi ngay (câu 12).
Chiến thắng thuộc về Đức Chúa Trời và trong niềm tin nơi Đức Chúa Trời tác giả nhân danh Ngài để chiến đấu với kẻ thù. Điều này nhắc chúng ta nhớ đến chiến binh Đa-vít đã dũng cảm nhân danh "Đức Giê-hô-va vạn quân" mà chiến đấu và đánh bại tên khổng lồ Gô-li-át (I Sa-mu-ên 17:45). Khi Đức Chúa Trời can thiệp thì tình thế sẽ hoàn toàn đảo ngược: người mạnh và hung bạo sẽ sa bại trước người yếu nhưng kính sợ Đức Chúa Trời.
Chúng ta không rõ vì sao tác giả bị Đức Chúa Trời sửa phạt và Ngài sửa phạt ông cách nào. Có thể ông sắp ngã dưới lưỡi gươm vì rơi vào bẫy của kẻ thù và Đức Chúa Trời đã giải cứu ông. Cũng có thể Ngài nghiêm khắc sửa phạt bằng cách bắt ông ngã bệnh để ông có thời gian ăn năn về những lỗi lầm của mình và thấy được sự nhân từ của Đức Chúa Trời (câu 17). Đây cũng là thái độ chúng ta cần có trong Mùa Chay này khi cùng học Thi-thiên 23 và 118, để sau khi ăn năn chúng ta cũng kinh nghiệm sự giải cứu của Đức Chúa Trời, chiến thắng Ngài ban cho ông Đa-vít, sự chữa lành và phục hồi từ Ngài là lý do để ông bước vào đền thánh, cùng mọi người ca ngợi Đức Chúa Trời. Phía sau sự thất bại cũng như chiến thắng là cánh tay quyền năng của Đức Chúa Trời. Ngài không để những người thánh thấy sự hư nát và khiến cho nhà người công bình "có tiếng vui mừng cứu rỗi" (câu 15).
Bạn ca ngợi Đức Chúa Trời vì lý do gì khi bước vào nhà của Ngài? Làm thế nào bạn có đủ năng lực để đối mặt và chiến thắng kẻ thù của linh hồn bạn?
Lạy Chúa, tạ ơn Chúa vì Ngài ban sự vui mừng và sự giải cứu cho con trong ngày hoạn nạn. Con trao phó cuộc đời con trong cánh tay mạnh sức của Ngài.
(c) 2024 svtk.net