"Tay Chúa đã dựng nên tôi, nắn giọt trót mình tôi."
Gióp 10:8a
"Ta đã làm nên dân nầy cho ta, nó sẽ hát khen ngợi ta."
Ê-sai 43:21
Bạn được tạo dựng để phục vụ Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời đã tạo dựng mọi vật trên hành tinh này một cách thật tuyệt vời. Một số động vật thì chạy, một số lại nhảy, số khác thì bơi, lại có con đào đất, và một số loài biết bay. Mỗi loài có một vai trò cụ thể, dựa trên cách Đức Chúa Trời đã tạo dựng chúng. Đối với con người cũng vậy. Mỗi người trong chúng ta đã được tạo dựng cách độc nhất, hay được "nhào nặn," để làm một số việc nào đó.
Trước khi các kiến trúc sư thiết kế ra một tòa nhà mới, họ sẽ hỏi, "Mục đích của nó là gì? Người ta sẽ sử dụng nó ra sao?" Chức năng theo như dự kiến luôn luôn quyết định hình dạng của tòa nhà. Trước khi Đức Chúa Trời tạo dựng bạn, Ngài quyết định vai trò mà Ngài muốn bạn có trên trần gian này. Ngài hoạch định chính xác cách Ngài muốn bạn phục vụ Ngài, và rồi Ngài tạo dựng bạn cho những nhiệm vụ đó. Bạn là chính bạn vì bạn đã được tạo dựng cho một chức vụ cụ thể.
Kinh Thánh chép, "Chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo" (Ê-phê-sô 2:10). Từ tiếng Anh của chúng ta poem (bài thơ) bắt nguồn từ chữ Hy Lạp có nghĩa là "tay nghề." Bạn là tác phẩm nghệ thuật thủ công của Đức Chúa Trời. Bạn không phải là một sản phẩm được sản xuất hàng loạt. Bạn được tạo dựng đặc biệt, được đặc chế, và là một kiệt tác nguyên thủy.
Rõ ràng Đức Chúa Trời đã tạo dựng và định hình bạn để phục vụ Ngài theo cách chức vụ của bạn là độc nhất. Ngài cẩn thận uốn nắn các DNA để tạo nên bạn. Đa-vít ngợi khen Đức Chúa Trời vì Ngài đặc biệt chú ý đến từng chi tiết cá nhân: "Vì chính Chúa nắn nên tâm thần tôi, Dệt thành tôi trong lòng mẹ tôi. Tôi cảm tạ Chúa, vì tôi được dựng nên cách đáng sợ lạ lùng. Công việc Chúa thật lạ lùng, lòng tôi biết rõ lắm" (Thi Thiên 139:13-14). Ethel Waters đã nói, "Đức Chúa Trời không tạo nên một đống sắt vụn."
Đức Chúa Trời không chỉ định hình bạn trước khi bạn ra đời, Ngài còn lập kế hoạch cho mỗi ngày trong cuộc đời bạn để giúp Ngài trong tiến trình định hình bạn. Đa-vít nói tiếp, "Mắt Chúa đã thấy thể chất vô hình của tôi; số các ngày định cho tôi, đã biên vào sổ Chúa trước khi chưa có một ngày trong các ngày ấy" (Thi Thiên 139:16). Điều này có nghĩa là không có điều gì xảy đến trong cuộc đời bạn là vô nghĩa. Đức Chúa Trời dùng tất cả những sự đó để nhào nặn bạn cho chức vụ và chuẩn bị bạn cho sự phục vụ Ngài.
Đức Chúa Trời không hề lãng phí một điều gì. Ngài không hề ban cho bạn những khả năng, sở thích, tài năng, ân tứ, cá tính và những kinh nghiệm cuộc sống trừ khi Ngài có ý định dùng chúng vì sự vinh hiển của Ngài. Khi xác định và hiểu rõ những yếu tố này, bạn có thể khám phá được ý muốn của Đức Chúa Trời cho cuộc đời mình.
Kinh Thánh nói bạn "phức tạp cách lạ kỳ." Bạn là sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau. Để giúp bạn nhớ được năm yếu tố này, tôi đã viết gọn nó thành: SHAPE. Trong chương này và chương kế tiếp, chúng ta sẽ tìm hiểu về năm yếu tố đó, và tôi sẽ giải thích thêm về cách khám phá cũng như sử dụng định dạng của bạn.
Cách Đức Chúa Trời Định Hình Bạn Cho Chức Vụ
Bất cứ khi nào Chúa giao một nhiệm vụ, Ngài luôn trang bị cho chúng ta những thứ cần thiết để hoàn thành nó. Sự kết hợp đặc biệt này được gọi là SHAPE của bạn:
Spiritual gifts: Các ân tứ Thánh Linh
Heart: Tấm lòng
Abilities: Những khả năng
Personality: Cá tính
Experience: Kinh nghiệm
SHAPE: Khám Phá Các Ân Tứ Thánh Linh Của Bạn
Chúa ban cho mỗi tín nhân các ân tứ Thánh Linh để dùng trong chức vụ.[i] Đây là những khả năng đặc biệt được Đức Chúa Trời ban cho để phục vụ Ngài, là điều mà Ngài chỉ ban cho các tín nhân. Kinh Thánh chép, "Vả, người có tánh xác thịt không nhận được những sự thuộc về Thánh Linh của Đức Chúa Trời; bởi chưng người đó coi sự ấy như là sự dồ dại, và không có thể hiểu được, vì phải xem xét cách thiêng liêng" (I Cô-rinh-tô 2:14).
Bạn không thể làm ra các ân tứ Thánh Linh và cũng không xứng đáng nhận lãnh-thế cho nên mới gọi đó là ân tứ! Chúng là sự thể hiện ân điển của Đức Chúa Trời trên bạn. "Nhưng, đã ban ân điển cho mỗi một người trong chúng ta theo lượng sự ban cho của Đấng Christ" (Ê-phê-sô 4:7). Bạn cũng không chọn lựa các ân tứ mà bạn có; Đức Chúa Trời quyết định việc đó. Phao-lô giải thích, "Mọi điều đó là công việc của đồng một Đức Thánh Linh mà thôi, theo ý Ngài muốn, phân phát sự ban cho riêng cho mỗi người" (I Cô-rinh-tô 12:11).
Vì Đức Chúa Trời yêu thích sự đa dạng và Ngài muốn chúng ta thật đặc biệt, nên không có một ân tứ nào ban cho tất cả mọi người.[ii] Cũng vậy, không có một cá nhân nào nhận được mọi ân tứ. Nếu bạn có tất cả các ân tứ, bạn đâu cần ai nữa, và điều đó làm hỏng một trong những mục đích của Đức Chúa Trời: đó là dạy chúng ta yêu thương và lệ thuộc lẫn nhau.
Các ân tứ thuộc linh được ban cho không vì lợi ích của riêng bạn bèn là vì lợi ích của những người khác, cũng như họ đã nhận các ân tứ vì lợi ích cho bạn. Kinh Thánh chép, "Đức Thánh Linh tỏ ra trong mỗi một người, cho ai nấy đều được sự ích chung" (I Cô-rinh-tô 12:7). Đức Chúa Trời hoạch định như vậy để chúng ta cần lẫn nhau. Khi chúng ta cùng nhau sử dụng các ân tứ của mình, tất cả sẽ được lợi. Nếu những người khác không dùng các ân tứ của họ, thì bạn bị gian lận, và nếu bạn không dùng các ân tứ của mình, thì họ bị gian lận. Đó là lý do tại sao chúng ta được lệnh phải khám phá và phát triển các ân tứ thuộc linh của mình. Bạn có bao giờ dành thì giờ khám phá các ân tứ thuộc linh của mình chưa? Một ân tứ chưa được khám phá sẽ không có giá trị gì hết.
Bất cứ khi nào chúng ta quên những lẽ thật căn bản này về ân tứ, thì Hội Thánh sẽ luôn gặp nan đề. Có hai nan đề chung đó là "đố kỵ về ân tứ" và "dự đoán ân tứ." Nan đề thứ nhất phát sinh khi chúng ta so sánh các ân tứ của mình với các ân tứ của những người khác, cảm thấy không thỏa lòng về điều Chúa ban cho mình, và rồi trở nên phẫn uất hay ghen tị về cách Đức Chúa Trời dùng họ. Nan đề thứ hai xảy ra khi chúng ta nghĩ rằng mọi người khác đều có cùng những ân tứ như của mình, làm điều chúng ta được kêu gọi để làm, và cảm thấy tha thiết với những việc đó. Kinh Thánh nói, "Có các chức vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa" (I Cô-rinh-tô 12:5).
Đôi khi các ân tứ thuộc linh được nhấn mạnh quá mức đến đỗi lờ đi những yếu tố khác mà Đức Chúa Trời cũng dùng để định hình bạn cho chức vụ. Các ân tứ của bạn là một chìa khóa để khám phá ý muốn Đức Chúa Trời trong chức vụ của bạn, nhưng chúng không phải là toàn bộ bức tranh. Đức Chúa Trời cũng định hình bạn bằng bốn cách khác nữa...
SHAPE: Lắng Nghe Tấm Lòng Của Bạn
Kinh Thánh dùng khái niệm tấm lòng để mô tả những khát khao, hy vọng, sở thích, tham vọng, ước mơ và những cảm xúc của bạn. Tấm lòng là cội nguồn của tất cả những động cơ thúc đẩy bạn-những gì bạn thích làm nhất, và những gì bạn quan tâm nhất. Mỗi ngày chúng ta vẫn thường dùng từ này khi nói, "Anh yêu em với trọn cả trái tim mình."
Kinh Thánh nói, "Mặt dọi mặt trong nước thế nào, lòng người đối với người cũng thế ấy" (Châm Ngôn 27:19). Tấm lòng bày tỏ sự thật về bạn-bạn là người như thế nào, chứ không phải những gì người khác nghĩ về bạn hay hoàn cảnh ép buộc bạn phải trở nên như vậy. Tấm lòng của bạn quyết định tại sao bạn nói những gì bạn nói, cảm nhận theo cách bạn cảm nhận, và hành động theo cách bạn hành động.[iii]
Trên phương diện thuộc thể, mỗi người chúng ta có một nhịp tim khác nhau. Cũng giống như chúng ta có dấu vân tay hoặc dấu võng mạc độc nhất, và tiếng nói khác hẳn mọi người, trái tim của chúng ta cũng có nhịp đập khác hẳn. Thật kỳ diệu là trong số hàng tỉ người trên hành tinh này, không ai có một nhịp tim giống hệt như nhịp tim của bạn.
Cũng vậy, Đức Chúa Trời ban cho mỗi chúng ta một "nhịp tim" tình cảm độc nhất vốn rung lên mạnh mẽ khi chúng ta nghĩ về những sự vật, hoạt động hay hoàn cảnh mà chúng ta thích. Theo bản năng, chúng ta quan tâm về một điều gì đó chứ không phải về những người khác. Đây là những hướng ý về nơi bạn nên phục vụ.
Một từ khác để mô tả tấm lòng là tình cảm. Có một số đề tài nào đó bạn cảm thấy rất thích khi nghĩ tới và cũng có những người bạn thấy không thể quan tâm tới họ ít hơn được. Một số trải nghiệm sẽ khích lệ và thu hút sự chú ý của bạn, trong khi đó một số khác sẽ làm cho bạn chán nản đến phát khóc. Những điều này bày tỏ bản chất thật của lòng bạn.
Khi lớn lên, bạn có thể khám phá ra rằng mình đặc biệt quan tâm tới một số vấn đề mà không một ai khác trong gia đình quan tâm cả. Những sở thích này từ đâu tới? Chúng đến từ nơi Đức Chúa Trời. Ngài có một mục đích khi ban cho bạn những sở thích bẩm sinh đó. Nhịp tim tình cảm là chiếc chìa khóa thứ hai để hiểu định dạng của bạn cho chức vụ. Đừng thờ ơ trước những sở thích của mình. Hãy nghĩ đến việc có thể dùng chúng cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời như thế nào. Có một nguyên nhân khiến bạn thích làm những việc này.
Kinh Thánh lập đi lập lại rằng "hãy phục vụ Chúa với trọn cả tấm lòng ngươi."[iv] Đức Chúa Trời muốn bạn hết lòng phục vụ Ngài, chứ không phải vì nhiệm vụ. Con người thường không hết mình thực hiện những nhiệm vụ mà họ không thích làm. Đức Chúa Trời muốn dùng các sở thích tự nhiên của bạn để phục vụ Ngài và phục vụ những người khác. Hãy lắng nghe những lời nhắc nhở từ bên trong vì chúng có thể dẫn bạn tới chức vụ mà Đức Chúa Trời muốn bạn làm.
Làm sao bạn biết được khi nào mình đang phục vụ Đức Chúa Trời từ trong tấm lòng của bạn? Dấu hiệu rõ ràng đầu tiên là lòng nhiệt thành. Khi bạn làm điều mà mình thích làm, chẳng cần ai thúc giục bạn cả. Tình cảm quyết định kết quả. Nếu bạn không quan tâm đến một nhiệm vụ nào đó, thì hẳn bạn sẽ không hết mình thực hiện nó. Ngược lại, những người đạt được thành quả cao nhất trong các lĩnh vực là những người làm việc hết lòng, chứ không vì nhiệm vụ hay vụ lợi.
Chúng ta đã từng nghe nhiều người nói rằng, "Tôi chọn công việc mình không thích để kiếm nhiều tiền, rồi một ngày nào đó tôi sẽ bỏ việc đó để làm việc mình thích." Đây là một sai lầm lớn. Đừng lãng phí cuộc đời trong một công việc không thể hiện được tấm lòng của bạn. Hãy nhớ rằng những điều vĩ đại nhất trong cuộc sống không phải là vật chất. Ý nghĩa quan trọng hơn nhiều so với tiền bạc. Người đàn ông giàu nhất trên thế giới đã từng nói, "Thà có ít của mà kính sợ Đức Giê-hô-va, còn hơn là tài sản nhiều mà bối rối cặp theo" (Châm Ngôn 15:16).
Đừng nên chỉ nhắm vào việc đạt được "đời sống tốt đẹp," vì đời sống tốt đẹp cũng không đủ. Cuối cùng thì nó cũng không thỏa mãn được. Có thể có nhiều điều để bạn hưởng thụ mà vẫn chẳng có gì để bạn sống cho. Hãy nhắm vào một "đời sống tốt đẹp hơn"-phục vụ Đức Chúa Trời theo cách bày tỏ đúng tấm lòng của bạn. Hãy xác định xem bạn yêu thích công việc gì-tức là điều Đức Chúa Trời đã ban cho lòng bạn-và rồi thực hiện nó vì sự vinh hiển của Ngài.
Suy Nghĩ Về Mục Đích Của Tôi
Vấn Đề Suy Nghĩ: Tôi được định hình để phục vụ Đức Chúa Trời.
Câu Gốc: "Có các việc làm khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Chúa Trời, là Đấng làm mọi việc trong mọi người." I Cô-rinh-tô 12:6 (Ph)
Câu Hỏi Suy Gẫm: Tôi nhận thấy mình sốt sắng phục vụ và yêu thương những người khác theo cách nào?