"Chúa Giê-xu thấy đức tin họ, bèn phán cùng người bại rằng: Hỡi con ta, tội lỗi con đã được tha" (câu 5).
Câu hỏi suy ngẫm: Sự kiện đặc biệt nào đã xảy ra khi Chúa Giê-xu vào nhà tại Ca-bê-na-um? Bạn nhận xét gì về bốn người khiên người bại? Họ làm việc thế nào? Việc đó dạy chúng ta điều gì? Chúa muốn thấy điều gì trong chúng ta?
Khi Chúa Giê-xu trở lại thành Ca-bê-na-um, người ta nghe nói Ngài "ở trong nhà" thì họ họp lại rất đông để nghe Ngài giảng đạo. Quê của Chúa Giê-xu tại Na-xa-rét, khi đến đây Ngài đang ở trong nhà, nhà của một người nào đó không được nói đến, nhưng đức tin của những người khiêng người bại đến cùng Chúa Giê-xu là điều quan trọng đã được Kinh Thánh nhắc, đã được Chúa Giê-xu nhìn thấy, và khiến quyền phép của Ngài phải hành động trên thân thể người bị bại. Sự hiệp một của họ đã được đền bồi xứng đáng. Chúng ta có thể học từ nơi những người này bài học về cách phục vụ hiệp một của họ.
Đồng lòng: Chúng ta không biết họ ở cách bao xa nơi Chúa đang giảng đạo tại Ca-bê-na-um, nếu ở gần thì hẳn không cần đến bốn người khiêng. Bốn người nầy đã nghe nói, hoặc đã chứng kiến về quyền phép của Chúa Giê-xu, và họ đồng lòng với nhau trong việc đem người bị bại đến với Chúa. Dù không có sự hứa hẹn trước của Chúa, nhưng họ có cùng một hy vọng, cùng thấy rằng đây là cơ hội duy nhất cho người bại được Chúa thương xót chữa lành. Con dân Chúa trong Hội Thánh có cùng một tấm lòng như vậy thì biết bao người đã được "khiêng" đến cùng Chúa rồi.
Đồng sức: Mỗi người một tay, họ cùng khiêng người bại đang nằm trên giường (chõng, BDM) đến với Chúa Giê-xu. Người bại không thể nào tự mình đến gặp Chúa và kinh nghiệm quyền phép chữa lành lạ lùng này nếu những người khiêng không ra sức giúp đỡ. Họ cùng bước đi cách nhịp nhàng, không ai đẩy ai, không ai chùng bước, vì họ có cùng một trách nhiệm giống nhau, nếu một người buông tay, thì sẽ ảnh hưởng đến người bại, và cả những người khiêng. Hội Thánh Chúa phát triển là bởi sự góp sức của từng tín hữu, khi một người lui đi, công việc trở thành nặng nề và trì hoãn.
Đồng tâm: Khi đến nơi, "vì đông người, không lại gần Ngài được" (câu 4) nên họ khiêng người bại lên nóc nhà. Mái nhà của người Do Thái thường làm mặt bằng bên trên như sân thượng để hóng mát, dù vậy khiêng một người bại lên trên nóc luôn cả giường, qua bậc thang chật hẹp không phải là việc đơn giản. Người trước phải hạ tay, người sau phải nhón chân. Nhưng điều đáng nói là họ đồng tâm với nhau trong quyết định đem người bại lên nóc và dỡ mái nhà dòng xuống. Nhà không phải là của họ! Không sao! Họ không tranh cãi về việc đó, họ đồng tâm trong việc cần phải làm. Công việc của Hội Thánh có thể có nhiều ý kiến đóng góp khác nhau, nhưng có quyết định chung, mỗi tín hữu cần hết lòng thi hành công việc dù ý kiến của mình không được tán thành.
Đồng đức tin: "Đức Chúa Giê-xu thấy đức tin họ" (câu 5). Chúa Giê-xu chữa lành cho người bại không phải vì đức tin của ông, mà vì đức tin của những người khiêng. Khi con dân Chúa có cùng một đức tin nơi Ngài, nhiều điều lạ lùng có thể được thực hiện, nhiều người bại liệt trong tâm linh sẽ được chữa lành, nhiều cuộc đời què quặt sẽ được đứng dậy, nhiều tội nhân sẽ được tha, nhiều người hư mất sẽ được cứu.
Nhìn lại cách phục vụ của mình, đôi khi trong chúng ta mỗi người một kiểu, ông đánh trống, bà thổi kèn, không tạo nên một bản hòa tấu, mà là những âm thanh chói tai khó chịu, vì thiếu sự hiệp một trong phục vụ. Chúa không muốn thấy công việc được làm, Chúa muốn thấy đức tin của người làm, Chúa không chỉ muốn thấy có người phục vụ nhưng còn muốn thấy sự hiệp một trong phục vụ. Càng hiệp một trong phục vụ, tiềm năng càng lớn, kết quả càng cao.
Có bao giờ bạn nghĩ rằng Chúa ban ơn cho người khác vì đức tin của bạn không? Bạn có hiệp chung trong giờ cầu nguyện của Hội Thánh không? Bạn có đang góp tay trong việc "khiêng người" đến với Chúa?
Lạy Chúa, xin gia thêm cho con đức tin còn thiếu kém, xin cho con có tâm tình hòa đồng và hiệp một với các anh chị em trong Hội Thánh để chúng con làm tròn công tác Chúa giao.
(c) 2024 svtk.net