"Đức Giê-hô-va là công bình; Ngài đã chặt những dây người ác" (câu 4).
Câu hỏi suy ngẫm: Người Ít-ra-ên thường xuyên bị gì? Họ kinh nghiệm sự giải cứu từ Đức Chúa Trời như thế nào? Cuối cùng của người gian ác là gì? Đau khổ có ích gì cho bạn?
Có thể tác giả Thi-thiên này gây ngạc nhiên cho chúng ta, bởi ông vừa đề cập đến hạnh phúc và an lành, giờ lại nói đến sự đau khổ và áp bức. Tuy nhiên, cả hai trường hợp chúng ta cần hiểu Đức Chúa Trời khiến một gia đình sống vui mừng, bình an và thỏa nguyện, đồng thời Ngài thấu hiểu nỗi khổ của dân Ngài và chính tay Ngài đem sự giải cứu đến cho họ.
Từ khi hình thành cộng đồng người Ít-ra-ên trong lòng Ai Cập cho đến khi lập quốc, người Ít-ra-ên liên tục bị áp bức, bị đày ải. Có thể nói dân tộc nầy phát triển trong sự đau khổ vì thường xuyên bị những người thù nghịch hà hiếp (câu 1, 2). Nhiều lần họ thất trận, nhưng thất bại trên chiến trường không có nghĩa là thất bại về mặt thuộc linh. Biết bao lần trong lịch sử, từ đống tro tàn, từ trong sự đổ nát, đức tin của họ đã vươn lên. Đây là kinh nghiệm của nhiều Cơ Đốc nhân, từ chỗ thất bại, ngã lòng, từ chỗ đau khổ, mất mát, bởi sự trợ giúp từ Cha trên trời, đức tin của họ đã được phục hồi và mạnh mẽ hơn cả những khi họ thành công và có được nhiều điều. Sự đau khổ có thể gây thương tổn trên thể xác như những vết cày sâu ở trên lưng làm đổ máu, nhưng Tertullian nói rằng "Huyết của những người tuận đạo là những hạt giống" để từ đó chúng ta có thể thu được những mùa gặt cho Đức Chúa Trời.
Lịch sử của Ít-ra-ên và của Cơ Đốc giáo cho thấy biết bao lần Đức Chúa Trời giải cứu dân Ngài và ban chiến thắng cho những người tin cậy Ngài. Những người thù nghịch có thể gây đau khổ cho những người được xưng công bình bởi đức tin, nhưng Đức Chúa Trời là Đấng chữa lành. Ngay trong đau khổ, Ngài tôi luyện dân Ngài rồi đem họ ra khỏi sự đau khổ. Những thù nghịch có thể ức hiếp, đặt ách nô lệ, nhưng Đức Chúa Trời chặt đứt những dây trói buộc, phá tung xích xiềng và ban sự tự do cho những người thuộc về Ngài. Ngay sau sự đau khổ và sự chết trên thập tự giá là sự phục sinh. Sau sự đau khổ của những người thánh là sự chữa lành, phục hồi, và tự do.
Đức Chúa Trời dùng những đau khổ trong cuộc đời bạn và cuộc đời của những người bạn cùng đức tin mà bạn biết như thế nào?
Lạy Chúa, xin giúp con nói và tin như Sứ đồ Phao-lô đã nói và tin "Con tưởng rằng những sự đau đớn bây giờ chẳng đáng so sánh với sự vinh hiển hầu đến, là sự sẽ được bày ra trong chúng con" (Rô-ma 8:18).
(c) 2024 svtk.net