"Nhưng chính bóng tối sẽ không tối đối với Ngài; ban đêm cũng sáng như ban ngày; bóng tối như ánh sáng đối với Ngài" (câu 12, BDM).
Câu hỏi suy ngẫm: Bóng tối mà ông Đa-vít đề cập đến có ý nghĩa gì? Tại sao lại "tối" với Đa-vít mà lại không tối đối với Chúa? Qua câu 12, ông Đa-vít hiểu về Chúa như thế nào? Đức Chúa Trời của ông Đa-vít có khác với Đức Chúa Trời của chúng ta không?
Khi đối diện với đau khổ là lúc chúng ta thấy đời mình bước vào bóng đêm. Gọi là bóng đêm vì không ai tìm thấy lối thoát cho mình, trong chơ vơ đó, con người đau khổ lần mò cách tuyệt vọng. Ý niệm phổ thông của nhân loại gọi đời là bể khổ, ông Đa-vít gọi tình huống tuyệt vọng đó là "đêm tối chung quanh tôi" (câu 11).
Một lần nữa ông Đa-vít cho chúng ta thấy mối liên hệ giữa mình với Đức Chúa Trời mà ông tin cậy. Khi ông nói "chắc chắn bóng tối sẽ che giấu tôi" vì ông không thể tự tìm được lối thoát giữa hoàn cảnh đó cho chính mình, rồi lại nói "Nhưng chính bóng tối sẽ không tối đối với Ngài" (câu 12), vì ông Đa-vít hiểu được Đức Chúa Trời mà mình tin cậy đó là ai. Một bài toán đố có thể quá khó hiểu cho đứa trẻ học lớp một, nhưng lại chẳng có nghĩa lý gì hết cho một học sinh lớp 12. Ánh sáng chỉ trở thành đêm tối cho một ông Đa-vít bất toàn nhưng không thể trở thành bóng tối với Đức Chúa Trời toàn năng. Dù được Chúa lựa chọn, ông Đa-vít cũng phải đối diện với những khó khăn xảy đến. Là một vị vua với vương quyền trong tay được mọi người kính nể, lãnh đạo một dân tộc mà các nước chung quanh đều phải phục tùng (2 Sa-mu-ên 8), dưới trướng có những tinh binh, bên cạnh có các mưu sĩ, nhưng ông Đa-vít hiểu rằng có những lúc, những giai đoạn, những tình huống mà nếu chỉ dựa vào mọi điều mình đã có thì không thể tự giải quyết được mà phải kêu xin lòng thương xót của Đức Chúa Trời. Ông Đa-vít tin cậy Đức Chúa Trời, Đấng thừa khả năng cho những điều mình đã phó thác, dù rằng mình hoàn toàn tuyệt vọng. Qua cách nói của ông Đa-vít ta thấy ông hiểu biết rất rõ về Đức Chúa Trời toàn năng mà ông đang tin cậy. Thế nhưng cùng một Đức Chúa Trời đó, ngày nay có nhiều Cơ Đốc nhân không thấy được quyền năng vô hạn của Ngài.
Từ xưa đến nay Đức Chúa Trời chưa bao giờ bị bất năng vì hoàn cảnh khó khăn, vì công việc to lớn, vì thù nghịch quá đông, điều duy nhất làm Đức Chúa Trời phải im lặng, chính là lòng vô tín của người đến gần Ngài, lòng vô tín của chúng ta chính là chướng ngại lớn nhất cho Đức Chúa Trời.
Ông Đa-vít không nhìn vào hoàn cảnh, không nhìn vào đêm tối cuộc đời, mà chỉ tập trung đôi mắt của mình vào Đức Chúa Trời, với Chúa thì "ban đêm cũng sáng như ban ngày, bóng tối như ánh sáng đối với Ngài" (câu 12). Sự sai lầm của chúng ta ngày nay là nhìn vào hoàn cảnh hơn là nhìn vào Chúa. Sứ đồ Phi-e-rơ vì tin vào Lời Chúa phán "hãy đến đây" mà đi bộ trên mặt nước để đến cùng Ngài, nhưng khi nhìn sóng nước thì người ngã xuống nước. Điều làm cho ông Phi-e-rơ không chìm, vượt ra ngoài định luật tự nhiên của trọng lực không do khả năng của ông, mà là Lời Chúa phán, ngay từ bước đầu tiên xuống nước, rồi đến những bước tiếp theo; nhưng khi nhìn sóng gió, thì ông quên khả năng bước đi trên nước của mình là do Lời đã phán, khi tầm mắt xoay đi khỏi Chúa, ông bị chìm.
Ai cũng thích đi giữa ánh sáng ban ngày, chúng ta không thể phủ nhận hay từ chối rằng sẽ có lúc cuộc đời mình đi vào trong đêm tối, đó là một phần của đời sống người Cơ Đốc phải có. Chúa Giê-xu phán: "Ta sai các ngươi đi khác nào như chiên vào giữa bầy muông sói, vậy hãy khôn khéo như rắn, đơn sơ như chim bồ câu" (Ma-thi-ơ 10:16). Cái đơn sơ nhưng đầy hiệu quả nhất của chúng ta là hãy hướng tầm nhìn của mình tập trung vào Đức Chúa Trời, Ngài là ánh sáng, là lối thoát cuœa chúng ta, và Ngài khiến chân chúng ta đi trong bóng tối như đi giữa ban ngày, đi qua thung lũng bóng chết mà chẳng sợ tai họa gì (Thi-thiên 23:4).
Bạn đang đối diện với bóng tối nào trong cuộc sống? Tầm mắt bạn đang nhìn vào đâu?
Lạy Chúa, xin giúp điều chỉnh tầm mắt con hướng về Ngài cho dù trong thuận cảnh hay nghịch cảnh! Xin giúp con hiểu rằng những khó khăn con đang đối diện không có nghĩa gì trước quyền năng đời đời của Ngài!
(c) 2024 svtk.net