"Sau khi Hê-nóc sinh Mê-tu-sê-la rồi, đồng đi cùng Đức Chúa Trời trong ba trăm năm... Hê-nóc đồng đi cùng Đức Chúa Trời, rồi mất biệt, bởi vì Đức Chúa Trời tiếp người đi"(câu 22, 24).
Câu hỏi suy ngẫm: Điều gì khác biệt giữa ông Hê-nóc và các tổ phụ mình trước đó? Cuộc đời ông Hê-nóc bắt đầu thay đổi kể từ lúc nào? Kết quả lòng tin cậy của ông Hê-nóc đem lại cho ông điều gì? Chúng ta được nhắc nhở gì qua sứ điệp Mê-tu-sê-la ngày nay?
Từ khi ông A-đam phạm tội, bị ngăn cách với Đức Chúa Trời, một điệp khúc được nhắc đi nhắc lại về các tổ phụ trước ông Hê-nóc là "sinh con trai con gái... rồi qua đời," nhưng đến đời ông Hê-nóc, thì điệp khúc ấy không còn nữa, mà thay vào đó "Hê-nóc đồng đi cùng Đức Chúa Trời, rồi mất biệt, bởi vì Đức Chúa Trời tiếp người đi" (câu 24).
Cuộc đời của ông Hê-nóc dường như được chia ra làm hai giai đoạn, 65 năm đầu ông Hê-nóc sống cũng giống như các tổ phụ mình, nhưng từ lúc ông Mê-tu-sê-la ra đời, cuộc đời ông Hê-nóc hoàn toàn thay đổi, người đồng đi cùng Đức Chúa Trời. Điều đã tạo ra sự thay đổi đó chính là đứa con Chúa cho: Mê-tu-sê-la. Tên của ông Mê-tu-sê-la có nghĩa là "khi nào người chết thì sự phán xét sẽ đến." Mặc dù trước đó "người ta bắt đầu cầu khẩn Danh Chúa" (Sáng-thế Ký 4:26), nhưng sự thờ phượng Chúa của các đời tổ phụ trước đó không làm Chúa hài lòng, tội lỗi vẫn gia tăng và đời sống loài người ngày càng bại hoại. "Chúa thấy tội ác của loài người trên đất thật lớn lao, mọi khuynh hướng tư tưởng của lòng họ lúc nào cũng xấu xa" (Sáng-thế Ký 6:5). Trong một cơ hội nào đó, Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho ông Hê-nóc về sự phán xét chắc chắn sẽ xảy ra trước tình trạng tội lỗi ngày càng gia tăng của con người, và sứ điệp đó được thể hiện qua tên đứa con mà ông Hê-nóc đặt cho.
Dù so với các đời tổ phụ trước mình, cuộc đời ông Hê-nóc ngắn hơn hết, nhưng phước hạnh mà ông Hê-nóc được hưởng thì không tổ phụ nào bằng: "Đồng đi cùng Đức Chúa Trời, rồi mất biệt, bởi vì Đức Chúa Trời tiếp người đi" (câu 24). Đi với Đức Chúa Trời không có nghĩa là lửng thửng bên cạnh Ngài, nhưng là mối quan hệ tương giao với Ngài. Suốt 300 năm còn lại, từng ngày một Hê-nóc giữ một mối quan hệ gần gũi và thân mật với Chúa hơn bất cứ ai trước đó, dù người không hề thấy Đức Chúa Trời bằng mắt, vì Chúa phán "Không ai thấy mặt Ta mà còn sống" (Xuất Ai Cập 33:20). Nhưng sứ điệp về sự phán xét được Đức Chúa Trời cảnh cáo đó nhắc nhở ông Hê-nóc từng ngày đi với Chúa, dù sự phán xét ấy chưa xảy ra trong thời kỳ của ông Hê-nóc, và dù không biết sự hủy diệt sẽ xảy ra bằng cách nào, ông vẫn tin cậy Chúa mà đồng đi cùng Ngài. Những tổ phụ trước đó có gia sản, có tuổi thọ, nhưng họ không có Đức Chúa Trời. Sứ điệp Mê-tu-sê-la được ứng nghiệm đúng như Lời Chúa phán: ông Mê-tu-sê-la được 187 tuổi sinh Lê-méc (câu 25), ông Lê-méc được 182 tuổi sinh Nô-ê (câu 28), nghĩa là lúc đó ông Mê-tu-sê-la được 369 tuổi; rồi ông Nô-ê được 600 tuổi khi cơn nước lụt đến trên đất (7:6), nghĩa là, khi ông Mê-tu-sê-la được 969 tuổi (5:27) thì cơn nước lụt xảy ra hủy diệt toàn thể loài người, bao gồm cả chính ông; chỉ có ông Nô-ê, vợ, các con trai và dâu, gia đình gồm 8 người còn sống trong tàu mà thôi. Vả, ông Nô-ê cũng được chứng là "đồng đi với Đức Chúa Trời" (6:9). Sứ điệp hủy diệt đó đã được báo trước cho ông Hê-nóc, là người đã tin cậy Lời Đức Chúa Trời.
Sứ điệp Mê-tu-sê-la vẫn được nhắc đi nhắc lại trong thời đại của chúng ta hôm nay, "trong đời Nô-ê thể nào, khi Con Người đến cũng thể ấy" (Ma-thi-ơ 24:37), "Con Người lấy đại quyền đại vinh ngự trên mây trời mà đến" (Ma-thi-ơ 24:30), và "trời đất thời bây giờ... để dành cho lửa, lửa sẽ đốt nó đi trong ngày phán xét, và hủy phá người ác" (2 Phi-e-rơ 3:7). Ai tin lời đã rao truyền cho chúng ta? Ai quyết định đồng đi với Đức Chúa Trời từng ngày kể từ hôm nay?
Bạn có tin vào Lời Chúa phán không? Bạn có mối quan hệ thế nào với Chúa hôm nay? Bạn nghĩ gì về sứ điệp Mê-tu-sê-la mà Chúa đang phán cùng mình?
Lạy Chúa! Xin dạy con biết lắng nghe khi Lời Chúa phán, xin cho con biết tìm kiếm mặt Ngài khi Chúa đang ở gần, xin dắt tay và cho con được đồng hành với Chúa cho đến cuối đời.
(c) 2024 svtk.net