"Vì tôi làm chứng cho họ rằng họ có lòng sốt sắng về Đức Chúa Trời, nhưng lòng sốt sắng đó là không phải theo trí khôn. Bởi họ không nhận biết sự công bình của Đức Chúa Trời và tìm cách lập sự công bình riêng của mình, nên không chịu phục sự công bình của Đức Chúa Trời" (câu 2, 3).
Câu hỏi suy ngẫm: Kinh nghiệm bản thân giúp Sứ đồ Phao-lô nhận biết thế nào về tình trạng của dân tộc ông? Việc xưng nhận Đức Chúa Trời phải đi đôi với bước nào khác? Vì sao? Để có được sự khôn ngoan, năng lực và sự hiểu biết từ Đức Chúa Trời bạn cần làm gì?
Sứ đồ Phao-lô hết lòng quan tâm đến dân tộc ông. Ông mong ước và cầu nguyện để họ nhận được sự cứu rỗi. nên đã làm việc cật lực và hết lòng giảng dạy để người Do Thái biết về Chúa Giê-xu. Bởi Ngài là sự bày tỏ trọn vẹn hơn hết về Đức Chúa Trời cho loài người. Nếu không bởi Chúa Giê-xu không ai có thể hiểu một cách đầy đủ về Đức Chúa Trời. Bởi Chúa Giê-xu mà Đức Chúa Trời trở nên thật gần với nhân loại.
Không ai có thể đến với Đức Chúa Trời bằng con đường khác ngoài Chúa Giê-xu. Trước khi gặp Ngài trên đường Đa-mách, ông Phao-lô không hề nhận biết điều này. Vì vậy, Sứ đồ Phao-lô biết rằng người Giu-đa rất nhiệt thành và cũng rất tự hào vì đã làm theo Luật Pháp. Tuy nhiên, đây chỉ là lòng nhiệt thành thiếu hiểu biết (10:2). Lòng nhiệt thành và sự cố gắng gìn giữ Luật Pháp để được xưng công bình đã khiến cho dân tộc ông khước từ không tìm hiểu con đường dẫn đến sự cứu rỗi mà Đức Chúa Trời ban cho họ cũng như toàn thể nhân loại. Tình trạng của họ cũng giống như tình trạng của ông Phao-lô trước khi cải đạo. Vì lòng nhiệt thành đối với Đức Chúa Trời và với Do Thái giáo mà ông đã bách hại các Cơ Đốc nhân. Đây là lòng nhiệt thành thiếu hiểu biết lời Đức Chúa Trời.
Tiếp theo từ câu 6, Sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh đến việc xưng nhận Chúa Giê-xu và tin nhận Ngài trong lòng. Hai điều này phải đi đôi với nhau. Khi nói rằng Đức Chúa Trời đã khiến Chúa Giê-xu từ người chết sống lại, chúng ta công nhận uy quyền phục sinh của Ngài và vị trí đặc biệt của Ngài trong đời sống mình: Ngài là Cứu Chúa của chúng ta. Một bước khác không thể thiếu đó là tin Ngài trong lòng. Niềm tin này khiến chúng ta nhận được sự công bình (câu 10). Bởi lời cầu nguyện với Đức Chúa Trời, chúng ta xưng nhận niềm tin của mình nơi Đức Chúa Trời, bởi không tin thì không thể cầu nguyện, và những gì Ngài làm cho chúng ta khi chúng ta thật sự tin Ngài.
Tại sao lòng nhiệt thành và sự hiểu biết phải đi đôi với nhau? Làm sao để bạn quân bình điều đó trong đời sống?
Lạy Chúa, xin giúp con tận dụng mọi cơ hội để học biết về Ngài, để nhiệt thành sống cho Ngài cách đúng đắn và có ý nghĩa.
(c) 2024 svtk.net