"Đức Chúa Trời đã dùng Chúa Thánh Linh để bày tỏ những sự đó cho chúng ta, vì Chúa Thánh Linh dò xét mọi sự, cả đến sự sâu nhiệm của Đức Chúa Trời nữa" (1 Cô-rinh-tô 2:10).
Câu hỏi suy ngẫm: Những tri thức về thiên nhiên như địa chất, thiên văn, vật lý, sinh học, điện tử... của bạn đến mức nào, nếu cho mức từ 0 đến 10? Những tri thức đó giúp ích đời sống bạn thế nào? Giúp giải quyết nan đề trong cuộc sống bạn ra sao? Là học giả uyên thâm, Sứ đồ Phao-lô cảm nhận thế nào tri thức về Đức Chúa Trời? Tại sao ông sẵn sàng đánh đổi mọi sự để được hiểu biết Chúa? Bạn đồng ý hay không đồng ý về quan điểm của ông Phao-lô? Tại sao?
Chúng ta đang sống trong thời kỳ bùng nổ của tri thức. Sự hiểu biết của con người gia tăng nhanh chóng trong 50 năm qua. Nhiều người cảm thấy khó khăn để bắt kịp đà gia tăng của tri thức con người. Nhiều người cảm thấy rối trí và mất hướng đi giữa đại dương bao la của tri thức con người khám phá được. Dù vậy, tri thức con người đến lúc nào đó cũng lỗi thời, qua đi. Vì vậy, chúng ta cần tìm hiểu tri thức quan trọng nhất và quý báu nhất: Tri thức về Đức Chúa Trời.
Chữ tri thức được dùng trong Kinh Thánh 132 lần. Tri thức Kinh Thánh nói đến là tri thức thuộc linh, tri thức của Đức Chúa Trời, sự hiểu biết về Lời Ngài, về việc làm, đường lối, luật pháp, chân lý và Nước của Ngài. Điều này không có nghĩa là Đức Chúa Trời của chúng ta không phải là một Đức Chúa Trời của khoa học. Sự thật Kinh Thánh nói Đức Chúa Trời là nguồn gốc của mọi kiến thức khoa học. Sứ đồ Phao-lô nhận biết Đức Chúa Trời là Đấng có sự hiểu biết lớn lao và ông đã kêu lên rằng: "Ôi! Sự giàu có, khôn ngoan và hiểu biết của Đức Chúa Trời thật sâu nhiệm biết bao!... Vì muôn vật đều từ Ngài, bởi Ngài, và hướng về Ngài. Vinh quang thuộc về Ngài đời đời vô cùng!" (Rô-ma 11:33, 36). Bởi sự khôn ngoan và tri thức vô hạn của Ngài, Đức Chúa Trời đã dựng nên thế giới chúng ta đang sống ngày nay.
Cơ Đốc nhân tin Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Đấng tạo nên trời đất và muôn vật, là tin một Đức Chúa Trời chân thật, điều đó không có nghĩa là bạn thật sự biết Ngài hay biết nhiều về Ngài. Kinh Thánh bày tỏ sự hiểu biết về Đức Chúa Trời là một kinh nghiệm sống của người tin theo Chúa. Biết nhiều về Đức Chúa Trời không có nghĩa là thu thập kiến thức nhiều hơn, nhưng là kinh nghiệm nhiều hơn về sự sống, tình yêu và quyền năng của Ngài. Sự hiểu biết thông qua kinh nghiệm về Đức Chúa Trời là tri thức cao quý nhất.
Từ nhỏ, Sứ đồ Phao-lô tin tưởng Đức Chúa Trời chân thật. Ông thừa hưởng niềm tin này từ cha mẹ, và người Do Thái. Dù đã học nhiều năm về Đức Chúa Trời, công việc, và luật pháp của Ngài, nhưng ông chưa bao giờ gặp Đức Chúa Trời cách riêng tư, cho đến khi ông gặp Đức Chúa Trời lần đầu tiên trên đường đến thành Đa-mách để truy bắt những người tin theo Chúa Giê-xu. Đây là một khám phá chấn động tinh thần ông Phao-lô. Ông đã không biết Chúa Giê-xu là Đấng vinh hiển và quyền năng. Hôm ấy, ông biết Chúa Giê-xu chính là Đức Chúa Trời thành người. Ông viết trong 1 Ti-mô-thê 3:16:
"Đấng đã được tỏ ra trong xác thịt,
Thì đã được Chúa Thánh Linh xưng là công bình,
Được thiên sứ trông thấy,
Được giảng ra cho dân ngoại,
Được thiên hạ tin cậy,
Được cất lên trong sự vinh hiển."
Sau khi biết sự vĩ đại của Chúa Giê-xu, ông nói những tri thức của ông xưa nay không có giá trị gì so với sự hiểu biết ông mới có được về Chúa Giê-xu, và ông mong muốn được biết nhiều hơn về Ngài. Ông nói: "Nhưng vì cớ Đấng Cơ Đốc, tôi đã coi sự lời cho tôi như là sự lỗ vậy. Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Giê-xu Cơ Đốc là quý hơn hết, Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi điều lợi đó. Thật, tôi xem những điều đó như rơm rác, hầu cho được Đấng Cơ Đốc" (Phi-líp 3:7-8).
Hiểu biết qua kinh nghiệm về Đức Chúa Trời có nghĩa là chúng ta biết Ngài là Cứu Chúa, là Đấng chỉ dạy, là Đấng giúp đỡ chúng ta. Đức Chúa Trời là Đấng giàu có về sự khôn ngoan, quyền năng và mọi sự. Khi chúng ta biết Ngài như một người bạn và người thầy, Ngài sẽ dạy dỗ và giúp chúng ta giải quyết nhiều vấn đề trong đời sống, đồng thời Ngài cũng sẽ chỉ cho chúng ta biết hướng đi đúng của cuộc đời.
Bạn hiểu biết Chúa thế nào? Hiểu biết đó giúp gì cho đời sống bạn?
Lạy Chúa, con muốn thưa với Ngài như Sứ đồ Phao-lô: Nhận biết Ngài là quý hơn hết cho cuộc đời con. Con sẵn sàng bỏ hết mọi sự để hiểu biết Ngài nhiều hơn.
(c) 2024 svtk.net