"Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn" (câu 16).
Câu hỏi suy ngẫm: Soi dẫn hay linh cảm là gì? "Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn" có nghĩa gì? Tại sao Đức Chúa Trời phải linh cảm? Bằng cách nào Chúa linh cảm các tác giả để viết Kinh Thánh (II Phi-e-rơ 1:21)? Khi được linh cảm, cá tính và cách hành văn của tác giả có bị loại bỏ không? Tin rằng Kinh Thánh được linh cảm, bạn có thái độ nào khi đọc những dòng chữ trong Kinh Thánh?
Mạc khải là sự bày tỏ của Đức Chúa Trời về chính Ngài cho con người. Niềm tin vào sự mạc khải luôn luôn là trọng tâm của niềm tin Cơ Đốc. Tự con người không thể khám phá Đức Chúa Trời, nên Ngài mạc khải chính Ngài cho con người. Thiên nhiên là mạc khải phổ quát, và Kinh Thánh là mạc khải đặc biệt về Đức Chúa Trời.
Linh cảm, hay soi dẫn, hay cảm thúc là quyền năng của Đức Chúa Trời làm cho con người có thể ghi nhận cách đúng đắn chân lý được Ngài bày tỏ. Chữ "linh cảm" chỉ được dùng hai lần trong Kinh Thánh (Gióp 32:8; II Ti-mô-thê 3:16), có nghĩa Đức Chúa Trời "hà hơi vào" trong con người để con người nói và viết xuống sự mạc khải của Ngài cách xác thực và có thẩm quyền (II Phi-e-rơ 1:21). Cá tính và cách hành văn của các tác giả Kinh Thánh không bị loại bỏ bởi sự linh cảm thiên thượng. Cần lưu ý rằng không phải các tác giả tự mình viết những sách trong Kinh Thánh, rồi được Chúa "hà hơi" vào, để phê chuẩn, chấp thuận hay công nhận, trái lại Ngài linh cảm họ ngay từ bước đầu và tiếp tục soi sáng để họ viết. Trong tiến tình linh cảm, Ngài vẫn tôn trọng văn phong, bút pháp của từng tác giả, vì mục đích của Ngài là muốn truyền thông cách hiệu quả cho người đọc đương thời.
Chấp nhận sự linh cảm của Đức Chúa Trời trên Kinh Thánh có nghĩa là không ai trong các trước giả Kinh Thánh bị hiểu sai trật, ý tưởng của họ được ghi lại cách chính xác theo cá tính và vai trò riêng từng người; và cũng không có nghĩa là mỗi phân đoạn Kinh Thánh đều có thể giải thích và thông hiểu được. Có những chiều sâu trong Lời Đức Chúa Trời mà trí óc loài người không thể dò thấu, nhưng chúng ta được bảo đảm rằng, "Nếu ai làm theo ý muốn của Thượng Đế, thì sẽ biết đạo lý Ngài" (Giăng 7:7). Nếu học Kinh Thánh không với định kiến và sự chỉ trích, nhưng với niềm tin và lòng yêu mến Lời Chúa, chúng ta sẽ hiểu được sứ điệp của Kinh Thánh.
Khi ông Môi-se giải thích về sự sáng tạo thế giới, ông đã không đề cập gì đến những lý thuyết về khởi nguyên của vũ trụ được phổ biến trong thời cổ Ai Cập hoặc Ba Tư, là điều ông rất quen thuộc. Việc này chỉ có thể hiểu được rằng ông Môi-se thật sự được điều khiển bởi Chúa Thánh Linh. Trong một chương ngắn ngủi về sự sáng tạo thế giới (Sáng Thế 1), không dưới 14 lần ông Môi-se tuyên bố ông chép lại lời của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh Cựu Ước lặp đi lặp lại câu "Đức Giê-hô-va phán," trong các sách tiên tri cũng như các sách lịch sử, cho thấy Đức Chúa Trời tiếp xúc gắn bó và trực tiếp phán với dân Ngài. Những câu như: "Đức Giê-hô-va nói...," "Đức Giê-hô-va phán...," "Lời của Đức Giê-hô-va đến...," được thấy 3,808 lần trong Cựu Ước. Những tác giả của Kinh Thánh khẳng định họ nhận được sự mạc khải của Đức Chúa Trời và gần như họ luôn bắt đầu sứ điệp bằng những chữ "Đức Giê-hô-va phán..."
Các tác giả Tân Ước không những trưng dẫn những câu nói trong Cựu Ước, nhưng còn xác nhận đó là Lời của Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 1:22, 23; 2:15; Mác 12:36; Lu-ca 1:70; Công-vụ các Sứ-đồ 1:16). Tân Ước có hơn 280 câu trích dẫn từ 30 sách trong số 39 sách của Kinh Thánh Cựu Ước. Những bài giảng của ông Phi-e-rơ, ông Ê-tiên, và ông Phao-lô trong sách Công-vụ các Sứ-đồ đầy dẫy những câu trích dẫn từ Kinh Thánh Cựu Ước.
Các tác giả của Tân Ước ý thức rằng những người được dùng viết ra Cựu Ước đã nhận sự mạc khải cũng như chính họ. Điều này giải thích tại sao Kinh Thánh không có mâu thuẫn cho dù các tác giả sống rất xa nhau về thời gian cũng như không gian, khác biệt nhau về văn hoá cũng như học thức. Chính các tác giả đã tuyên bố rằng họ viết Kinh Thánh dưới sự ảnh hưởng trực tiếp của Chúa Thánh Linh. Qua sự linh cảm, soi sáng và mạc khải, các tiên tri đã nghe tiếng nói rõ ràng của Đức Chúa Trời, họ có một hiểu biết sâu sắc mục đích của Ngài và cố gắng chia sẻ sự hiểu biết này với người nghe. Sứ đồ Phi-e-rơ xác quyết: "Không có lời tiên tri nào đến bởi ý người, nhưng người ta được Chúa Thánh Linh cảm thúc nói ra từ Đức Chúa Trời" (1 Phi-e-rơ 1:21).
Sự linh cảm có tầm quan trọng rất lớn, vì tất cả tín lý Cơ Đốc đều được khai triển từ Kinh Thánh và dựa trên Kinh Thánh làm thẩm quyền tối hậu. Qua Kinh Thánh, Đức Chúa Trời đã bày tỏ tình yêu và ân sủng Ngài để chúng ta đặt niềm tin và hy vọng nơi Ngài. Cũng trong sự cảm thúc của Lời Đức Chúa Trời chúng ta được toàn vẹn để sẵn sàng làm mọi việc lành; được uốn nắn, sửa dạy để trở nên người của Đức Chúa Trời.
Theo bạn, sự mạc khải và linh cảm cần thiết như thế nào trong sự hình thành Kinh Thánh? Điều đó giúp ích gì cho đức tin của bạn?
Lạy Chúa, trước sự sâu nhiệm của Lời Chúa, xin giúp con học hỏi Lời Chúa với đức tin và lòng khiêm nhường để con nghe được điều Chúa muốn phán dạy con.
(c) 2024 svtk.net