Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 7

Mục Tiêu Chiến Lược (1): Đánh Đổ Mọi Thành Lũy Chống Nghịch Chúa

II Cô-rinh-tô 10:3-5

"Nhờ khí giới đó chúng tôi đánh đổ các lý luận, mọi sự tự cao nổi lên nghịch cùng sự hiểu biết Đức Chúa Trời, và bắt hết các ý tưởng làm tôi vâng phục Đấng Cơ Đốc" (câu 5).

Câu hỏi suy ngẫm: Qua phần Kinh Thánh này bạn thấy mục tiêu chiến lược nào trong cuộc chiến tâm linh? Làm sao chúng ta đánh đổ được những lý luận chống lại Đức Chúa Trời? Thế nào là cá nhân chủ nghĩa? Tại sao cá nhân chủ nghĩa là thành trì chống lại chân lý Đức Chúa Trời?

Để chiến thắng trong cuộc chiến tâm linh, chúng ta cần hiểu rõ sứ mệnh hay những mục tiêu chiến lược. Hiểu biết những mục tiêu giúp chúng ta xác định những chiến thuật để thành công. Phần Kinh Thánh này cho chúng ta những mục tiêu chiến lược:

A. Đánh đổ các lý luận chống lại chân lý của Đức Chúa Trời.

Một bản dịch khác dịch câu 4 như sau: "Chúng ta dùng những khí cụ của Đức Chúa Trời toàn năng để đánh đổ mọi triết lý, phá sập mọi tư tưởng cao ngạo dựng lên chống lại chân lý của Đức Chúa Trời." Trong quá trình lịch sử tư tưởng con người, Kinh Thánh cho thấy những tư tưởng như vô thần ("nói trong lòng không có Đức Chúa Trời"), cá nhân chủ nghĩa ("lấy bụng mình làm Chúa mình") đã có từ thời kỳ xa xưa. Mỗi thời kỳ đều có những triết lý, nền văn hóa riêng hình thành đời sống con người. Ngày nay nền văn hóa Âu Mỹ đã ảnh hưởng rất lớn trên nếp sống nhiều người qua phim ảnh, truyền hình, âm nhạc, quảng cáo, sách báo... Chúng ta thường chấp nhận những đường lối suy nghĩ phi Cơ Đốc của văn hóa thế tục một cách máy móc, chứ không phải là một lựa chọn có ý thức.

Một số triết lý sống đã trở thành đồn lũy của tư tưởng thời đại. Là Cơ Đốc nhân chúng ta phải phá đổ những thành trì tư tưởng chống lại Đức Chúa Trời, ngăn trở người khác nghe và hiểu Phúc Âm của Chúa Giê-xu, và làm ngã lòng người sống cho mục đích của Chúa.

Thành trì thứ nhất trong tư tươœng con người ngày nay là:

Chủ nghĩa cá nhân: nhấn mạnh đến sự độc lập của con người và tầm quan trọng của tự do và tự lực của mỗi cá nhân trên phương diện xã hội, chính trị hoặc đạo đức. Những người theo chủ nghĩa cá nhân chủ trương không hạn chế mục đích và ham muốn cá nhân. Họ phản đối sự can thiệp của bất cứ ai, hoặc điều gì đụng chạm đến sự lựa chọn của cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân đối lập với quan điểm truyền thống, tôn giáo, tức đối lập với bất cứ tiêu chuẩn đạo đức hay luân lý nào hạn chế sự lựa chọn hành động của cá nhân.

Người sống theo chủ nghĩa cá nhân cho rằng cá nhân không thể bị ràng buộc theo cách áp đặt của tôn giáo hay đạo đức xã hội. Họ quan niệm cá nhân cần được tự do lựa chọn theo đuổi bất kỳ cách sống nào phù hợp với ý muốn của họ. Người ta tôn thờ cá nhân đến độ tin rằng mình có quyền làm bất cứ điều mình muốn, và chủ trương con người phải tự giải phóng mình ra khỏi mọi trói buộc để tự do làm bất cứ điều gì họ muốn. Vấn đề là họ có tự do, nhưng không thể tự thoát khỏi những hậu quả của sự lựa chọn và hành động của mình. Nhiều người thấy khó chấp nhận những hạn chế tự do của mình trong liên hệ trách nhiệm đối với người khác và với Đấng Tạo Hóa. Họ tin hạnh phúc là làm những gì mình muốn, không cần biết điều đó có phải là ý muốn của Đức Chúa Trời hay nhu cầu của Hội Thánh, gia đình hoặc người khác.

Kinh Thánh chống lại chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cực đoan. Lời Chúa dạy: "Chúng ta là người mạnh phải gánh vác những khiếm khuyết của người yếu; chớ nên chỉ làm hài lòng mình. Mỗi người trong chúng ta hãy làm hài lòng người lân cận để giúp ích và xây dựng họ. Vì chính Chúa Cứu Thế cũng không làm cho đẹp lòng mình..." (Rô-ma 15:1-3). Và Chúa Giê-xu dạy phải từ bỏ bản ngã ích kỷ để có thể sống cho Ngài. "Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, hằng ngày vác thập tự giá mình và theo Ta. Vì ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; nhưng ai hy sinh tính mạng vì Ta, thì sẽ cứu được" (Lu-ca 9:23-24).

Những lý luận nào chống lại Đức Chúa Trời đang ảnh hưởng trên suy nghĩ của bạn? Tại sao bạn chọn lối sống bạn đang sống? Những thành trì tư tưởng nào bạn cần đánh đổ vì chống lại chân lý của Đức Chúa Trời?

Lạy Chúa, xin mở lòng, mở trí con để con nhận ra những lý luận phi lý khiến con chống lại chân lý của Ngài, và giúp con thật lòng chăm lo đến người lân cận con.

(c) 2024 svtk.net