Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 6

1:40-45

40 Có một người phung đến cùng Ngài, quì xuống cầu xin rằng: Nếu Chúa khứng, có thể khiến tôi sạch được. 41 Đức Chúa Jêsus động lòng thương xót, giơ tay rờ người, mà phán rằng: Ta khứng, hãy sạch đi. 42 Liền khi đó, phung lặn mất, người trở nên sạch. 43 Tức thì Đức Chúa Jêsus cho người ra, lấy giọng nghiêm phán rằng: 44 Hãy giữ chớ tỏ điều đó cùng ai; song khá đi tỏ mình cùng thầy tế lễ, và vì ngươi được sạch, hãy dâng của lễ theo như Môi-se dạy, để điều đó làm chứng cho họ. 45 Nhưng người ấy đi, đồn việc đó ra, tới đâu cũng thuật chuyện, đến nỗi Chúa Giê-xu không vào thành cách rõ ràng được nữa; song Ngài ở ngoài, tại nơi vắng vẻ; và người ta từ bốn phương đều đến cùng Ngài.

 

1. Xin đọc thêm Lê-vi ký 13:1-46 và 14:1-32. Xin cho biết cảm nghĩ của Bạn sau khi đọc hai phần Kinh Thánh nầy:

2. Theo Lê-vi ký thì người phung trong câu chuyện nầy có vi phạm luật không? Tại sao?

3. “Khứng” (c. 40) nghĩa là gì? Người phung nói: “Nếu Chúa khứng có thể khiến tôi sạch được” ý người đó muốn nói gì?

4. Xin kể ra ba điều từ Chúa Giê-xu trong tiến trình chữa lành người phung:

          (1) ________________________________________

          (2) ________________________________________

          (3) ________________________________________

Những điều nầy cho chúng ta thấy điều gì về Chúa Giê-xu?

5. Bệnh phung thường tượng trưng cho điều gì? Tại sao?

6. Chúng ta có thể giống như người phung nầy trên phương diện nào? Tại sao?

7. Xin cho biết hai điều Chúa bảo người phung được chữa lành phải làm và cho biết lý do của mỗi điều:

          (1) ___________________________________       

          (2) ___________________________________

8. Nếu kinh nghiệm sự chữa lành của Chúa như người phung nầy, chúng ta nên làm gì? Tại sao?

 

Để biết rõ về bệnh phung và những điều người mắc bệnh phung phải làm, chúng ta cần đọc Lê-vi ký 13 và 14. Nỗi đau khổ của người mắc bệnh phung không phải chỉ là những đau đớn trong thân thể nhưng là bị cô lập khỏi xã hội. Lê-vi ký 13:45-46 cho biết: “Người đã bị vết phung rồi, xé quần áo, đầu trần, che râu lại mà la rằng: Ô uế! Ô uế! Trọn lúc nào người có vết thì sẽ bị ô uế, phải ở một mình ngoài trại quân.” Người phung trong câu chuyện chúng ta vừa đọc đã không làm đúng luật.

Theo luật, người đó không được vào thành và phải kêu ô uế cho người ta tránh xa, nhưng người ấy đã đến với Chúa để xin Chúa chữa cho. Người này đến với Chúa, không cầu mong điều gì khác hơn là lòng thương của Chúa. Ông nói: “Nếu Chúa khứng, có thể khiến tôi sạch được.” “Khứng” nghĩa là muốn hay vui lòng. Bản Diễn Ý dịch là: “Nếu Chúa vui lòng, Chúa có thể chữa cho con lành bệnh.”

Trong Thánh Kinh, bệnh phung thường tượng trưng cho tội lỗi, người có tội khi đến với Chúa không trông mong điều gì khác hơn là tình thương của Chúa. Chúng ta không thể đòi hỏi điều gì nơi Chúa, vì cũng giống như người phung, chúng ta là người ô uế, tội lỗi. Chúng ta chỉ trông mong tình thương của Chúa mà thôi. Câu trả lời của Chúa cho thấy rõ tình thương của Ngài. Chúa phán: “Ta khứng, hãy sạch đi,” BDY dịch là: “Ta sẵn lòng, lành bệnh đi!” Trước khi phán lời đó, Chúa Giê-xu đã “giơ tay rờ người” vì Chúa “động lòng thương xót.” Chúa Giê-xu có thể chữa bệnh cho người phung mà không cần phải đụng đến người ấy, nhưng Chúa đã đưa tay rờ để bày tỏ mối quan tâm đặc biệt, để cho người đó thấy rằng Chúa thật sự yêu thương, Ngài thương xót và thông cảm chân thành. Việc Chúa chữa bệnh cho người phung bắt đầu từ lòng thương, lòng thương ấy đã thể hiện qua hành động đưa tay đụng đến người và cuối cùng, Chúa thể hiện quyền năng của Ngài bằng cách phán một lời để chữa lành cho người ấy. Đó cũng là những diễn tiến khi chúng ta đến với Chúa. Ngài thương chúng ta, đụng đến chúng ta và sẵn sàng cứu chữa chúng ta, dù đó là căn bệnh thân xác hay tâm linh.

Sau khi chữa cho người phung, Chúa căn dặn người ấy không được nói với ai cả. Nhưng phải đi gặp thầy tế lễ để giữ cho đúng luật Môi-se. Chúa dặn như vậy vì Ngài không muốn người ta đến với Ngài để được chữa bệnh, mục đích của Chúa là để “giảng đạo” (c. 38). Tuy nhiên, người phung không vâng lời nên đã làm cho Chúa gặp khó khăn, không vào được trong thành. Lòng hăng hái của người phung là điều tốt nhưng vì không vâng lời Chúa, người ấy đã làm “hại” hơn là làm lợi cho Chúa. Mỗi khi hăng hái làm điều gì cho Chúa, chúng ta cũng cần cẩn thận xét xem điều đó có vui lòng Chúa không, có phải ý Chúa không? Làm công việc Chúa chưa chắc đã là việc tốt nếu chúng ta không làm đúng theo ý Chúa.

 

Cảm ơn Chúa đã yêu thương con, đến trần gian chịu chết để cứu con. Xin giúp con biết làm theo ý Chúa mỗi ngày để đền đáp phần nào công ơn của Chúa đối với con.