Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 9

2:18-22

18 Vả, môn đồ của Giăng và người Pha-ri-si đều kiêng ăn. Có người đến thưa cùng Đức Chúa Jêsus rằng: Bởi cớ nào môn đồ của Giăng và môn đồ của người Pha-ri-si đều kiêng ăn, còn môn đồ của thầy không kiêng ăn? 19 Đức Chúa Jêsus phán rằng: Bạn hữu của chàng rể có kiêng ăn được trong khi chàng rể còn ở cùng mình chăng? Hễ chàng rể còn ở với họ đến chừng nào, thì họ không thể kiêng ăn được đến chừng nấy. 20 Song tới kỳ chàng rể phải đem đi khỏi họ, trong ngày đó họ sẽ kiêng ăn. 21 Không ai vá miếng nỉ mới vào cái áo cũ; nếu vậy thì miếng nỉ mới chằng rách áo cũ, mà đàng rách càng xấu thêm. 22 Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ; nếu vậy, rượu làm vỡ bầu, rượu mất và bầu cũng chẳng còn.

 

1. Xin đọc Lê-vi-ký 23:26-32 và cho biết trong dịp lễ nào con dân Chúa phải “ép tâm hồn mình?” “Ép tâm hồn” nghĩa là gì?

2. Xin đọc Lu-ca 18:12 và Ma-thi-ơ 6:16-18 và cho biết người Pha-ri-si kiêng ăn như thế nào và thái độ của họ đối với vấn đề kiêng ăn?

3. Xin đọc Ma-thi-ơ 6:16-18 và cho biết Chúa dạy gì về sự kiêng ăn?

4. Theo quý vị “kiêng ăn” là làm điều gì? Với mục đích nào?

5. Các môn đồ của Chúa là những người không kiêng ăn, như vậy có phải họ không “thiêng liêng” bằng môn đồ của Giăng và người Pha-ri-si không? Tại sao?

6. Câu trả lời của Chúa Giê-xu trong câu 19-20 nghĩa là thế nào? Áp dụng như thế nào?

7. “Vá miếng nỉ mới vào cái áo cũ” (c.21) và “đổ rượu mới vào bầu da cũ” (câu 22) có gì giống nhau? Chúa Giê-xu nói như vậy nghĩa là gì?

8. Khi nào thì chúng ta “vá miếng nỉ mới vào cái áo cũ” (c.21) và “đổ rượu mới vào bầu da cũ?” Có nên làm như vậy không? Tại sao?

 

Kiêng ăn là một tục lệ thông thường của những người theo Do-thái giáo lúc bấy giờ, dù luật Môi-se chỉ buộc kiêng ăn một ngày trong một năm mà thôi, đó là vào dịp lễ chuộc tội (Lê-vi ký 23:26-32). Các môn đệ của ông Giăng và nhóm người Pha-ri-si kiêng ăn mỗi tuần hai ngày và họ rất hãnh diện về điều này (Ma-thi-ơ 6:16-18). Đối với họ, các môn đệ của Chúa Giê-xu là người trần tục vì chẳng những không kiêng ăn lại còn ăn uống chung với những người có tội. Điều này cho thấy người theo Chúa Giê-xu khác với người theo các tôn giáo khác thời đó, do đó họ thắc mắc và đến hỏi Chúa: Tại sao môn đệ của Chúa không kiêng ăn?

Để hiểu câu trả lời của Chúa, chúng ta cần biết một ít về tục lệ cưới hỏi của người Do-thái. Ở Do-thái thời đó, sau hôn lễ, cặp vợ chồng mới không đi tuần trăng mật nhưng ở nhà mở tiệc khoản đãi bạn bè. Những người được mời dự tiệc trong tuần lễ đó được gọi là “bạn của chàng rể” (c. 19). Trong tuần lễ đó, những người này được miễn trừ việc kiêng ăn để được chung vui với chú rể. Chúa Giê-xu nói các môn đệ của Ngài cũng giống như các bạn của chú rể. Nói khác đi, Chúa cho biết rằng những giờ phút Chúa còn ở bên các môn đệ là những giờ phút vui vẻ vì thế họ không cần phải kiêng ăn. Ý Chúa muốn nói, những người dự tiệc cưới còn được miễn trừ việc kiêng ăn huống chi là những người chỉ sống với Chúa trong một thời gian ngắn. Câu “kỳ chàng rể phải đem đi khỏi họ” chỉ về lúc Chúa sẽ từ giã các môn đệ. Thật ra, Chúa muốn dạy người Pha-ri-si và các môn đệ của Giăng một điều cao xa hơn. Đó là, theo Chúa không phải là vâng giữ những lễ nghi khắc khổ nhưng là sống trong sung sướng, vui mừng như người dự tiệc cưới. Chúa không chống lại việc kiêng ăn, nhưng Ngài chỉ muốn dạy rằng đừng để việc kiêng ăn trở thành một gánh nặng hay một cách để phô trương mà thiếu đi giá trị đích thực bên trong (Ma-thi-ơ 6:16-18).

Tiếp theo câu trả lời về việc tại sao các môn đệ của Chúa không kiêng ăn, Chúa dùng thêm hai hình ảnh khác để giải thích: (1) Vá vải mới vào áo cũ. (2) Đổ rượu mới vào bầu da cũ. Điểm giống nhau trong hai ví dụ này là không ai vá víu giữa cũ và mới bao giờ, vì làm như vậy chỉ gây thiệt hại chứ không ích lợi gì (vải mới khi nhúng nước sẽ rút lại làm rách chỗ vải cũ; rượu mới lên men mạnh, bầu da cũ không còn chỗ để giãn ra sẽ bị nứt). Chúa muốn cho mọi người thấy rằng Chúa đem đến một hệ thống giáo lý mới, không tùy thuộc và cũng không vá víu với hệ thống cũ. Nói về việc kiêng ăn chẳng hạn, người ta phải kiêng ăn một tuần hai lần, với bộ mặt thiểu não... đối với Chúa đó không phải là hành đạo. Đạo của Chúa đem lại vui tươi, sống tự nhiên và vui vẻ với mọi người. Nếu cần kiêng ăn, hãy giữ điều đó giữa mình với Chúa, không phải khoe cho mọi người biết. Đó là điểm khác biệt căn bản giữa đạo Chúa và những tôn giáo khác, kể cả Do-thái giáo.

Câu trả lời của Chúa Giê-xu dạy chúng ta:

1. Niềm tin nơi Chúa đem lại niềm vui và thỏa mãn. Chúng ta nên sống tự nhiên với niềm vui đó, không cần phải ép mình vào những lễ nghi phiền phức và không cần thiết.

2. Chúng ta không thể đi hàng hai hoặc pha trộn tôn giáo này với tôn giáo nọ. Đạo của Chúa chỉ là một. Chúng ta phải trung thành tuyệt đối với Chúa và làm đúng điều Chúa dạy. Không thể pha lẫn đạo Chúa với những giáo lý khác của đời.

Xin cho con thấy rõ niềm vui trong Chúa là điều thật tuyệt diệu để con luôn luôn tận hưởng Chúa và đem niềm vui đó đến cho mọi người. Xin đừng để con dung hòa đạo Chúa với bất cứ điều nào khác ở đời để rồi phải gặt lấy những hậu quả đau đớn.