35 Đến chiều ngày ấy, Ngài phán cùng môn đồ rằng: Chúng ta hãy qua bờ bên kia. 36 Khi cho dân chúng tan về rồi, Đức Chúa Jêsus cứ ở trong thuyền, và môn đồ đưa Ngài đi; cũng có các thuyền khác cùng đi nữa. 37 Vả, có cơn bão lớn nổi lên, sóng tạt vào thuyền, đến nỗi gần đầy nước; 38 nhưng Ngài đang ở đằng sau lái, dựa gối mà ngủ. Môn đồ thức Ngài dậy mà thưa rằng: Thầy ôi, thầy không lo chúng ta chết sao? 39 Ngài bèn thức dậy, quở gió và phán cùng biển rằng: Hãy êm đi, lặng đi! Gió liền dứt và đều yên lặng như tờ. 40 Đoạn, Ngài phán cùng môn đồ rằng: Sao các ngươi sợ? Chưa có đức tin sao? 41 Môn đồ kinh hãi lắm, nói với nhau rằng: Vậy thì người nầy là ai, mà gió và biển cũng đều vâng lịnh người?
1. Xin cho biết hai điều bình thường (tự nhiên) trong câu 35-36:
(1)
(2)
2. Chúa Giê-xu “ở đàng sau lái, dựa gối mà ngủ” (c. 38a). Câu nầy cho thấy điều gì về Chúa Giê-xu?
3. Câu nói của các môn đồ với Chúa Giê-xu (c. 38b) hàm ý gì? Có khi nào chúng ta nói với Chúa như vậy không?
4. Câu Chúa Giê-xu nói với các môn đồ (c. 40) hàm ý gì? Có khi nào Chúa nói với chúng ta như vậy không?
5. Xin trả lời câu hỏi của các môn đồ trong câu 41. Với câu trả lời đó, chúng ta đi đến kết luận gì về Chúa Giê-xu?
6. Xin kể lại một kinh nghiệm “giông bão” trong đời sống Bạn. Bạn đã phản ứng như thế nào? Nếu gặp “giông bão” trở lại, Bạn sẽ phản ứng ra sao? Tại sao?
Hồ Ga-li-lê dài khoảng 21 cây số, rộng khoảng 11 cây số và thấp hơn mặt biển khoảng 200 mét. Vì nằm ở một chỗ thấp, chung quanh có đồi núi bao bọc nên hồ Ga-li-lê thường có những trận bão xảy ra thình lình. Đó là điều đã xảy ra cho Chúa Giê-xu và các môn đệ khi họ đi ngang qua hồ. Câu chuyện này có thể áp dụng vào đời sống như sau:
Giông tố xảy đến cho các môn đệ của Chúa cách thình lình và dữ tợn khiến họ phải bó tay. Trong đời sống lắm khi chúng ta cũng trải qua những hoàn cảnh tương tự. Những giông bão của đời sống cũng thường đến thình lình, chúng ta không biết trước được. Lắm khi cũng thật mạnh, khiến ta bị xao xuyến. Có thể nói, không ai tránh khỏi những “bão tố” trong đời sống: bệnh tật, tai nạn, tang chế, thất nghiệp, hỏa hoạn, lụt lội... những điều này xảy ra cho tất cả mọi người và bất cứ lúc nào. Lắm khi trong những hoàn cảnh khó khăn đó chúng ta thấy như Chúa không biết đến. Chúng ta có cảm tưởng như Ngài đang ngủ, tương tự như trường hợp các môn đệ gặp bão. Tuy nhiên, mỗi lúc gặp khó khăn, hoạn nạn, chúng ta cần nhớ rằng, những điều đó không có gì là ngạc nhiên đối với Chúa vì Ngài biết trước và chính Ngài cho phép xảy đến. Chính Chúa đã bảo các môn đệ qua bờ bên kia (c. 35). Chúa bảo họ đi, Chúa cũng biết trước điều gì sẽ xảy ra và việc Chúa sẽ làm. Không một điều nào xảy ra trong đời sống của chúng ta là “tai nạn” dưới mắt của Chúa cả.
Đức Chúa Trời cầm quyền trên tất cả, vì vậy không một điều gì xảy ra mà không được Ngài cho phép. Chúa chẳng những biết trước, Ngài cũng luôn luôn Ở VỚI chúng ta trong mọi hoàn cảnh. Lắm khi, chúng ta nghĩ rằng Chúa đang ở xa và không quan tâm gì đến chúng ta, nhưng thật sự lúc nào Chúa cũng ở bên cạnh, để ý và chăm sóc. Chúa yên lặng là để dạy chúng ta những bài học cần thiết. Sự kiện Chúa Giê-xu ra lệnh và giông bão liền yên cho thấy Ngài là Đức Chúa Trời, có quyền trên thiên nhiên. Điều này cũng nhắc chúng ta rằng không có khó khăn nào Chúa không thể giải quyết cho chúng ta.
Phân đoạn Kinh thánh nầy mô tả một trận bão lớn nhưng cũng cho thấy một sự bình an lớn. Chúa an tâm nằm ngủ vì Ngài biết giông bão đó không thể làm hại Chúa và các môn đệ. Lắm khi Chúa không dẹp yên những cơn bão chung quanh chúng ta nhưng Ngài sẽ dẹp yên cơn bão trong lòng chúng ta. Thật ra đó là điều cần thiết để đương đầu với những giông bão trong cuộc sống. Bạn đã có sự bình an của Chúa trong tâm hồn chưa? Chỉ cần đặt đức tin nơi Chúa là Bạn sẽ có sự bình an đó. Nếu chúng ta còn sợ, còn lo là vì chúng ta chưa có đức tin (c. 40).
Xin nhắc con nhớ rằng giông bão là điều không thiếu trong đời sống, nhưng lúc nào Chúa cũng ở bên cạnh và dìu dắt con qua những giông bão đó. Xin thêm đức tin để con có sự an tĩnh trong tâm hồn và có thể đương đầu với những khó khăn ở đời.