22 Kế đó, Đức Chúa Jêsus và môn đồ đi đến làng Bết-sai-đa. Người ta đem cho Ngài một người mù và cầu xin Ngài rờ đến người. 23 Ngài bèn nắm tay người mù, dắt ra ngoài làng, thấm nước miếng trên mắt người, đặt tay trên người, và hỏi, có thấy chi không? 24 Người mù ngó lên rồi thưa rằng: Tôi thấy người ta, và nhìn họ đi giống như cây. 25 Rồi Đức Chúa Jêsus lại đặt tay trên mắt người; người nhìn xem, được sáng mắt, thấy rõ ràng cả thảy. 26 Đức Chúa Jêsus khiến người về nhà, và truyền rằng: Đừng trở vào trong làng.
1. Xin đọc Lu-ca 7:21 và cho biết những trường hợp khác trong các sách Phúc Âm nói về việc Chúa làm cho người mù được sáng mắt:
(1) _____________________________________________
(2) ______________________________________________
2. Xin so sánh các trường hợp chữa lành nầy và cho biết những điểm giống nhau và khác nhau trong mỗi trường hợp:
GIỐNG NHAU:
KHÁC NHAU:
3. Xin cho biết điểm giống nhau giữa việc Chúa chữa cho người điếc và ngọng (7:31-37) và việc Chúa chữa cho người mù trong câu chuyện nầy:
4. Chúa có thể phán một lời thì người mù được sáng không? Tại sao Chúa lại kéo dài việc chữa lành trong câu chuyện nầy?
5. Xin cho biết những bài học chúng ta rút ra được từ câu chuyện nầy:
Trong ba năm đi giảng dạy, Chúa Giê-xu đã chữa cho nhiều người mù được sáng (Lu-ca 7:21; Giăng 9), tuy nhiên việc Chúa chữa lành người mù trong phân đoạn này có nhiều điểm đặc biệt:
1. Người này được người khác đem đến xin Chúa chữa lành. Điều này cho thấy đức tin và lòng hăng hái của người chung quanh là một yếu tố quan trọng để quyền năng của Chúa được thể hiện. Trường hợp người bại ghi trong chương 2 cho thấy rõ điều đó. Điều này nhắc chúng ta trong việc hướng dẫn người khác đến với Chúa và cầu thay cho những người chưa tin Chúa.
2. Chúa đem người này riêng ra một chỗ để chữa bệnh, tương tự như khi chữa cho người điếc (7:33), có lẽ để tránh sự tò mò của người chung quanh và để người bệnh có thể nghe tiếng Chúa rõ ràng. Để được chữa lành tật bệnh tâm linh, chúng ta cũng cần dành thì giờ ở riêng với Chúa như vậy.
3. Chúa có thể phán một lời là người này được sáng mắt như trường hợp Chúa chữa cho ông Ba-ti-mê (10:52-53). Nhưng Chúa đã không làm như vậy, Chúa thấm nước miếng lên mắt và đặt tay trên người mù hai lần, lúc đó người ấy mới trông thấy rõ ràng. Điều này cho thấy:
(1) Đây là một câu chuyện thật, vì nếu bịa đặt, các môn đệ không cần phải nói dài dòng như vậy.
(2) Chúa chữa cho người này theo từng giai đoạn, có lẽ là để thêm đức tin cho người ấy. Phúc Âm Mác thường nhấn mạnh đức tin là điều kiện tiên quyết để được Chúa chữa lành. Có lẽ lúc đầu người này cũng có đức tin nơi Chúa nhưng chưa đủ nên Chúa đặt ra từng giai đoạn để giúp thêm cho đức tin của người ấy.
(3) Có thể Chúa dùng điều này để dạy các môn đệ một bài học tâm linh. Các môn đệ của Chúa cũng giống như người mù, không thấy, không hiểu những điều Chúa nói (8:17-21), nhưng dần dần được Chúa soi sáng thì hiểu biết và khi Chúa Thánh Linh đến thì họ hiểu được tất cả những điều Chúa dạy (Giăng 16:13). Chúng ta cũng phải nhờ vào sự soi sáng của Đức Thánh Linh để trình độ hiểu biết của chúng ta được ngày càng gia tăng.
“Cầu xin Chúa Chí Nhân, rủ lòng thương đến chúng con,
Mở rộng đôi mắt tối tăm, để được trông thấy Thánh Nhan!”