13 Kế đó, họ sai mấy người thuộc về phe Pha-ri-si và đảng Hê-rốt đến, để bắt lỗi Ngài trong lời nói. 14 Vậy, mấy người ấy đến, thưa Ngài rằng: Lạy thầy, chúng tôi biết thầy là người thật, không lo sợ gì ai; vì thầy không xem bề ngoài người ta, nhưng dạy đạo Đức Chúa Trời theo mọi lẽ thật. Có nên nộp thuế cho Sê-sa hay không? Chúng tôi phải nộp hay là không nộp? 15 Nhưng Ngài biết sự giả hình của họ thì phán rằng: Các ngươi thử ta làm chi? Hãy đem cho ta xem một đồng đơ-ni-ê. 16 Họ đem cho Ngài một đồng, Ngài bèn phán rằng: Hình và hiệu nầy của ai? Họ trả lời rằng: Của Sê-sa. 17 Đức Chúa Jêsus phán rằng: Vật chi của Sê-sa hãy trả lại cho Sê-sa, còn vật chi của Đức Chúa Trời hãy trả lại cho Đức Chúa Trời. Họ đều lấy làm lạ về Ngài.
1. Theo ý quý vị, chữ “họ” trong câu 13 chỉ về ai?
2. Chữ “kế đó” ở đầu câu 13 mang ý nghĩa gì?
3. Quý vị biết gì về “phe Pha-ri-si” và “đảng Hê-rốt”? Hai nhóm nầy giống nhau hay khác nhau?
4. Xin giải thích những chữ “bắt lỗi trong lời nói” (c. 13)
5. Quý vị nghĩ gì về phần mở đầu của câu hỏi người ta hỏi Chúa Giê-xu? (c. 14a)
6. Câu hỏi: “Có nên nộp thuế cho Sê-sa hay không” có dụng ý gì? Trả lời “nên” hay “không nên” thì hậu quả sẽ ra sao?
7. Xin giải thích câu trả lời của Chúa Giê-xu (c. 17)?
8. Theo ý quý vị thì vật gì là của Đức Chúa Trời mà quý vị phải trả lại cho Đức Chúa Trời? Trả lại như thế nào?
Chữ “họ” trong câu 13 bao gồm “các thầy tế lễ cả, thầy thông giáo và các trưởng lão” (11:27). Những người này vừa bị Chúa vạch trần tội ác qua câu chuyện người làm vườn nho, họ muốn bắt Chúa để trả thù nhưng không làm gì được vì sợ dân chúng. Vì vậy, họ tìm cách khác để bắt bẻ và gài bẫy Ngài. Chữ “bắt lỗi” trong câu 13 là một chữ thường dùng trong việc săn bắn, hàm ý sập bẫy. “Phe Pha-ri-si” và “đảng Hê-rốt” là hai nhóm người chống đối nhau về quan điểm chính trị: một đàng chủ trương chống lại ngoại nhân, đằng kia chủ trương hợp tác. Nhưng bây giờ hai nhóm này lại họp nhau để chống Chúa Giê-xu .
Việc nộp thuế cho Sê-sa, hoàng đế La-mã lúc bấy giờ, là điều nhục nhã đối với người Do-thái. Đó là dấu hiệu của sự thần phục, tương tự như việc triều cống cho Trung Hoa của nước ta ngày xưa. Không một người Do-thái nào muốn nộp thuế cho hoàng đế La-mã. Giới lãnh đạo Do-thái đã đem vấn đề này để gài bẫy Chúa. Nếu trả lời nên nộp thuế, Chúa sẽ bị người Do-thái khinh khi, xem Chúa là người ủng hộ sự cai trị của chính quyền La-mã. Còn nếu Chúa trả lời không nên nộp thuế, họ sẽ buộc Chúa vào tội phản loạn, chống lại chính quyền La-mã. Những người này nghĩ rằng họ đã đặt Chúa vào chỗ hoàn toàn bế tắc, không có câu trả lời.
Tuy nhiên, Chúa Giê-xu biết rõ dụng ý của họ. Chúa nói ngay: “Các ngươi thử ta làm chi?” Và rồi Chúa bảo họ cho Ngài xem một đồng tiền thời ấy. Người Pha-ri-si cầm giữ và sử dụng đồng tiền in hình hoàng đế La-mã chứng tỏ họ thần phục và mang nợ với hoàng đế La-mã, do đó trả thuế là việc họ phải làm. Câu trả lời của Chúa Giê-xu hàm ý rằng nộp thuế không phải là việc nên làm hay không nên làm, nhưng là món nợ mà mọi người đều phải trả. Người ta chẳng những chỉ mắc nợ Sê-sa mà thôi nhưng cũng mắc nợ Đức Chúa Trời nữa.
Chúa ban cho chúng ta sự sống và mọi điều khác trong đời sống, chúng ta có bổn phận phải trả lại cho Chúa những điều thuộc về Ngài. Thánh Kinh cho biết chúng ta mang “ảnh tượng của Đức Chúa Trời” (Sáng thế ký 1:26-27). Như vậy, chúng ta thuộc về Đức Chúa Trời cũng giống như đồng bạc mang hình Sê-sa thuộc về Sê-sa vậy.
Xin nhắc con nhớ rằng con đang mang ảnh tượng của Chúa và con thuộc về Chúa, để con sống xứng đáng là con dân của Ngài.