Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 12

Ngươi Phải Sinh Lại!

3:1-21

1  Trong vòng người Pha-ra-si, có người tên là Ni-cô-đem, là một người trong những kẻ cai trị dân Giu-đa. 2 Ban đêm, người nầy đến cùng Đức Chúa Jêsus mà nói rằng: Thưa thầy, chúng tôi biết thầy là giáo sư từ Đức Chúa Trời đến; vì những phép lạ thầy đã làm đó, nếu Đức Chúa Trời chẳng ở cùng, thì không ai làm được.

3 Đức Chúa Jêsus cất tiếng đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời. 4 Ni-cô-đem thưa rằng: Người đã già thì sanh lại làm sao được? Có thể nào trở vào lòng mẹ và sanh lần thứ hai sao? 5 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng nhờ nước và Thánh Linh mà sanh, thì không được vào nước Đức Chúa Trời. 6 Hễ chi sanh bởi xác thịt là xác thịt; hễ chi sanh bởi Thánh Linh là thần. 7 Chớ lấy làm lạ về điều ta đã nói với ngươi: Các ngươi phải sanh lại. 8 Gió muốn thổi đâu thì thổi, ngươi nghe tiếng động; nhưng chẳng biết gió đến từ đâu và cũng không biết đi đâu. Hễ người nào sanh bởi Thánh Linh thì cũng như vậy.

9 Ni-cô-đem lại nói: Điều đó làm thể nào được? 10 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ngươi là giáo sư của dân Y-sơ-ra-ên, mà không hiểu biết những điều đó sao! 11 Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, chúng ta nói điều mình biết, làm chứng điều mình đã thấy; còn các ngươi chẳng hề nhận lấy lời chứng của chúng ta. 12 Ví bằng ta nói với các ngươi những việc thuộc về đất, các ngươi còn chẳng tin thay; huống chi ta nói những việc thuộc về trời, thì các ngươi tin sao được? 13 Chưa hề có ai lên trời, trừ ra Đấng từ trời xuống, ấy là Con người vốn ở trên trời. 14 Xưa Môi-se treo con rắn lên nơi đồng vắng thể nào, thì Con người cũng phải bị treo lên dường ấy, 15 hầu cho hễ ai tin đến Ngài đều được sự sống đời đời. 16 Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.

17 Vả, Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài xuống thế gian, chẳng phải để đoán xét thế gian đâu, nhưng hầu cho thế gian nhờ Con ấy mà được cứu. 18 Ai tin Ngài thì chẳng bị đoán xét đâu; ai không tin thì đã bị đoán xét rồi, vì không tin đến danh Con một Đức Chúa Trời. 19 Vả, sự đoán xét đó là như vầy: sự sáng đã đến thế gian, mà người ta ưa sự tối tăm hơn sự sáng, vì việc làm của họ là xấu xa. 20 Bởi vì phàm ai làm ác thì ghét sự sáng và không đến cùng sự sáng, e rằng công việc của mình phải trách móc chăng. 21 Nhưng kẻ nào làm theo lẽ thật thì đến cùng sự sáng, hầu cho các việc của mình được bày tỏ ra, vì đã làm trong Đức Chúa Trời.

 

1. Theo ý bạn, ông Ni-cô-đem đến gặp Chúa Giê-xu với mục đích gì?

2. Câu trả lời của Chúa Giê-xu cho thấy nhu cầu của ông là gì?

3. Điểm tương đồng giữa hoạt động của gió và Chúa Thánh Linh là gì?

4. "Điều đó" ông Ni-cô-đem nói đến trong câu 9 là gì?

5. Tại sao ông Ni-cô-đem không hiểu được những điều Chúa Giê-xu nói?

6. Xin đọc thêm Dân số ký 21:4-9 và cho biết điểm tương đồng giữa chuyện con rắn bị treo trên cây sào và việc Chúa Giê-xu sẽ bị treo trên thập tự giá?

7. Bạn hiểu chữ "đoán xét" trong các câu 17-19 như thế nào?

8. Tại sao người làm ác lại ghét ánh sáng?

Ni-cô-đem là một nhân vật đặc biệt trong Kinh Thánh Tân Ước. Tên của ông chỉ được nhắc đến trong Phúc Âm Giăng ba lần (7:50-51; 19:39). Ông được mô tả là một người trong những kẻ cai trị dân Giu-đa, đây là danh từ dùng để chỉ các hội viên của Hội Đồng Tôn Giáo Tối Cao vẫn thường được gọi là Tòa Công Luận.

Câu đầu tiên ông thưa với Chúa cho thấy nơi ông có lòng khâm phục và ý thức về tính cách thiên thượng của Chúa Giê-xu. Nhưng Chúa Giê-xu thấy rõ nhu cầu của ông. Chúa biết ông cần được sinh lại, tức là được biến đổi hoàn toàn, trở nên một người mới. Ông Ni-cô-đem đã không hiểu được ý nghĩa của câu đó của sự sinh lại, ông chỉ nghĩ đến việc sinh ra về thân xác, nhưng Chúa Giê-xu cho thấy đó là vấn đề của tâm linh. Chúa nói về việc sinh ra bằng nước và Thánh Linh.

Để hiểu được những chữ "nước" và "Thánh Linh" chúng ta cần đọc lại 1:33. Trong câu nầy ông Giăng cho thấy điểm khác biệt giữa ông và Chúa Giê-xu: ông Giăng làm lễ báp-têm bằng nước, Chúa Giê-xu làm lễ báp-têm bằng Đức Thánh Linh. Lễ báp-têm bằng nước của ông Giăng mang ý nghĩa ăn năn (Mác 1:4). Báp-têm bằng Đức Thánh Linh nói về sức mạnh thanh tẩy và tái tạo (Ma-thi-ơ 3:11). Nhờ nước và Thánh Linh mà sinh là đổi mới thật sự qua thái độ ăn năn, minh chứng bằng lễ báp-têm và để cho sức mạnh của Chúa Thánh Linh hành động.

Điểm giống nhau giữa hoạt động của gió và Thánh Linh là chúng ta không biết gió và Thánh Linh hoạt động ra sao nhưng thấy được kết quả rõ ràng. (Chữ "gió" và "Thánh Linh" trong nguyên văn chỉ là một chữ, pneuma).

Bài học về sinh lại thật đơn giản nhưng cũng thật căn bản. Nếu chúng ta chưa được Chúa tái tạo và biến đổi chúng ta trở nên một người mới, chúng ta sẽ không thể nào thừa hưởng Nước Trời. Chúng ta được sinh lại khi chúng ta thật lòng ăn năn tội và để cho Chúa Thánh Linh hành động trong đời sống. Từ đó trở đi Ngài sẽ tiếp tục làm việc và chúng ta thấy được những kết quả do quyền năng tái tạo của Ngài đem lại.

Điều ông Ni-cô-đem không hiểu được là công việc của Chúa Thánh Linh được so sánh với hoạt động của gió trong câu 8. Chúa Giê-xu đã trách ông là người thuộc giới lãnh đạo tinh thần của người Do-thái thời đó mà lại không hiểu những việc đơn giản như vậy. Sở dĩ ông Ni-cô-đem cũng như giới lãnh đạo tôn giáo thời đó, không hiểu được những lời Chúa Giê-xu nói vì họ không nhận lời chứng của Chúa. Chúa Giê-xu dùng chữ "chúng ta" (hay đúng hơn "chúng tôi" trong câu 11) là để đối chiếu với giới lãnh đạo tôn giáo thời đó. Chúa và những người của Ngài (như Giăng Báp-tít) nói và làm chứng những gì Ngài đã biết và thấy, nhưng những người thời đó không tiếp nhận nên đã không hiểu được.

Việc thuộc về đất trong câu 12 là sự sinh lại Chúa đã nói đến trước đó, còn những việc thuộc về trời là những giáo lý khác cao siêu, huyền nhiệm hơn.

Câu 13 cho thấy Chúa Giê-xu là Đấng duy nhất từ trời đến, Ngài thông biết tất cả những điều thuộc về trời. Không có một người phàm nào biết được những điều đó. Chúa Giê-xu là Đấng Cao Cả, từ trời đến nhưng bằng lòng chịu treo trên cây gỗ để chết thế cho nhân loại. Điểm tương đồng Chúa Giê-xu so sánh giữa câu chuyện con rắn đồng bị treo lên ngày xưa và chính Chúa là thái độ tin cậy. Ngày xưa con dân Chúa với đức tin nhìn lên con rắn bằng đồng thì được sống. Ngày nay, ai tin nhận Chúa cũng được sống như vậy.

Thành ngữ "sự sống đời đời" trong hai câu 15 và 16 không những chỉ nói đến tính cách trường cửu của đời sống nhưng còn nhấn mạnh đến chất lượng của sự sống. Đó là sự sống bất diệt, có giá trị lâu bền.

Phần từ câu 17-21 có thể là những lời nói của Chúa Giê-xu nói tiếp theo những gì Ngài đã nói ở trên nhưng cũng có thể là những lời giải thích thêm của sứ đồ Giăng. Các câu nầy cho thấy mục đích Chúa Giê-xu đến trần gian là để cứu nhân loại. Chúa đến không phải để định tội nhưng để cứu rỗi. Tuy nhiên, những ai khước từ Chúa thì đã đương nhiên bị định tội rồi, vì họ đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng. Lý do người ta lựa chọn bóng tối là vì việc làm của họ là xấu xa.

Hai câu 20 và 21 cho chúng ta thấy sự thật về đời sống. Sự thật đó là người làm điều xấu thì sợ sự sáng, còn người làm điều phải luôn luôn hướng về ánh sáng.

Xin cho con thấy xa hơn những gì thuộc về thế giới vật chất. Xin cho con được đổi mới hoàn toàn trong sức mạnh của Chúa Thánh Linh để con đem lại kết quả tốt đẹp cho Chúa. Xin cho con luôn luôn hướng về ánh sáng của Lời Ngài để sống. Xin đừng để con phải che giấu một điều gì trong bóng tối tội lỗi. Xin soi sáng và hướng dẫn con mỗi ngày trong ánh sáng của Chúa.