6:1-15
1 Rồi đó, Đức Chúa Jêsus qua bờ bên kia biển Ga-li-lê, là biển Ti-bê-ri-át. 2 Một đoàn dân đông theo Ngài, vì từng thấy các phép lạ Ngài làm cho những kẻ bịnh. 3 Nhưng Đức Chúa Jêsus lên trên núi, ngồi đó với môn đồ.
4 Vả, lễ Vượt Qua, là lễ của dân Giu-đa gần tới. 5 Đức Chúa Jêsus ngước mắt lên, thấy một đoàn dân đông đến cùng mình, bèn phán với Phi-líp rằng: Chúng ta sẽ mua bánh ở đâu, để cho dân nầy có mà ăn? 6 Ngài phán điều đó đặng thử Phi-líp, chớ Ngài đã biết điều Ngài sẽ làm rồi. 7 Phi-líp thưa rằng: Hai trăm đơ-ni-ê bánh không đủ phát cho mỗi người một ít. 8 Một môn đồ, là Anh-rê, em của Si-môn Phi-e-rơ, thưa rằng: 9 Đây có một đứa con trai, có năm cái bánh mạch nha và hai con cá; nhưng đông người dường nầy, thì ngằn ấy có thấm vào đâu? 10 Đức Chúa Jêsus bèn phán rằng: Hãy truyền cho chúng ngồi xuống. Vả, trong nơi đó có nhiều cỏ. Vậy, chúng ngồi xuống, số người ước được năm ngàn. 11 Đức Chúa Jêsus lấy bánh, tạ ơn rồi, bèn phân phát cho những kẻ đã ngồi; Ngài cũng lấy cá phát cho chúng nữa, ai muốn bao nhiêu mặc ý. 12 Khi chúng đã ăn được no nê, Ngài phán với môn đồ rằng: Hãy lượm những miếng còn thừa, hầu cho không mất chút nào. 13 Vậy, môn đồ lượm những miếng thừa của năm cái bánh mạch nha, sau khi người ta đã ăn rồi, chứa đầy mười hai giỏ.
14 Những người đó thấy phép lạ Đức Chúa Jêsus đã làm, thì nói rằng: Người nầy thật là Đấng tiên tri phải đến thế gian. 15 Bấy giờ Đức Chúa Jêsus biết chúng có ý đến ép Ngài để tôn làm vua, bèn lui ở một mình trên núi.
1. Xin đọc thêm Ma-thiơ 14:13-21; Mác 6:30-44; Lu-ca 9:10-17 và cho biết phép lạ nào được ghi trong cả bốn sách Phúc Âm?
2. Tại sao lúc nào cũng có đoàn dân đông theo Chúa?
3. Tại sao sứ-đồ Giăng lại nhắc đến việc "lễ Vượt Qua gần tới" (c. 4) ở đây?
4. Chúa muốn thử Phi-líp điều gì? Chúa có thử như vậy với chúng ta không?
5. Câu trả lời của Phi-líp ngụ ý gì?
6. Câu trả lời của Anh-rê cho thấy điều gì?
7. Xin kể ra những điều Chúa Giê-xu làm trước và sau khi hóa bánh ra nhiều:
8. Tại sao dân-chúng lại muốn tôn Chúa làm vua?
9. Xin viết ra những điều bạn học được trong phân-đoạn nầy.
Phép lạ hóa bánh ra nhiều là phép lạ duy nhất được ghi trong cả bốn sách Phúc Âm. Phép lạ là những dấu hiệu để người khác thấy và biết Chúa là Con Đức Chúa Trời (Giăng 20:30, 31). Trong phép lạ nầy, Chúa Giê-xu cũng muốn dạy các môn đệ những bài học quan trọng. Ngoài ra, đây cũng là bối cảnh cho những lời dạy tiếp theo của Chúa về "bánh sự sống" (c. 22-58).
Trước hết, chúng ta thấy Chúa Giê-xu đi đâu cũng có một đám người đông đảo đi theo. Họ đi theo Chúa vì "thấy các phép lạ Ngài làm cho những kẻ bệnh" (c. 2). Sứ đồ Giăng cũng cho biết "lễ Vượt Qua... gần tới" (c. 4). Đây là một lễ quan trọng của người Do-thái. Có thể họ đang tụ họp để sẵn sàng lên đường về Giê-ru-sa-lem. Chính vì vậy mà có sự hiện diện của đoàn người đông đảo. Số người hôm đó là năm ngàn (c. 10), nhưng so sánh với Ma-thiơ 14:21, con số nầy chưa kể đàn bà và trẻ con. Do đó, số người có thể lên đến 10 hay 15 ngàn người.
So sánh với Mác 6:34-37, chúng ta thấy Chúa thương đoàn người nầy. Dù họ theo Chúa với chủ đích nào, Chúa cũng vẫn thương họ và quan tâm đến nhu cầu thân xác của họ. Chính vì vậy mà Chúa đặt câu hỏi với Phi-líp: "Chúng ta sẽ mua bánh ở đâu để cho dân nầy có mà ăn?" Đây là câu hỏi đặt trách nhiệm trên các môn đệ, cũng là câu hỏi để thử. "Thử" nghĩa là xem Phi-líp có phản ứng như thế nào.
Câu trả lời của Phi-líp ngụ ý rằng: đây là chuyện to lớn, vượt khả năng của Chúa và các môn đệ. "Đơ-ni-ê" là đơn vị tiền tệ thời đó, tương đương với lương công nhật của một người. "200 đơ-ni-ê" vì vậy tương đương với tiền lương của một người trong hơn nửa năm làm việc.
Câu trả lời của Anh-rê nói lên một tình trạng bế tắc nhưng cũng cho thấy cố gắng của Anh-rê, dù cố gắng đó không có ý nghĩa gì trước nan đề quá lớn.
Câu trả lời của Phi-líp và Anh-rê cũng thường là phản ứng của chúng ta mỗi khi gặp khó khắn. Đó là thấy vấn đề quá lớn, dù cố gắng cũng vô ích. Nhưng đó là cái nhìn của con người, đối với Chúa, vấn đề có thể giải quyết dễ dàng.
Trước hết, Chúa Giê-xu bảo mọi người ngồi xuống cỏ. Điều nầy cho thấy Chúa quan tâm đến vấn đề trật tự, làm việc trong thứ tự và có tổ chức. Đây cũng là điều chúng ta nên bắt chước. Kinh Thánh dạy: "Mọi sự đều nên làm cho phải phép và theo thứ tự" (I Cô-rinh-tô 14:40).
Chúa Giê-xu tạ ơn Thương Đế trước khi phân phát bánh cho đoàn dân. Lương thực và mọi điều chúng ta có đều đến từ Chúa. Chúng ta cần nhận lãnh với tinh thần tạ ơn như vậy. Phần cuối câu 11 ghi: "Ai muốn bao nhiêu mặc ý." Điều nầy cho thấy nan đề thật lớn, nhưng khi Chúa giải quyết, khó khăn chẳng những không còn mà còn vượt quá điều chúng ta suy nghĩ. Quyền năng của Chúa vô hạn, có thể làm thỏa mãn tất cả nhu cầu của mọi người.
Chúa Giê-xu bảo: "Hãy lượm những miếng còn thừa hầu cho không mất chút nào" (c. 12). Điều nầy cho thấy Chúa rất gương mẫu trong việc tiết kiệm. Phung phí là có tội với Chúa. Chúa có thể hóa bánh ra nhiều nhưng không phải vì vậy mà Chúa phung phí. Chúa có thừa sức ban ơn cho chúng ta, nhưng chúng ta không thể lãng phí những ơn đó.
Phản ứng của đoàn người trước phép lạ của Chúa là muốn Chúa làm vua để họ có bánh ăn mỗi ngày (c. 15). Chúa quan tâm đến nhu cầu thân xác của chúng ta, nhưng đó không phải là nhu cầu duy nhất của con người. Chỉ đeo đuổi các nhu cầu vật chất hoặc thân xác là sai.
Như vậy, cả câu chuyện nầy dạy chúng ta những điều sau:
1. Nan đề trong đời sống là điều không thiếu, nhưng lắm khi đó là cách Chúa thử chúng ta. Chúng ta nên kiên tâm, nhìn lên Chúa hơn là nhìn vào khả năng hạn hẹp của mình. Con người bó tay, nhưng đối với Chúa, không có việc gì là bất năng.
2. Để phép lạ của Chúa thực hiện trong đời sống, kỷ luật, trật tự, lòng biết ơn và tránh lãng phí là những điều vô cùng quan trọng.
3. Chúa ban ơn vật chất cho chúng ta, nhưng đó không phải là điều duy nhất cho chúng ta đeo đuổi. Chúng ta cần tìm kiếm những giá trị cao quí hơn trong đời sống.