9:13-17
13 Chúng dẫn người trước đã mù đó đến cùng người Pha-ri-si. 14 Vả, ấy là ngày Sa-bát mà Đức Chúa Jêsus đã hòa bùn và mở mắt cho người đó. 15 Người Pha-ri-si lại hỏi người thế nào được sáng mắt lại. Người rằng: Người ấy rà bùn vào mắt tôi, tôi rửa rồi thấy được. 16 Có mấy kẻ trong những người Pha-ri-si bèn nói rằng: Người nầy không phải từ Đức Chúa Trời đến đâu, vì không giữ ngày Sa-bát. Nhưng kẻ khác rằng: Một kẻ có tội làm phép lạ như vậy thể nào được? Rồi họ bèn chia phe ra. 17 Bấy giờ chúng hỏi người mù nữa rằng: Còn ngươi, về người đã làm sáng mắt ngươi đó, thì ngươi nói làm sao? Người trả lời rằng: Ấy là một đấng tiên tri.
(Trong một nhóm học Kinh Thánh, người hướng dẫn có thể chọn một số người để đọc các phần đối thoại: người đóng vai người mù, người đóng vai người Pha-ri-si, v.v… Nếu tự học, Bạn có thể chép ra phần đối thoại để thấy rõ diễn tiến của câu chuyện)
1. Từ khi được chữa lành cho đến khi tin nhận Chúa, hiểu biết về Chúa của người mù gia tăng dần dần. Xin viết ra những hiểu biết của người mù về Chúa trong các câu sau:
Câu 11:
Câu 17:
2. Hai lý luận của những người Pha-ri-si về Chúa Giê-xu trong câu 16 là:
(1)
(2)
3. Ngày nay, nếu gặp trường hợp như người Pha-ri-si trong câu chuyện nầy, nghĩa là gặp một người không theo truyền thống của tổ chức chúng ta "nhưng kết quả của việc làm thì tốt", chúng ta nên xử sự thế nào?
4. Câu trả lời của người mù cho thấy đều gì? Chúng ta học được điều gì qua câu trả lời đó!
"Chúng dẫn người trước đã mù đến cùng người Pha-ri-si" (c. 13). Chữ "chúng" trong câu nầy có lẽ dùng để chỉ "xóm giềng người mù và những kẻ trước kia từng thấy người đi ăn mày" (c. 8). Có thể không phải tất cả những người hàng xóm của người mù làm việc nầy nhưng chỉ một nhóm người ganh ghét Chúa và muốn lập công với người Pha-ri-si.
Đối với người Pha-ri-si, Chúa Giê-xu lấy nước miếng hòa thành bùn, bôi trên mắt người mù là đủ để bị kết tội làm việc trong ngày Sa-bát rồi! Và họ đi đến ngay kết luận Chúa không phải là người của Đức Chúa Trời vì Chúa không giữ ngày Sa-bát (Giữ ngày Sa-bát đây là theo cái nhìn và tiêu chuẩn của họ).
Dầu vậy, trong đám họ cũng có một số người không chịu lý luận đó, họ nói: "Nếu Chúa có tội, làm sao Chúa làm phép lạ được?". Chữ "phép lạ" ở đây trong số nhiều, nghĩa là kể cả những phép lạ khác mà Chúa đã làm. Người Pha-ri-si vì vậy bị đặt vào hai tình thế sau:
(1) Dựa theo luật của họ để bắt bẻ Chúa. Hay:
(2) Dựa vào việc làm của Chúa để công nhận Ngài.
Ngày nay chúng ta cũng thường phải đương đầu với những vấn đề tương tự. Có khi, chúng ta gặp những người làm việc Chúa nhưng không giống với "luật" hay đường lối, chủ trương của chúng ta và chúng ta dể có khuynh hướng bắt bẻ hay bài bác họ. Thật ra, điều chúng ta cần làm là xem kết quả việc làm của họ. Chúng ta không thể dựa vào tiêu chuẩn riêng của mình để cho rằng chỉ có chủ trương, hay hội thánh hay giáo phái của mình mới đúng.
Nhìn vào người mù, chúng ta thấy trong cuộc đối thoại với người Pha-ri-si, người ấy làm hai điều:
(1) Thuật lại kinh nghiệm bản thân (c. 15).
(2) Đưa ra nhận định của mình về Chúa Giê-xu (c. 17).
Chúng ta thấy người mù nầy rất can đảm. Anh ta biết người Pha-ri-si không ưa Chúa, và nếu anh lên tiếng bênh vực Chúa, anh có thể bị khai trừ. Tuy nhiên, dựa vào kinh nghiệm, anh không thể phủ nhận điều anh tin. Câu nói của người mù trong câu 17, hàm ý người đó biết chắc Chúa là tiên tri qua việc Chúa đã làm. Chúng ta cần có đức tin và can đảm như người nầy. Khi đã kinh nghịệm ơn Chúa dành cho mình, chúng ta phải bạo dạn đứng vững với niềm tin của mình dù có những đe dọa hay thiệt thòi xảy ra.