18:1-11
1 Sau khi phán những điều ấy, Đức Chúa Jêsus đi với môn đồ mình sang bên kia khe Xết-rôn; tại đó có một cái vườn, Ngài bèn vào, môn đồ cũng vậy. 2 Vả, Giu-đa là kẻ phản Ngài, cũng biết chỗ nầy, vì Đức Chúa Jêsus thường cùng môn đồ nhóm họp tại đó.
3 Vậy, Giu-đa lãnh một cơ binh cùng những kẻ bởi các thầy tế lễ cả và người Pha-ri-si sai đến, cầm đèn đuốc khí giới vào nơi đó. 4 Đức Chúa Jêsus biết mọi điều sẽ xảy đến cho mình, bèn bước tới mà hỏi rằng: Các ngươi tìm ai? 5 Chúng trả lời rằng: Tìm Jêsus người Na-xa-rét. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Chính ta đây! Giu-đa là kẻ phản Ngài cũng đứng đó với họ. 6 Vừa khi Đức Chúa Jêsus phán: Chính ta đây, chúng bèn thối lui và té xuống đất. 7 Ngài lại hỏi một lần nữa: Các ngươi tìm ai? Chúng trả lời rằng: Tìm Jêsus người Na-xa-rét. 8 Đức Chúa Jêsus lại phán: Ta đã nói với các ngươi rằng chính ta đây; vậy nếu các ngươi tìm bắt ta, thì hãy để cho những kẻ nầy đi. 9 Ấy để được ứng nghiệm lời Ngài đã phán: Con chẳng làm mất một người nào trong những kẻ mà Cha đã giao cho Con.
10 Bấy giờ, Si-môn Phi-e-rơ có một thanh gươm, bèn rút ra, đánh đầy tớ của thầy cả thượng phẩm, chém đứt tai bên hữu. Đầy tớ đó tên là Man-chu. 11 Nhưng Đức Chúa Jêsus phán cùng Phi-e-rơ rằng: Hãy nạp gươm ngươi vào vỏ; ta há chẳng uống chén mà Cha đã ban cho ta uống sao?
1. Xin cho biết khung cảnh của câu chuyện. Câu chuyện xảy ra ở đâu?
2. Xin kể ra những nhân vật chính trong câu chuyện nầy.
3. Bạn nghĩ gì về phản ứng của Chúa Giê-xu khi Ngài bị bắt?
4. Tại sao Chúa Giê-xu chỉ trả lời: "Chính ta đây" mà người ta lại "thối lui và té xuống?"
5. Câu 8 cho thấy tâm tình gì nơi Chúa Giê-xu?
6. Theo ý Bạn, Phi-e-rơ đáng khen hay đáng chê trong việc rút gươm ra để bênh vực cho Chúa?
7. Tại sao Chúa Giê-xu không cho Phi-e-rơ dùng gươm để tự vệ?
Câu chuyện chúng ta học hôm nay xảy ra tại một cái vườn, bên kia khe Xết-rôn (c. 1). Các sách Phúc Âm khác cho biết vườn nầy có tên là Ghết-sê-ma-nê, có lẽ là một khu đất trồng cây ô-liu, trong đó có nơi để ép dầu vì chữ Ghết-sê-ma-nê có nghĩa là "bàn ép dầu." Xết-rôn là một thung lũng nằm về phía Đông Giê-ru-sa-lem. Khe Xết-rôn được nhắc đến ở đây cũng có một ý nghĩa đặc biệt vì trong mùa lễ Vượt Qua, khi người ta giết chiên con để làm sinh tế, máu chiên chảy xuống qua khe nước nầy. Số chiên bị giết trong mùa lễ Vượt Qua rất nhiều. Các sử gia cho biết lên đến 256,000 con! Lúc Chúa Giê-xu và các môn đệ đi ngang qua khe Xết-rôn, hẳn lúc đó khe nước ngập những máu chiên làm sinh tế và điều đó cũng nhắc Chúa là chính máu của Chúa cũng sẽ đổ ra như vậy vì tội của toàn thể nhân loại.
Chúa Giê-xu thường bận rộn với đám đông nên Ngài và các môn đệ thường tìm những nơi yên tĩnh để có thì giờ cầu nguyện và nghỉ ngơi. Giu-đa cũng biết rõ điều nầy nên ông đã hướng dẫn người tới bắt Chúa. Đám người tới bắt Chúa gồm: (1) Một cơ binh và (2) những kẻ bởi các thầy tế lễ cả và người Pha-ri-si sai đến là những người thuộc quân đội riêng của đền thờ do Hội Đồng Tối cao (tòa công luận) tổ chức để giữ trật tự. Riêng chữ "cơ binh" là một đơn vị lính La-mã có thể gồm từ 200 đến 600 người. Chỉ đi bắt một người thợ mộc tầm thường mà người ta phải huy động một số đông người như vậy chứng tỏ giới lãnh đạo tôn giáo thời đó quyết tâm bắt Chúa cho được, không để cho Ngài có cơ trốn thoát.
Những lần trước, khi người ta tìm bắt Chúa, Chúa đã lánh khỏi họ (10:39, 40; 11:53-54). Nhưng lần nầy, giờ Chúa đã đến, nên Chúa chẳng những không lánh mà còn hiên ngang đứng ra cho người khác bắt Chúa. Chính câu trả lời: "Chính ta đây" cho thấy sự hiên ngang của Chúa và đó là lý do làm cho đám người đến bắt Chúa phải thối lui. Có lẽ họ nghĩ rằng họ sẽ gặp một người yếu đuối, run sợ, muốn chạy trốn nhưng họ lại đối diện với một người hiên ngang, anh dũng, do đó họ ngạc nhiên và thối lui.
Phản ứng của Chúa Giê-xu trước đám người đến bắt Chúa cho thấy Chúa là người can đảm và uy quyền. Chúa không sợ chết vì chính Chúa chọn cái chết cho mình. Câu trả lời tiếp theo cho thấy Chúa quan tâm đến các môn đệ và bảo vệ họ. Chúa phán: "Nếu các ngươi tìm bắt ta thì hãy để cho những kẻ nầy đi" (c. 8). Chúa Giê-xu giảng dạy yêu thương và Ngài sống trong yêu thương, nhưng yêu thương không có nghĩa là hèn nhát hay yếu đuối. Phản ứng của Chúa lúc Chúa bị bắt cho chúng ta thấy rõ điều đó. Chúa sẵn sàng để cho người ta bắt nhưng Ngài bảo vệ các môn đệ Ngài. Đây cũng phải là phản ứng của chúng ta trước khó khăn.
Có người đã nói: "Tôi thà đứng mà chịu chết hơn là quì xuống để được sống." Phản ứng của chúng ta trong những hoàn cảnh khó khăn cho biết chúng ta là người như thế nào: anh dũng hay hèn nhát. Người ta cũng thường chỉ lo cho mình mà quên đi người khác trong những hoàn cảnh khó. Ở đây, Chúa Giê-xu chẳng những can đảm nhưng cũng quan tâm đến người khác, cho các môn đệ của Ngài, một gương sáng cho chúng ta noi theo.
Khi thấy Chúa bị bắt, Phi-e-rơ rút gươm ra đánh để bảo vệ cho thầy của mình. Đây là một hành động can đảm, đáng khen, chứng tỏ lòng trung thành của ông đối với Chúa. Tuy nhiên ông đã hành động nông nỗi, thiếu suy xét vì làm thế nào ông có thể chống lại một quân đội đông đảo như vậy. Riêng Chúa Giê-xu bảo ông cất gươm đi vì một lý do: "Ta há chẳng uống chén mà Cha đã ban cho ta uống hay sao?" Câu nầy cho thấy Chúa cần phải chịu chết và Ngài cũng sẵn sàng chịu chết theo ý của Đức Chúa Cha.
Lắm khi chúng ta cũng hành động như Phi-e-rơ, hăng hái, sốt sắng, nhiệt cuồng nhưng đã không làm đúng chỗ, đúng lúc. Chúng ta nên can đảm như Phi-e-rơ nhưng cũng cần suy xét và xin Chúa cho có đầu óc sáng suốt để hành động đúng. Trong phân đoạn nầy, sứ đồ Giăng ghi rõ tên của người đầy tớ bị Phi-e-rơ chém đứt tai là Man-chu, chứng tỏ ông là một nhân chứng trông thấy sự việc tận mắt. Man-chu có lẽ là người đầy tớ thân tín của thầy cả thượng phẩm và là người cầm đầu đám bộ hạ của thầy tế lễ mà ông Giăng biết rõ nên nêu tên ở đây.
Qua phân đoạn Kinh Thánh nầy, chúng ta có thể học được nhiều bài học từ nơi Chúa Giê-xu trong cách hành xử can đảm, yêu thương, sáng suốt và nhất là tinh thần của Chúa trong sự đầu phục theo mọi chương trình của Đức Chúa Cha.