1:1, 7
1 Phao-lô, tôi tớ của Đức Chúa Giê-xu Christ, được gọi làm sứ đồ, để riêng ra đặng giảng Tin Lành Đức Chúa Trời,... 7 gởi cho hết thảy những người yêu dấu của Đức Chúa Trời tại thành Rô-ma, được gọi làm thánh đồ. Nguyền cho anh em được ân điển và sự bình an từ nơi Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, và từ nơi Đức Chúa Giê-xu Christ!
1. Tác giả thư Rô-ma là ai?
2. Theo ý Bạn, thành ngữ “tôi tớ của Đức Chúa Giê-xu Christ” có nghĩa gì? Tại sao Phao-lô gọi mình bằng danh hiệu đó?
3. Chúng ta có thể gọi mình là tôi tớ của Chúa được không? Trong ý nghĩa nào?
4. Sứ đồ là ai? Việc chính của sứ đồ là gì?
5. Dù không phải là sứ đồ, chúng ta có thể giảng Tin Lành được không? Xin kể ra một vài cách chúng ta có thể làm để giảng Tin Lành?
6. Xin kể ra hai từ sứ đồ Phao-lô dùng để gọi độc giả của ông. Xin cho biết ý nghĩa của hai từ nầy.
7. Hai từ nầy có áp dụng cho chúng ta ngày nay không? Áp dụng như thế nào?
8. Hai điều Phao-lô cầu chúc cho độc giả là gì? Làm thế nào để có được hai điều nầy?
(Nếu học Kinh Thánh trong một nhóm nhỏ, sau khi thảo luận, người hướng dẫn nên đọc lại phần giải thích để cả nhóm thấy được bài học áp dụng)
Lời mở đầu trong lá thư của Phao-lô gồm ba phần: người gởi, người nhận và lời chào.
1. Người gởi: Phao-lô gọi ông là “tôi tớ” và “sứ đồ.” “Tôi tớ” nghĩa là nô lệ, là người thuộc quyền sở hữu của chủ và vâng phục chủ hoàn toàn. “Tôi tớ” cũng là tiếng dùng để chỉ nhà lãnh đạo tinh thần trong thời Cựu Ước như Môi-se (Giô-suê 1:2), Giô-suê (Giô-suê 24:29) hay các vị tiên tri (Giê-rê-mi 7:25; A-mốt 3:7). Gọi mình là “tôi tớ của Đức Chúa Giê-xu Christ,” Phao-lô bày tỏ tinh thần khiêm tốn, sẵn sàng phục vụ nhưng đồng thời cũng cho thấy ông đang giữ một chức vụ cao quý, vì ông là người đại diện của Chúa trên trần gian.
“Sứ đồ” là người được gởi đi để lo một công tác đặc biệt. Danh hiệu nầy nói lên thẩm quyền của Phao-lô, ông là người được chính Chúa bổ nhiệm. Cuộc đời của ông được mô tả là “để riêng ra đặng giảng Tin Lành Đức Chúa Trời,” nghĩa là đời ông có mục đích rõ ràng, mục đích đó là rao giảng Phúc Âm của Đức Chúa Trời.
2. Người nhận: Các tín hữu tại La-mã được gọi là “những người yêu dấu của Đức Chúa Trời” và “thánh đồ.” Thành ngữ “người yêu dấu của Đức Chúa Trời” cho thấy họ là những người được Chúa yêu thương, chăm sóc, và được gần gũi với Ngài. “Thánh đồ” là từ ngữ thường được dùng để chỉ những người tin Chúa, là người đã phân cách với trần gian tội lỗi để sống cho Chúa.
3. Lời chào: “Ân điển” và “bình an.” “Ân điển” (charis) rất gần với chữ “chào” (chairein) trong tiếng Hy-lạp, nhấn mạnh đến sự vui vẻ và ơn lành chúng ta được hưởng trong Chúa. “Bình an” là tiếng chào của người Do-thái (shalom), chỉ về sự thanh thản và hưng thịnh của tâm hồn.
Lời mở đầu của thư Rô-ma nhắc chúng ta những điều sau:
1. Chúng ta cần phục vụ Chúa trong tinh thần khiêm tốn nhưng đồng thời cũng nhớ rằng được phục vụ Chúa là một đặc ân cao quý Chúa ban cho chúng ta.
2. Chúng ta cần xác định mục đích của đời sống. Dù làm công việc gì, mục đích của đời sống người tin Chúa vẫn là làm thế nào để Phúc Âm của Chúa được mọi người biết đến.
3. Chúng ta được Chúa yêu thương và biệt riêng ra để sống cho Chúa trên trần gian nầy. Chúng ta phải sống thế nào cho xứng đáng với tình yêu và ân sủng của Ngài.
4. Trong Chúa, bao giờ chúng ta cũng có “ân điển” và “bình an” tức là niềm vui và sự thanh thản của tâm hồn. Đó là hai điều quý giá nhất Chúa ban cho chúng ta.