1:8-15
8 Trước hết, tôi nhờ Đức Chúa Giê-xu Christ, vì hết thảy anh em mà tạ ơn Đức Chúa Trời tôi về đức tin anh em đã đồn khắp cả thế gian. 9 Vì Đức Chúa Trời mà tôi lấy tâm thần hầu việc, bởi sự giảng Tin Lành của Con Ngài, làm chứng cho tôi rằng tôi nhắc đến anh em không thôi 10 trong mọi khi tôi cầu nguyện, thường xin Đức Chúa Trời, bởi ý muốn Ngài, sau lại có thể gặp dịp tiện đi đến nơi anh em. 11 Thật vậy, tôi rất mong mỏi đến thăm anh em, đặng thông đồng sự ban cho thiêng liêng cùng anh em, hầu cho anh em được vững vàng, 12 tức là tôi ở giữa anh em, để chúng ta cùng nhau giục lòng mạnh mẽ bởi đức tin chung của chúng ta, nghĩa là của anh em và của tôi.
13 Vả, hỡi anh em, tôi chẳng muốn anh em không biết rằng đã ghe phen tôi toan đi thăm anh em, đặng hái trái trong anh em cũng như trong dân ngoại khác; song về sự đó tôi bị ngăn trở cho đến bây giờ. 14 Tôi mắc nợ cả người Gờ-réc lẫn người dã man, cả người thông thái lẫn người ngu dốt. 15 Ấy vậy, hễ thuộc về tôi, thì tôi cũng sẵn lòng rao Tin Lành cho anh em, là người ở thành Rô-ma.
1. Theo câu 8, xin cho biết lý do thúc đẩy Phao-lô tạ ơn Chúa?
2. Câu “Đức tin anh em đã đồn khắp cả thế gian” có phải là một lời nói quá đáng không? Tại sao?
3. Mỗi khi cầu nguyện, Phao-lô thường xin Chúa điều gì? (c. 10)
4. Lý do nào khiến Phao-lô mong ước đến thăm các tín hữu tại La-mã?
5. “Thông đồng sự ban cho thiêng liêng” nghĩa là gì?
6. Tại sao Phao-lô lại nói ông mắc nợ người Gờ-réc và người dã man? Mắc nợ nghĩa là gì?
7. Ngày nay chúng ta có mắc nợ người khác không? Làm thế nào để trả món nợ đó?
8. Xin kể ra ba điều chúng ta học được nơi sứ đồ Phao-lô qua phân đoạn nầy.
(Nếu học Kinh Thánh trong một nhóm nhỏ, sau khi thảo luận, người hướng dẫn nên đọc lại phần giải thích để cả nhóm thấy được bài học áp dụng).
Phao-lô tạ ơn Chúa về đức tin của các tín hữu tại thành La-mã. Niềm tin và nếp sống đạo của họ đã được mọi người ở khắp nơi biết đến (c. 8), (“khắp cả thế gian” tức là toàn cõi đế quốc La-mã lúc bấy giờ). Phao-lô cũng cho các tín hữu biết ông luôn nhớ cầu nguyện cho họ và ước mong được đến thăm họ để “thông đồng sự ban cho thiêng liêng” (c. 11). Chữ “thông đồng” ở đây có nghĩa là chia sẻ. Mỗi người tin Chúa được Chúa ban cho những ân tứ thiêng liêng khác nhau. Phao-lô mong ước được chia sẻ những ân tứ đó với các tín hữu tại La-mã. Theo câu 12, chia sẻ nghĩa là “khích lệ lẫn nhau bởi đức tin của mỗi người” (Bản Diễn Ý).
Vì chưa được đặt chân đến La-mã bao giờ nên Phao-lô mong ước được đến đó để “hái trái trong anh em” (c. 13). “Hái trái” hàm ý đưa người khác đến với Chúa, như lời Chúa Giê-xu dạy trong Giăng 15:16. Đã nhiều lần sứ đồ Phao-lô muốn được đến La-mã để truyền giáo (“ghe phen” nghĩa là nhiều lần), nhưng vì gặp trở ngại, ông không đến được. Vì vậy ông vẫn ao ước một ngày nào đó sẽ được đến thành phố nầy để khích lệ người tin Chúa và rao giảng Phúc Âm cho người chưa tin. Phao-lô xem đây là một trách nhiệm nặng nề, như một món nợ phải trả. Ông kể như mình mắc nợ mọi người: cả người văn minh lẫn người dã man, cả người tri thức lẫn người thất học (Gờ-réc hay Hy-lạp là danh từ chỉ những người dân tộc văn minh, vì lúc đó nền văn minh Hy-lạp đang ở vào thời kỳ cực thịnh). Dân thành La-mã cũng ở trong số những người Phao-lô thấy có trách nhiệm phải nói về Chúa cho họ.
Phân đoạn Kinh Thánh này cho thấy tâm tình của sứ đồ Phao-lô đối với người ở La-mã, là những người ông chưa bao giờ gặp. Ông tạ ơn Chúa về đức tin mạnh mẽ của họ, ông cầu nguyện cho họ và ước mong được đến thăm họ. Ông muốn khích lệ họ để chính ông cũng được khích lệ. Ông muốn truyền giảng cho những người chưa tin Chúa và coi đó là một món nợ phải trả.
Bao nhiêu người trong chúng ta có được tâm tình như Phao-lô? Đó là cầu nguyện, khích lệ anh chị em trong Chúa và xem việc truyền giảng cho người chưa tin là trọng trách chúng ta phải chu toàn.