Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 5

Cơn Thạnh Nộ Của Đức Chúa Trời

1:18

18 Vả, cơn giận của Đức Chúa Trời từ trên trời tỏ ra nghịch cùng mọi sự không tin kính và mọi sự không công bình của những người dùng sự không công bình mà bắt hiếp lẽ thật.

1. Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương, tại sao Phao-lô lại nói đến “cơn giận của Đức Chúa Trời”?

2. Đức Chúa Trời giận cho chúng ta thấy bản tính gì của Ngài? Bản tính đó ảnh hưởng như thế nào trên đời sống của chúng ta?

3. Hai điều Đức Chúa Trời nghịch là gì? Xin cho biết ý nghĩa của hai điều đó.

4. Nếu Chúa nghịch vì hai điều đó thì Chúa có nghịch với chúng ta không? Tại sao?

5. “Bắt hiếp lẽ thật” nghĩa là gì? Xin cho một ví dụ về việc dùng sự không công bình để bắt hiếp lẽ thật.

6. Câu Thánh Kinh nầy cho chúng ta thấy điều gì về Đức Chúa Trời? Về con người?

 

Thư Rô-ma nói về “sự công bình của Đức Chúa Trời,” tức là phương cách Đức Chúa Trời dùng để cứu loài người. Tuy nhiên, trước khi vào vấn đề, Phao-lô nói về “cơn giận của Đức Chúa Trời” (c. 18). Chữ “giận” ở đây không có nghĩa là hờn dỗi nhưng là sự phẫn nộ của Đấng Thánh Khiết khi nhìn thấy tội lỗi. Nếu Đức Chúa Trời không phải là Đấng Thánh Khiết, Ngài sẽ không phẫn nộ trước tội lỗi, không hình phạt tội lỗi và chúng ta sẽ không cần được cứu rỗi. Tuy nhiên, vì là Đức Chúa Trời Thánh Khiết, Chúa đã thật sự nổi giận trước tội lỗi của loài người và chương trình cứu rỗi của Chúa đã bắt đầu từ cơn giận của Ngài. Chúa không thể chấp nhận tội lỗi nên phải hình phạt người có tội. Tuy nhiên, vì thương yêu loài người, Chúa đã cung ứng một phương pháp để loài người có thể tránh khỏi hình phạt đó. Theo điều Phao-lô viết, cơn giận của Chúa là phản ứng của Ngài đối với “mọi sự không tin kính” và “mọi sự không công bình.”

1. Không tin kính: từ ngữ nầy mô tả khuyết điểm trong mối quan hệ giữa con người với Đức Chúa Trời, tức là sự vô đạo của loài người. Vô đạo không có nghĩa là không có đạo nhưng là sống mà kể như không có Chúa và không tôn thờ Ngài. Đức Chúa Trời đã tạo dựng con người, nhưng con người không tôn thờ Ngài. Trái lại, con người đã tôn thờ thần tượng hoặc tôn thờ những cá nhân khác cũng tội lỗi như mình. Khi thiếu lòng tôn kính đối với Đấng Chí Cao, con người sẽ dần dần phạm những tội lỗi khác. Chính vì thế mà lòng vô đạo đã là lý do đầu tiên khiến Chúa giận.

2. Không công bình: không công bình là khuyết điểm trong liên hệ giữa người với người. Vì thiếu lòng tin kính (không tôn thờ và kính sợ Đấng Chí Cao), nên con người cũng tự nhiên trở thành không công bình, nghĩa là không xử sự đúng với đồng loại. “Không công bình” bao gồm các tội gian dối, bất công, lường gạt, thù ghét... Tội không tin kính thể hiện trong việc thờ hình tượng, còn tội không công bình thể hiện trong nếp sống vô luân, gian dối, độc ác...

Vì hai tội chính mà con người thường phạm với Chúa và với đồng loại là “không tin kính” và “không công bình” nên Chúa đã đặt ra hai giới luật căn bản là “yêu Chúa” và “yêu người.” Yêu kính Đức Chúa Trời và thương yêu mọi người như chính bản thân, chúng ta sẽ không bị kể là những người không tin kính, và không công bình.

Đặc điểm của người sống đời sống không tin kính và không công bình là: “dùng sự không công bình mà bắt hiếp lẽ thật.” “Bắt hiếp” nghĩa là giữ lại, không cho vùng lên. Đây là những người biết chân lý nhưng không sống theo chân lý, trái lại còn cố gắng đè nén, đàn áp và xuyên tạc để không còn ai biết đến chân lý.

Câu Thánh Kinh trên tóm tắt đầy đủ nguồn gốc mọi tội ác của con người. Chúng ta đã tin Chúa nên không còn phạm những tội nầy. Tuy nhiên, mỗi ngày chúng ta vẫn cần nhắc nhở chính mình về mối quan hệ của chúng ta với Chúa và với người chung quanh. Nếu kính sợ Chúa, chúng ta sẽ yêu thương đồng loại. Đã biết rõ chân lý nầy, ước mong chúng ta sẽ không đè bẹp chân lý để chiều theo ý muốn ích kỷ của mình.