1:18-23
18 Vả, cơn giận của Đức Chúa Trời từ trên trời tỏ ra nghịch cùng mọi sự không tin kính và mọi sự không công bình của những người dùng sự không công bình mà bắt hiếp lẽ thật. 19 Vì điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đã tỏ điều đó cho họ rồi, 20 bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được, 21 vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa; song cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm. 22 Họ tự xưng mình là khôn ngoan, mà trở nên điên dại; họ đã đổi vinh hiển của Đức Chúa Trời không hề hư nát lấy hình tượng của loài người hay hư nát, hoặc của điểu, thú, côn trùng.
1. Hai lỗi lầm của con người được mô tả trong câu 21a là gì?
2. Xin kể ra một vài điều con người làm chứng tỏ họ không làm sáng danh Chúa.
3. Tại sao không tạ ơn Chúa là mắc tội với Chúa?
4. Xin kể ra ba đặc tính của những người biết Chúa mà không làm sáng danh Chúa (c. 21b và 22).
5. Sự điên dại của con người thể hiện dưới hình thức gì?
6. Ngày nay chúng ta có thể thờ hình tượng dưới những hình thức nào? Làm thế nào để tránh được nguy cơ nầy?
Tuy Đức Chúa Trời là Đấng vô hình, nhưng nhìn công trình sáng tạo của Ngài, chúng ta biết Ngài có thật. Tất cả mọi người trên trần gian nầy cũng đều biết là Đức Chúa Trời có thật, tuy nhiên không phải tất cả mọi người đều tôn thờ Ngài, vì có nhiều người đã thờ hình tượng thay vì tôn thờ và biết ơn Chúa. Trong câu 21 và 22, Phao-lô mô tả đặc tính của những người đó như sau:
(1) Lầm lạc trong lý tưởng hư không
(2) Lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm
(3) Tự xưng mình là khôn ngoan nhưng trở nên điên dại
“Lầm lạc trong lý tưởng hư không” nghĩa là “suy tư trong vòng lẩn quẩn” (Bản Diễn Ý). Nhiều người tìm cách lý luận để phủ nhận sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, tuy nhiên khi lý luận như vậy, họ đã thật sự mắc vào vòng lầm lạc lẩn quẩn, không đi đến đâu cả. “Lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm” nói lên tình trạng của những người đã lầm lạc lại càng lầm lạc thêm, giống như người quay lưng lại với ánh sáng sẽ ngày càng đi sâu vào bóng tối. Bản Diễn Ý dịch câu nầy là “tâm thần bị sa lầy trong bóng tối.” Thật đúng như vậy, khi đã cố ý khước từ Đức Chúa Trời để sống theo ý riêng, con người sẽ càng lún sâu trong vũng lầy tội lỗi và không còn biết là mình sai nữa. Câu “tự xưng mình là khôn ngoan nhưng trở nên điên dại” nói lên thực trạng của những người trí óc đã mù quáng, mê muội. Họ tự hào với những triết thuyết của mình và cho đó là chân lý. Thật ra đối với Chúa, bất cứ ai phủ nhận Ngài đều bị kể là ngu dại (Thi thiên 14:1).
Sự ngu dại của loài người thể hiện rõ ràng nhất trong việc thờ hình tượng. Ai cũng biết hình tượng “có miệng mà không nói, có mắt mà chẳng thấy, có tai mà không nghe...” (Thi thiên 115:5-7), tuy vậy, bao nhiêu người đang thờ lạy hình tượng mà vẫn cho như thế là đúng. Thánh Kinh bảo con người “sai và ngu dại” vì đã “đổi vinh hiển của Đức Chúa Trời không hề hư nát” để “lấy hình tượng của loài người hay hư nát, hoặc của điểu, thú, côn trùng” (c. 23). Con người do Đức Chúa Trời tạo dựng nên phải tôn thờ Ngài, nhưng con người không thờ Chúa mà lại đi thờ những hình tượng do tay mình làm ra. Con người đã bỏ Đức Chúa Trời vinh quang để thờ lạy những hình tượng vô tri giác, thật là một việc làm dại dột.
Tuy phần Thánh Kinh nầy dành cho những người phủ nhận Chúa, nhưng cũng nhắc chúng ta rằng: dù chúng ta biết Chúa và đã tin Ngài, nhưng nếu chúng ta không sống theo Lời Chúa, không biết ơn Ngài, chúng ta sẽ dễ bị lý luận của người đời làm lung lạc đức tin và lôi cuốn chúng ta theo họ, bỏ những điều có giá trị vĩnh cửu để chạy theo những điều chỉ có giá trị tạm thời. Chúng ta không quì lạy trước những hình tượng vô tri giác, tuy nhiên, BẤT CỨ ĐIỀU GÌ CHIẾM ĐỊA VỊ ƯU TIÊN TRONG ĐỜI SỐNG, đó chính là thần tượng đang chiếm chỗ của Chúa trong lòng ta.