2:1-11
1 Vậy, hỡi người kia, ngươi là ai mặc lòng, hễ đoán xét kẻ khác thì không thể chữa mình được; vì trong khi đoán xét họ, ngươi cũng lên án cho chính mình ngươi nữa, bởi ngươi đoán xét họ, mà cũng làm các việc như họ. 2 Vả, chúng ta biết rằng sự phán xét của Đức Chúa Trời đối với kẻ làm những việc như thế, là hiệp với lẽ thật.
3 Hỡi người đoán xét kẻ phạm những việc dường ấy mà mình cũng phạm kia, vậy ngươi tưởng rằng chính mình ngươi sẽ tránh khỏi sự phán xét của Đức Chúa Trời sao? 4 Hay là ngươi khinh dể sự dư dật của lòng nhân từ, nhịn nhục, khoan dung Ngài, mà không nhận biết lòng nhân từ của Đức Chúa Trời đem ngươi đến sự ăn năn sao? 5 Bởi lòng ngươi cứng cỏi, không ăn năn, thì tự chấp chứa cho mình sự giận về ngày thạnh nộ, khi sẽ hiện ra sự phán xét công bình của Đức Chúa Trời, 6 là Đấng sẽ trả lại cho mỗi người tùy theo công việc họ làm: 7 ai bền lòng làm lành, tìm sự vinh hiển, sự tôn trọng và sự chẳng hề chết, thì báo cho sự sống đời đời; 8 còn ai có lòng chống trả, không vâng phục lẽ thật, mà vâng phục sự không công bình, thì báo cho họ sự giận và cơn thạnh nộ. 9 Sự hoạn nạn khốn khó giáng cho mọi người làm ác, trước cho người Giu-đa, sau cho người Gờ-réc; 10 nhưng vinh hiển, tôn trọng, cùng sự bình an cho mọi người làm lành, trước cho người Giu-đa, sau cho người Gờ-réc. 11 Vì trước mặt Đức Chúa Trời, chẳng vị nể ai đâu.
1. “Người kia” Phao-lô nói trong câu 1 là ai?
2. Theo lời Phao-lô mô tả trong câu 1 thì tội của người nầy là tội gì?
3. Chúng ta có thường phạm tội nầy không? Xin cho một ví dụ.
4. Làm thế nào để tránh được tội nầy?
5. Theo câu 3, nhân vật “người kia” nghĩ thế nào về sự phán xét của Đức Chúa Trời? Suy nghĩ như vậy có đúng không? Tại sao?
6. Xin kể ra những đặc tính của Đức Chúa Trời được nhắc đến từ câu 4-11.
7. Chúng ta phải sống thế nào để phù hợp với những đặc tính đó của Chúa? (Chúa nhịn nhục, khoan dung thì chúng ta phải... Chúa không thiên vị thì chúng ta phải... Chúa sẽ báo trả thì chúng ta phải...)
Trong chương đầu của thư Rô-ma, sứ đồ Phao-lô nói về án phạt dành cho những người thờ hình tượng và sống cuộc đời trụy lạc xấu xa. Từ chương 2:1 đến chương 3:20, ông nói về tội lỗi của những người cho mình là người đạo đức. Trong phần nầy, Phao-lô trình bày theo một hình thức lý luận rất thông dụng trong thời đó, tức là hình dung một nhân vật tưởng tượng rồi tranh luận với nhân vật đó.
Phao-lô gọi nhân vật tưởng tượng của ông là “người kia” (c. 1). Ông hình dung trong trí một người Do-thái có thói quen hay lên án người khác và ông nói cho người đó biết rằng anh ta cũng có tội như bao nhiêu người. Tội của anh là: “Đoán xét họ mà cũng làm ác như họ” (c. 1). Có lẽ đây là người công khai tuyên bố rằng mình không bao giờ phạm những tội ghê gớm mà vị sứ đồ đã kể ra trong chương 1, nhưng thật ra người đó đã phạm tội dưới hình thức khác mà không biết, như lời Chúa Giê-xu dạy trong Ma-thi-ơ 5:21-48.
Phao-lô cũng cho biết những người phạm các tội mà ông nêu trong phần trước chắc chắn sẽ bị hình phạt, đó là điều hợp với công lý, ai cũng biết (c. 2). Tuy nhiên, một số người Do-thái lúc đó nói rằng họ là tuyển dân của Chúa nên sẽ không bị Chúa hình phạt như vậy (c. 3). Trước lý luận đó, Phao-lô tuyên bố Chúa là Đấng công minh, không thiên vị, Ngài sẽ hình phạt mọi người tội lỗi như nhau (c. 6-11). Sở dĩ Chúa chưa phạt là vì Ngài nhân từ, đang chờ đợi những người đó ăn năn (c. 4). Phần còn lại của phân đoạn nầy, Bản Diễn Ý dịch lại như sau:
Ngoan cố, không hối cải là tự dồn chứa hình phạt khủng khiếp cho mình trong ngày đoán phạt của Đức Chúa Trời, khi Ngài dùng công lý xét xử loài người. Chúa sẽ thưởng phạt tùy theo công việc mỗi người. Người nào bền lòng vâng phục Chúa, tìm kiếm vinh quang, danh dự và những giá trị vĩnh cửu, sẽ được sự sống đời đời. Còn người nào vị kỷ, chối bỏ chân lý, đi theo đường gian tà, sẽ bị hình phạt; Đức Chúa Trời sẽ trút cơn giận của Ngài trên họ. Tai ương, thống khổ sẽ giáng trên mọi kẻ làm ác, dù người Do-thái hay nước ngoài. Nhưng vinh quang, danh dự, bình an dành sẵn cho người vâng phục Đức Chúa Trời, không phân biệt bất cứ chủng tộc nào vì Đức Chúa Trời không thiên vị ai (La-mã 2:5-11)