Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 31

Muốn Làm Điều Lành Nhưng Làm Điều Dữ

7:14-25 

14 Vả, chúng ta biết luật pháp là thiêng liêng; nhưng tôi là tánh xác thịt đã bị bán cho tội lỗi. 15 Vì tôi không hiểu điều mình làm: tôi chẳng làm điều mình muốn, nhưng làm điều mình ghét. 16 Song nếu tôi làm điều mình chẳng muốn, thì bởi đó nhận biết luật pháp là tốt lành. 17 Bấy giờ chẳng phải tôi làm điều đó nữa, nhưng ấy là tội lỗi ở trong tôi. 18 Vả, tôi biết điều lành chẳng ở trong tôi đâu, nghĩa là trong xác thịt tôi, bởi tôi có ý muốn làm điều lành, nhưng không có quyền làm trọn; 19 vì tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn. 20 Ví bằng tôi làm điều mình không muốn, ấy chẳng phải là tôi làm điều đó nữa, nhưng là tội lỗi ở trong tôi vậy.  21 Vậy tôi thấy có luật nầy trong tôi: khi tôi muốn làm điều lành, thì điều dữ dính dấp theo tôi. 22 Vì theo người bề trong, tôi vẫn lấy luật pháp Đức Chúa Trời làm đẹp lòng; 23 nhưng tôi cảm biết trong chi thể mình có một luật khác giao chiến với luật trong trí mình, bắt mình phải làm phu tù cho luật của tội lỗi, tức là luật ở trong chi thể tôi vậy. 24 Khốn nạn cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể hay chết nầy? 25 Cảm tạ Đức Chúa Trời, nhờ Đức Chúa Giê-xu Christ, là Chúa chúng ta!  Như vậy, thì chính mình tôi lấy trí khôn phục luật pháp của Đức Chúa Trời, nhưng lấy xác thịt phục luật pháp của tội lỗi. 

1. Rô-ma 7:14-25 nói về một cuộc tranh chấp nội tâm. Xin cho biết nguyên nhân của cuộc tranh chấp đó. 

2. Dựa vào câu 15 và 21, xin tóm tắt cuộc tranh chấp nội tâm của Phao-lô. 

3. Xin cho biết quan hệ giữa phần đầu và phần thứ nhì của câu 16: Tại sao “làm điều mình chẳng muốn thì bởi đó nhận biết luật pháp là tốt lành?” 

4. Theo câu 17 và 20, những việc không tốt lành phát xuất từ đâu? 

5. Hai sức mạnh trong cuộc tranh chấp nội tâm của Phao-lô là gì? 

6. So sánh hai câu 24 và 25, chúng ta thấy điều gì? 

7. Chúng ta rút được bài học gì qua phân đoạn Kinh Thánh nầy? 

 

Rô-ma 7:7-13 nói về quan hệ giữa tội lỗi và luật pháp trong phần tiếp theo (7:14-25), Phao-lô cho thấy quan hệ giữa tội lỗi và những hành động xấu xa trong con người. Phao-lô nói về một cuộc tranh chấp nội tâm và nguyên nhân của tranh chấp đó là tội lỗi trong con người (c. 17, 20). Cuộc tranh chấp nội tâm của Phao-lô có thể tóm tắt như sau: “Muốn làm điều lành nhưng lại làm điều dữ” (c. 15, 21). Phao-lô khai thác ý đó trong phân đoạn nầy. 

Trước hết, ông công nhận luật pháp của Chúa là tốt lành dù ông làm điều mà ông không muốn (c. 16). Tại sao “làm điều mình chẳng muốn” thì bởi đó “nhận biết luật pháp là tốt lành?” Nhận biết luật pháp là tốt lành nghĩa là nhận biết trong thâm tâm của ông. Sâu kín trong đáy lòng, Phao-lô biết luật pháp là tốt và chính khi ông làm điều “mình chẳng muốn,” ý thức luật pháp Chúa là tốt lành lại càng gia tăng. Chính vì vậy mà Phao-lô viết câu 16. 

Trong cả phân đoạn nầy, Phao-lô cho chúng ta thấy thủ phạm là tội lỗi (c. 17, 20) và song song với tội lỗi là “tính xác thịt” (c. 14). Tính xác thịt là con người cũ, là khuynh hướng thấp hèn trong con người chúng ta. Hai sức mạnh trong cuộc tranh chấp nội tâm của Phao-lô là “luật pháp Đức Chúa Trời” (c. 22) và “luật của tội lỗi” (c. 23). 

Phao-lô phải bó tay trước sức mạnh của tội lỗi và xác thịt (c. 24), nhưng ông đã khám phá ra bí quyết để chiến thắng. Bí quyết đó là Chúa Cứu Thế Giê-xu (c. 25a). 

Trong phân đoạn nầy sứ đồ Phao-lô dùng kinh nghiệm của chính ông để cho mọi người thấy rằng luật pháp chỉ tạo tranh chấp với tội lỗi trong con người chứ không giải quyết được vấn đề tội lỗi. 

Phao-lô thú nhận: khi ông muốn làm điều lành thì điều dữ cứ vương vấn trong tâm trí ông. Đây cũng là kinh nghiệm của tất cả chúng ta ngày nay. Dù đã tin Chúa và đã được Chúa tha thứ tất cả tội lỗi, nhưng trong chúng ta bao giờ cũng có hai sức mạnh đối chọi, tranh giành với nhau. Đó là sức mạnh của con người tội lỗi cũ và sức mạnh của con người mới, do Chúa Thánh Linh hướng dẫn. Sở dĩ có sự đối chọi đó là vì trong chúng ta vẫn còn “tính xác thịt” (c. 14), sẵn sàng lôi kéo chúng ta trở lại con đường tội lỗi. Phao-lô nói: “Chính mình tôi lấy trí khôn phục luật pháp của Đức Chúa Trời, nhưng lấy xác thịt phục luật pháp của tội lỗi” (c. 25b). Nói như thế có nghĩa là trí óc Phao-lô biết điều nào tốt, đúng và nên làm nhưng bản tính cũ trong con người ông lại khiến ông muốn chiều theo những ước muốn tội lỗi. 

Qua kinh nghiệm của Phao-lô cũng như kinh nghiệm của chính mình, chúng ta thấy không thể nào lấy hiểu biết hay trí khôn để giải quyết vấn đề tội lỗi, nhưng phải nhờ vào đức tin nơi Chúa Giê-xu. Luật pháp chỉ cho người ta thấy tội chứ không giải quyết được vấn đề tội lỗi. Cũng giống như tất cả những luật lệ về đạo đức và luân lý ở đời, chỉ trình bày vấn đề chứ không giải quyết vấn đề, vì vấn đề chỉ có thể được giải quyết trong Chúa Giê-xu, qua cái chết hi sinh của Ngài. Chính Phao-lô cũng phải buông tay vì không sao thắng được con người tội lỗi của chính mình, hi vọng duy nhất của ông là Chúa và chỉ một mình Ngài mà thôi. Chúng ta sẽ thấy rõ điều nầy khi đọc đến chương 8. Riêng phân đoạn nầy cho chúng ta thấy:

1. Biết điều phải chưa đủ giúp chúng ta sống theo điều phải. 

2. Nhận thức nhược điểm là điều tốt nhưng tự sửa đổi các nhược điểm là điều không ai làm được. Chỉ một mình Chúa Cứu Thế Giê-xu có thể giúp ta nhận biết tội lỗi và tránh xa tội lỗi.