Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 32

Thiên Trường Ca Chiến Thắng

8:1-4 

1 Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Giê-xu Christ; 2 vì luật pháp của Thánh Linh sự sống đã nhờ Đức Chúa Giê-xu Christ buông tha tôi khỏi luật pháp của sự tội và sự chết. 3 Vì điều chi luật pháp không làm nổi, tại xác thịt làm cho luật pháp ra yếu đuối, thì Đức Chúa Trời đã làm rồi: Ngài đã vì cớ tội lỗi sai chính Con mình lấy xác thịt giống như xác thịt tội lỗi chúng ta, và đã đoán phạt tội lỗi trong xác thịt,   4 hầu cho sự công bình mà luật pháp buộc phải làm được trọn trong chúng ta, là kẻ chẳng noi theo xác thịt, nhưng noi theo Thánh Linh. 

1. Tại sao Rô-ma 8:1 lại bắt đầu bằng hai chữ “cho nên”? “Cho nên” hàm ý gì? 

2. “Sự đoán phạt” Phao-lô nói trong câu 1 là gì? 

3. Bạn hiểu chữ “ở trong Chúa Giê-xu” (c. 1) như thế nào? “Ở trong Chúa Giê-xu” nghĩa là gì? 

4. Trong câu 2, Phao-lô nói về “luật pháp của Thánh Linh” và “luật pháp của tội lỗi.” Chữ “luật pháp” ở đây chỉ về gì? 

5. Giải pháp của Chúa để giải quyết vấn đề tội lỗi của con người là gì (c. 3)? 

6. Các câu Kinh Thánh nầy trình bày một nguyên tắc để giúp chúng ta chiến thắng tội lỗi. Bí quyết đó là gì? 

 

Rô-ma chương 8 là một trong những phân đoạn hay nhất trong Thánh Kinh. Có người đã gọi phân đoạn nầy là “Thiên Trường Ca Chiến Thắng.” Thật vậy, ở phần cuối chương 7, Phao-lô nói về những yếu đuối và thất bại của thân xác tội lỗi thì trong chương nầy ông cho thấy niềm vui chiến thắng của người thuộc về Chúa. 

Phân đoạn nầy bắt đầu bằng hai chữ “cho nên” hàm ý nói tiếp những điều đã trình bày trước đó. Phao-lô đã cho người đọc thấy sự thất bại của luật pháp trong việc giải thoát con người khỏi tội lỗi và vì chỉ một mình Chúa Giê-xu mới có thể cứu rỗi chúng ta bằng cái chết thay thế của Ngài, CHO NÊN ở trong Ngài, chúng ta hoàn toàn được giải phóng. 

“Ở trong Chúa Giê-xu” nghĩa là được kết hợp với Chúa, liên hiệp với Ngài và thuộc quyền sở hữu của Ngài. Mối quan hệ nầy được Thánh Kinh mô tả giống như nhánh nho dính liền vào gốc nho hoặc như các phần trong cơ thể được nối liền với cái đầu, là phần chính của thân thể. Người “ở trong Chúa” là người tin nhận Chúa, được làm con của Chúa và thuộc về Ngài. Đối với những người đó, đoán phạt không còn nữa. “Đoán phạt” ở đây có nghĩa là hình phạt, những điều phạm nhân phải chịu sau khi bị tuyên án. Người thuộc về Chúa không còn tiếp tục phục vụ tội lỗi như những người chưa tin Chúa, chưa được tha thứ. Nếu đã tin Chúa mà chúng ta còn phục dưới quyền tội lỗi tức là chúng ta chưa sống đúng với địa vị mới, địa vị làm con của Chúa. Câu mở đầu của chương 8 là lời nhắc chúng ta: Khi đã thuộc về Chúa, chúng ta không phải phục dịch tội lỗi nữa!

Trong câu 2, Phao-lô nói về hai thứ luật: “luật của Thánh Linh sự sống” và “luật của tội lỗi và sự chết.” Chữ “luật” trong câu nầy có nghĩa là nguyên tắc hay định luật. Trong phần cuối chương 7, Phao-lô cho thấy khi tùy thuộc vào Chúa, chúng ta không còn bị ràng buộc với định luật đó nữa, nhưng sống theo định luật của Thánh Linh, là định luật giúp chúng ta chiến thắng tội lỗi. Điểm khác nhau giữa định luật tội lỗi và định luật Thánh Linh là sự sống. Phao-lô gọi Đức Thánh Linh là “Đức Thánh Linh sự sống” nghĩa là Đấng ban cho chúng ta sức sống. Chúng ta không thể dùng sức riêng để chiến thắng tội lỗi nhưng nhờ sức sống của Chúa Thánh Linh. 

Tất cả sự sống và chiến thắng ấy đến từ cái chết hi sinh của Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu từ trời đến, mang thân xác con người và chịu án phạt thế cho con người. Nhờ đó những ai tin Chúa sẽ không còn phải phục dịch tội lỗi nữa. Nếu sau khi tin Chúa, chúng ta vẫn còn phục dịch tội lỗi, vẫn sống theo sự lôi cuốn của tội lỗi, chứng tỏ chúng ta vẫn tiếp tục để cho tội lỗi ngự trị chứ chưa thật sự để Chúa Thánh Linh hướng dẫn. 

Những điều Phao-lô trình bày trong các câu Kinh Thánh trên giúp ta bí quyết chiến thắng tội lỗi. Bí quyết đó là: Chúa Giê-xu đã chịu án phạt thế cho chúng ta, nay đã được kết hợp làm một với Chúa, chúng ta không còn phải phục dịch tội lỗi nữa. Nghĩ đến địa vị mới trong Chúa sẽ giúp chúng ta thấy rõ chỗ đứng của mình và tội lỗi không thể lung lạc để dụ dỗ chúng ta phạm tội. Mỗi khi bị cám dỗ, chúng ta có thể nói với tội lỗi rằng: Chúa Giê-xu đã chịu án cho tôi rồi, tôi không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa!