11:11-15
11 Tôi lại hỏi rằng: Có phải dân Y-sơ-ra-ên vấp chân dường ấy hầu cho té xuống chăng? Chẳng hề như vậy! Nhưng ấy là bởi tội lỗi họ mà sự cứu đã đến cho dân ngoại, hầu để giục lòng tranh đua của họ. 12 Vả, nếu tội lỗi họ đã làm giàu cho thế gian, sự kém sút họ đã làm giàu cho dân ngoại, thì huống chi là sự thạnh vượng của họ! 13 Tôi nói cùng anh em là người ngoại: bấy lâu tôi làm sứ đồ cho dân ngoại, tôi làm vinh hiển chức vụ mình, 14 cố sức để giục lòng tranh đua của những kẻ đồng tộc tôi, và để cứu mấy người trong đám họ. 15 Vì nếu sự dứt bỏ họ ra đã làm sự hòa thuận cho thiên hạ, thì sự họ trở lại trong ân điển há chẳng phải là sự sống lại từ trong kẻ chết sao?
1. Xin người hướng dẫn cho đọc các câu 11-15 theo Bản Diễn Ý và phần giải thích để học viên thấy rõ vấn đề.
2. Hãy nghĩ đến nguyên tắc “giục lòng tranh đua” trong hoạt động chứng đạo của chúng ta. Chúng ta có thể áp dụng nguyên tắc nầy thế nào để lôi cuốn đồng bào đến với Chúa?
3. Trong câu 15, Phao-lô mô tả thế nào về sự khôi phục thuộc linh cho Y-sơ-ra-ên trong tương lai?
4. Xin nêu bài học Bạn nhận được qua phân đoạn Kinh Thánh nầy?
Phần từ câu 11 đến 15 được Bản Diễn Ý dịch như sau:
Tôi xin hỏi tiếp: Người Y-sơ-ra-ên có vấp ngã nặng đến mức bị Đức Chúa Trời hoàn toàn loại bỏ không? Thưa không! Nhưng vì họ vấp phạm, Đức Chúa Trời đem ân cứu rỗi cho các dân tộc khác, để khích động lòng ganh đua của họ. Nếu lỗi lầm của họ đem hạnh phúc cho nhân loại và khuyết điểm của họ giúp các dân tộc hưởng ân cứu rỗi, thì khi họ quay về với Chúa, ân phúc mọi người hưởng được sẽ dồi dào biết bao! Tôi xin ngỏ lời cùng anh em ngoại quốc, vì chính tôi là sứ đồ của các dân tộc nước ngoài - tôi thật vinh dự với chức vụ nầy - tôi ước mong công tác tôi giữa anh em sẽ kích thích lòng ganh đua của dân tộc tôi, nhân đó một số đồng bào tôi được cứu. Nếu việc họ bị Đức Chúa Trời tạm thời loại bỏ giúp cho nhân loại được hòa thuận với Ngài, thì khi họ được Ngài tiếp nhận, hậu quả sẽ diệu kỳ chẳng khác gì người chết sống lại (La-mã 11:11-15)
Rô-ma 11:1-10 cho thấy không phải tất cả người Do-thái đều khước từ Chúa, vì vẫn có một số ít tin nhận Ngài. Phân đoạn tiếp theo, câu 11-15 thì cho thấy không phải người Do-thái sẽ vĩnh viễn khước từ Chúa, trái lại họ chỉ không tin Ngài trong một thời gian nào đó mà thôi. Chúa sẽ không từ bỏ người Do-thái hoàn toàn và việc họ phủ nhận Chúa chỉ là dịp cho các dân tộc khác được cứu.
Phao-lô lý luận như sau:
1. Nhờ người Do-thái vấp ngã nên Dân Ngoại có dịp được cứu. Việc dân ngoại được cứu sẽ làm cho người Do-thái cảm kích mà ăn năn, quay lại với Chúa. Điều nầy cũng tương tự như trường hợp bà mẹ cho con bánh, nhưng đứa con chê, không lấy, nên bà mẹ đem cho hàng xóm; khi thấy người hàng xóm ăn ngon lành, đứa bé tức tối, đòi lại bà mẹ chiếc bánh đó. Đây cũng là điều Phao-lô đã làm: người Do-thái không tiếp nhận Đạo Chúa nên ông đã đi giảng cho các dân tộc khác, điều đó kích thích lòng họ, khiến họ trở lại với Chúa để được cứu.
2. Dựa vào lý luận trên, Phao-lô nói: Nếu nhờ người Do-thái bỏ Chúa, dân ngoại được cứu rỗi, tức là nếu tội lỗi của họ còn đem lại lợi ích cho người khác như thế thì khi họ trở lại với Chúa, điều lành của họ còn giúp ích người khác biết bao nhiêu nữa. Theo Phao-lô, việc người Do-thái tiếp nhận Chúa cũng chẳng khác gì hình ảnh người chết sống lại như đã được tiên tri Ê-xê-chi-ên mô tả trong Ê-xê-chi-ên Chương 37.
Dựa vào lối lý luận của Phao-lô, chúng ta tìm thấy một số áp dụng sau:
(1) Có những người tin Chúa đã lâu nhưng không thật sự sống gần Chúa nên đời sống thiếu niềm vui và phước hạnh. Trong khi đó cũng có những người mới tin nhưng thật lòng yêu Chúa và sống cho Ngài, nên được Chúa ban cho nhiều ơn phước đặc biệt. Điều nầy có thể khiến người tin Chúa lâu năm thèm khát nên bắt đầu chấn chỉnh đời sống và sống gần gũi với Chúa hơn. Ước mong tất cả chúng ta đều có đời sống phước hạnh để có thể khích lệ người chung quanh đến với Chúa.
(2) Nguyên tắc “giục lòng tranh đua” cũng có thể được dùng trong hoạt động chứng đạo của chúng ta. Ngoài việc rao giảng chân lý cứu rỗi để giúp người chưa tin Chúa biết mình là tội nhân cần ơn cứu chuộc của Chúa, chúng ta còn có thể bày tỏ sự vui mừng và ơn phước Chúa ban cho con cái Chúa để tạo niềm khao khát và lôi cuốn đồng bào đến với Chúa.
(3) Lúc chúng ta yếu đuối, không xứng đáng, Chúa vẫn dùng cho công việc Ngài; vì vậy, nếu chúng ta mạnh mẽ và trưởng thành, đời sống chúng ta còn hữu ích cho Chúa nhiều hơn nữa. Vậy, hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta được giữ vững nếp sống đạo sốt sắng và mạnh mẽ để luôn hữu ích cho Chúa.