11:16-24
16 Vả, nếu trái đầu mùa là thánh, thì cả đồng cũng thánh; và nếu rễ là thánh, thì các nhánh cũng thánh. 17 Ví bằng có một hai nhánh bị cắt đi, và ngươi vốn là cây ô-li-ve hoang được tháp vào chỗ các nhánh ấy để có phần về nhựa và rễ của cây ô-li-ve, 18 thì chớ khoe mình hơn các nhánh đó. Nhưng nếu ngươi khoe mình, thì hãy biết rằng ấy chẳng phải là ngươi chịu đựng cái rễ, bèn là cái rễ chịu đựng ngươi. 19 Ngươi sẽ nói rằng: Các nhánh đã bị cắt đi, để ta được tháp vào chỗ nó. 20 Phải lắm; các nhánh đó đã bị cắt bởi cớ chẳng tin, và ngươi nhờ đức tin mà còn; chớ kiêu ngạo, hãy sợ hãi. 21 Vì nếu Đức Chúa Trời chẳng tiếc các nhánh nguyên, thì Ngài cũng chẳng tiếc ngươi nữa. 22 Vậy hãy xem sự nhân từ và sự nghiêm nhặt của Đức Chúa Trời: sự nghiêm nhặt đối với họ là kẻ đã ngã xuống, còn sự nhân từ đối với ngươi, miễn là ngươi cầm giữ mình trong sự nhân từ Ngài; bằng chẳng, ngươi cũng sẽ bị chặt. 23 Về phần họ, nếu không ghì mài trong sự chẳng tin, thì cũng sẽ được tháp; vì Đức Chúa Trời có quyền lại tháp họ vào. 24 Nếu chính ngươi đã bị cắt khỏi cây ô-li-ve hoang thuận tánh mình, mà được tháp vào cây ô-li-ve tốt nghịch tánh, thì huống chi những kẻ ấy là nhánh nguyên sẽ được tháp vào chính cây ô-li-ve mình!
1. Qua câu 16, sứ đồ Phao-lô muốn nhấn mạnh điều gì khi nói “nếu rễ là thánh, thì các nhánh cũng thánh” ?
2. Trong hình ảnh các nhánh ô-li-ve, nhánh bị cắt bỏ tượng trưng cho ai?
3. Nhánh ô-li-ve hoang tượng trưng cho ai?
4. Ví dụ về các nhánh ô-li-ve dạy chúng ta điều gì?
Câu 16 là chiếc cầu nối giữa phần nói về số phận thuộc linh của Y-sơ-ra-ên trong những câu trước với mối tương quan giữa người Do-thái và Dân Ngoại trong những câu tiếp theo.
Sứ đồ Phao-lô đang cố gắng giải thích huyền nhiệm về sự cứu rỗi của người Do-thái. Sau khi nói về “một phần còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển” (Rô-ma 11:5) chỉ về một số người Do-thái đã tin nhận Chúa, ông nói đến việc “giục lòng tranh đua” hàm ý việc Phúc Âm được giảng cho Dân Ngoại đã là một động cơ thúc đẩy một số người Do-thái khác nữa tin Chúa. Ông cho biết vì người Do-thái khước từ Phúc Âm mà ân sủng của Chúa đã đến với Dân Ngoại, mang lại ơn phước cho họ: “sự dứt bỏ họ ra, đã làm sự hòa thuận cho thiên hạ” (Rô-ma 11:15a), cho nên việc người Do-thái trở lại tin nhận Chúa lại càng là ân phúc lớn lao hơn nữa, tương tự như việc người chết sống lại (c. 15).
Phao-lô giải thích việc người Do-thái tin nhận Chúa dựa trên luật nghi lễ: “Nếu trái đầu mùa là thánh, thì cả đồng cũng thánh” (c. 16a). Lý luận ở đây là, khi dâng của lễ cho Chúa, nếu phần đầu (“trái đầu mùa”) là tốt và thánh, thì phần của lễ còn lại cũng tốt và thánh (“Nếu phần bột đầu tiên được dâng là thánh thì cả đống bột cũng thánh,” Bản Hiệu Đính). Hình ảnh thứ hai được dùng để mô tả là việc trồng trọt: “Nếu rễ là thánh thì các nhánh cũng thánh” (c. 16b) nghĩa là gốc thể nào thì nhánh cũng như vậy. “Rễ” của người Do-thái nói đến tổ tiên của họ là những người ở trong giao ước của Chúa, là thánh cho nên tất cả dòng dõi người Do-thái cũng được ở trong giao ước đó. Ý của Phao-lô trong câu 16 là, nếu đã có những người Do-thái đầu tiên tin nhận Chúa thì việc sẽ có những người Do-thái khác nữa tin Chúa là điều tất nhiên, như “trái đầu mùa” trong luật nghi lễ, như rễ và nhánh trong việc trồng trọt. “Thánh” cũng hàm ý “thuộc về Đức Chúa Trời,” Ngài không từ bỏ con dân của Ngài. Y-sơ-ra-ên là cây ô-li-ve mà Ngài đã trồng (Ê-sai 60:21; 61:3), vì vậy, nếu phần rễ thuộc về Đức Chúa Trời, thì các nhánh cũng vậy.
Trong phần từ câu 16-24, Phao-lô dùng hình ảnh chắp nối nhánh cây (tháp cây) để nói về việc người Do-thái sa ngã để Dân Ngoại có cơ hội tin nhận Chúa. Trong ví dụ nầy, cây ô-li-ve trồng trong vườn tượng trưng cho người Do-thái, những nhánh ô-li-ve bị cắt bỏ tượng trưng cho những người Do-thái không tin Chúa và cây ô-li-ve hoang tượng trưng cho Dân Ngoại. Khi tin Chúa, chúng ta là Dân Ngoại, cũng giống như những nhánh ô-li-ve hoang được tháp vào cây ô-li-ve chính. Ví dụ nầy nhắc chúng ta những điều quan trọng sau:
1. Do-thái là dân tộc được Đức Chúa Trời tuyển chọn và ban cho nhiều đặc ân. Khi tin Chúa, chúng ta được hưởng tất cả những đặc ân của người Do-thái. Một cành ô-li-ve hoang, khi tháp vào cây ô-li-ve thật được hưởng nhựa sống của cây ấy thể nào, thì Dân Ngoại khi tin Chúa cũng được hưởng những đặc quyền của người Do-thái thể ấy (c. 16).
2. Khi được kể là tuyển dân của Chúa, chúng ta không nên tự phụ bởi vì chính nhờ người Do-thái khước từ Chúa, chúng ta mới có chỗ đứng trong nước của Chúa (c. 17-18). Để tránh thái độ tự phụ, hãy nhớ rằng nhờ rễ mà nhánh cây được sống chứ không phải nhờ nhánh cây mà rễ được sống. Nói khác đi, nhờ người Do-thái mà chúng ta được cứu rỗi, chứ không phải nhờ chúng ta mà người Do-thái được cứu rỗi.
3. Trong mối quan hệ giữa chúng ta với Chúa, đức tin là yếu tố quan trọng hơn cả. Chỉ vì không tin mà người Do-thái bị loại bỏ và chính nhờ đức tin mà chúng ta được kể là con của Chúa (c. 20).
4. Người Do-thái là tuyển dân của Chúa, nhưng khi họ thiếu lòng tin, Chúa vẫn hình phạt. Vì vậy, nếu chúng ta là “những nhánh hoang được tháp vào” mà thiếu lòng tin thì Chúa cũng chẳng tiếc gì mà không hình phạt (c. 21).
5. Chúng ta là nhánh ô-li-ve hoang, có những đặc tính khác với cây trồng trong vườn (“nghịch tánh”), mà Đức Chúa Trời còn chấp nhận, thì người Do-thái vốn là một phần của cây ô-li-ve cũ, cho nên nếu họ trở lại với Chúa, chắc chắn sẽ được Ngài chấp nhận dễ dàng (c. 24).
6. Ví dụ về cây ô-li-ve và nhánh ô-li-ve cho thấy ơn đặc biệt Chúa dành cho chúng ta là Dân Ngoại. Điều nầy nhắc chúng ta thêm lòng biết ơn và kính yêu Chúa, cũng giúp chúng ta không xem thường nhưng cẩn thận giữ mình để không bị Chúa từ bỏ như người Do-thái.
7. Sự từ bỏ Y-sơ-ra-ên chỉ là tạm thời, sự khôi phục sẽ đến với họ trong tương lai. Nếu Đức Chúa Trời đã bày tỏ lòng thương xót cho Dân Ngoại thì Ngài còn bày tỏ lòng thương xót đối với Y-sơ-ra-ên nhiều hơn nữa.