Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 60

Tinh Thần Truyền Giáo Thế Giới Của Phao-lô

15:14-21

14 Hỡi anh em, về phần anh em, tôi cũng tin chắc rằng anh em có đầy lòng nhân từ, đủ điều thông biết trọn vẹn, lại có tài khuyên bảo nhau. 15 Nếu tôi đã lấy lòng thật dạn dĩ mà viết thơ nói điều nầy điều kia với anh em, ấy là để nhắc lại cho anh em nhớ, bởi ơn Đức Chúa Trời đã làm cho tôi 16 nên chức việc của Đức Chúa Giê-xu Christ giữa dân ngoại, làm chức tế lễ của Tin Lành Đức Chúa Trời, hầu cho dân ngoại được làm của lễ vừa ý Chúa, và nên thánh bởi Đức Thánh Linh. 17 Vậy tôi có cớ khoe mình trong Đức Chúa Giê-xu Christ về điều hầu việc Đức Chúa Trời. 18 Vì tôi chẳng dám nói những sự khác hơn sự mà Đấng Christ cậy tôi làm ra để khiến dân ngoại vâng phục Ngài, bởi lời nói và bởi việc làm, 19 bởi quyền phép của dấu kỳ phép lạ, bởi quyền phép của Thánh Linh Đức Chúa Trời. Ấy là từ thành Giê-ru-sa-lem và các miền xung quanh cho đến xứ I-ly-ri, tôi đã đem đạo Tin Lành của Đấng Christ đi khắp chốn. 20 Nhưng tôi lấy làm vinh mà rao Tin Lành ở nơi nào danh Đấng Christ chưa được truyền ra, để cho khỏi lập lên trên nền người khác, 21 như có chép rằng: Những kẻ chưa được tin báo về Ngài thì sẽ thấy Ngài, những kẻ chưa nghe nói về Ngài thì sẽ biết Ngài.

1. Tại sao Phao-lô nói “ấy là để nhắc lại cho anh em nhớ”?

2. Chúng ta học được điều gì nơi Phao-lô qua phân đoạn nầy?

3. Chúng ta làm gì để áp dụng những điều nầy?

 

Rô-ma 15:14-21 là những lời sứ đồ Phao-lô giải thích lý do ông viết thư cho các tín hữu tại Rô-ma. Qua lời giải thích nầy, chúng ta thấy được một vài đức tính của Phao-lô:

1. Tế nhị. Vì chưa quen biết các tín hữu tại Rô-ma nên Phao-lô không nói những lời thẳng thắn như cách ông nói với các tín hữu tại Cô-rinh-tô (I Cô-rinh-tô 5:1-5). Ông khuyên họ nhưng lại nói thật khéo như thể chính họ sẽ tự dạy bảo nhau, những gì ông nói trong thư chỉ là để nhắc lại những điều họ đã biết (c. 15). Khi thấy những việc sai quấy nơi người khác, chúng ta cũng nên khuyên bảo cách tế nhị như vậy. Có những trường hợp cần nói thẳng, nhưng cũng có những lúc phải lựa cách nói để xây dựng. Phao-lô thật là người “trở nên mọi cách cho mọi người” (I Cô-rinh-tô 9:22) để giúp người khác cách hiệu quả.

2. Khiêm nhường. Phao-lô là người học rộng, tài cao, nhưng ông không khoe khoang về điều đó. Trái lại, ông cho biết những điều ông nói hay làm đều đến từ Chúa: “Tôi chẳng dám nói điều gì ngoài việc Chúa Cứu Thế đã dùng tôi dìu dắt người nước ngoài trở về đầu phục Đức Chúa Trời. Chúa dùng lời giảng, việc làm của tôi... (c. 18, Bản Diễn Ý). Phạm vi hoạt động của Phao-lô thật rộng lớn từ “Giê-ru-sa-lem cho đến Nam-tư” (c. 19, BDY). (I-ly-ri là vùng bờ biển phía đông của biển A-đờ-ria-tích, Công-vụ 27:27, thuộc lãnh thổ nước Nam-tư ngày nay). Dù hoạt động rộng rãi như vậy, Phao-lô không cậy tài, cậy sức của mình nhưng ông nói: “Tất cả đều do quyền năng Thánh Linh thực hiện” (c. 19, Bản Diễn Ý). Chúng ta cần có tinh thần khiêm nhường như Phao-lô, dù làm được nhiều việc nhưng không kể đó là công của mình, trái lại, coi đó là việc Chúa làm.

3. Không tranh giành ảnh hưởng của người khác. Vốn tính tế nhị và khiêm nhường, Phao-lô không muốn tranh giành ảnh hưởng hoặc gây khó khăn cho những người cùng hầu việc Chúa với ông, vì thế ông chủ trương chỉ đi giảng ở những nơi nào chưa có ai đến giảng và sẵn sàng đi theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh. Ông nói: “Ước nguyện của tôi là công bố Phúc Âm tại những miền chưa nghe Danh Chúa Cứu Thế, để khỏi xây dựng trên nền tảng của người khác” (c. 20, Bản Diễn Ý).

Những đức tính kể trên của sứ đồ Phao-lô không những chỉ cần thiết cho những người hầu việc Chúa trọn thời gian nhưng cũng cho tất cả mọi người tin Chúa. Để Hội Thánh tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ, các tín hữu phải sống với nhau trong tinh thần tế nhị, khiêm nhường và không dùng khả năng để ganh đua hoặc tranh giành ảnh hưởng với người khác.