Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 14

Kìm Giữ Miệng Lưỡi

Gia-cơ 3:1-12

"Chúng ta dùng lưỡi chúc tụng Chúa và Cha chúng ta, lại cũng dùng nó để nguyền rủa con người, là người được tạo nên giống như Đức Chúa Trời. Thưa anh chị em của tôi. Từ một miệng mà ra lời chúc tụng lẫn lời nguyền rủa, không nên như thế" (câu 9-10 NIV-VPNS).

Câu hỏi suy ngẫm: Theo bạn, cái lưỡi cần thiết, quan trọng, ích lợi và tai hại thế nào? Theo phân đoạn Kinh Thánh này, ông Gia-cơ luận thế nào về cái lưỡi? Theo câu 9-10, ông Gia-cơ muốn chúng ta sử dụng lưỡi mình thế nào? Làm thế nào để kìm giữ miệng lưỡi mình? Bạn tập luyện kỷ luật tâm linh này thế nào trong đời sống hằng ngày?

Trong Kinh Thánh, có hai sách chú trọng nhiều về cái lưỡi, đó là sách Châm Ngôn và thư Gia-cơ. Ví dụ: Châm Ngôn 18:7 nói "Miệng kẻ ngu muội là sự bại hoại của nó; Môi nó vốn một cái bẫy gài linh hồn của nó." Châm Ngôn 16:24 nói "Lời lành giống như tàng ong, Ngon ngọt cho tâm hồn, và khỏe mạnh cho xương cốt." Lời nói có thể gây ra chiến tranh hay phục hồi hòa bình. Có những lời nói tốt lành thay đổi cuộc đời của người nghe, nhưng cũng có những lời độc ác, cho dù người nói đã qua đời từ lâu, vẫn còn in dấu trong trí óc chúng ta. Một mục sư nọ, lúc còn trẻ, khi nóng giận nói một lời nặng nề với một tín hữu, sau đó, ông ăn năn, xin lỗi người đó. Khi cầu nguyện, ông xin Chúa cho ông một sự nhắc nhở thường xuyên để ông đừng làm như vậy nữa. Sau khi cầu nguyện xong, ông ra sân sau, và nhìn thấy một chiếc kẹp phơi áo quần rớt xuống ngay trước mặt ông. Ông lấy chiếc kẹp này và thử kẹp vào lưỡi mình, thấy đau đớn vô cùng. Tuy nhiên, ông giữ chiếc kẹp ở trong miệng mình đúng 24 tiếng để học bài học này, và sau đó giữ luôn trong túi để nhắc nhở ông.

Ông Gia-cơ cho thấy sự quan trọng của cái lưỡi. Nếu tra hàm thiết vào miệng ngựa thì chúng ta kiểm soát được con ngựa, nếu kìm giữ được miệng lưỡi thì chúng ta cũng kiểm soát được đời sống mình, không đi sai lạc. Nếu điều khiển được bánh lái con tàu, là điều khiển cả con tàu, cũng vậy, cái lưỡi tuy nhỏ nhưng điều khiển cả đời sống con người. Lưỡi cũng giống như lửa, một chút tàn lửa thiêu hủy cả khu rừng, cả những công trình to lớn, thì lưỡi cũng có thể đốt cháy cả đời người. Vì vậy, cầm giữ lưỡi mình là một kỷ luật thuộc linh thiết yếu để sống hòa thuận với mọi người. Đại đa số các cuộc ly dị, giận hờn, gây gổ, tranh chấp, chia rẽ là do một số người không biết cách kìm giữ lưỡi mình. Ê-phê-sô 4:15 cho chúng ta thói quen quý giá để áp dụng ngay hôm nay, và trong tuần này là nói sự thật trong tình yêu thương. Nói trong tình yêu thương là không nói khi đang nóng giận hay bực bội, không la hét, chưœi rủa hay mạt sát người khác, nhưng luôn dùng những lời nói dịu dàng, khích lệ nhau. Cũng không góp phần vào những lời nói xấu người khác, đâm sau lưng chiến sĩ, thọc gậy bánh xe, đổ dầu vào lửa. Nên tránh những lời nói nửa hư, nửa thật để làm tăng lên uy tín của mình. Cha mẹ nên tránh la mắng, hành hạ con mình bằng lời nói chê bai, mạt sát, so sánh với người khác. Có ba câu nói bạn nên sử dụng nhiều hơn trong đời sống của mình, đó là 1) Tôi yêu thương bạn, 2) Cám ơn bạn nhiều, và 3) Tôi có lỗi, xin hãy tha thứ cho tôi.

Lạy Chúa, xin giúp con biết kìm giữ lưỡi mình, nhờ ơn Chúa để nói ra những lời gây dựng nhau trong tình yêu.

(c) 2024 svtk.net