Lời của người truyền đạo, con trai của Đa-vít, vua tại Giê-ru-sa-lem. Người truyền đạo nói: Hư không của sự hư không, hư không của sự hư không, thảy đều hư không. Các việc lao khổ loài người làm ra dưới mặt trời, thì được ích lợi chi?
Đó là những lời mở đầu cuốn sách Truyền Đạo. Một câu mở đầu mang tính chất yếm thế và chán nản như vậy, sách Truyền Đạo muốn trình bầy điều gì? Muốn hiểu một lời mở đầu như vậy, ta cần phải biết hoàn cảnh mà tác giả đề cập đến. Đề tài chính của sách Truyền Đạo là Đời Sống Vô Thần. Đây là hình ảnh đời sống hoàn toàn nhờ năng lực của con người, hoàn toàn do sáng kiến của loài người. Chính vì vậy mà mở đầu tác giả đã nói: Hư không của những hư không, tất cả đều là hư không!
Sách Truyền Đạo được viết ra trong những hoàn cảnh rất khó khăn, Nước Israel lúc ấy đang lâm vào thế cùng túng. Người dân bị đàn áp. Cảnh cá lớn nuốt cá bé quá thông thường đến nỗi mọi người đều chán nản và tuyệt vọng. Người ta đã đánh giá vật chất quá cao và hoàn toàn trông mong vào những gì mình sở hữu. Khi mong mãi không được, người ta sinh ra chán nản và thất vọng. Tác giả sách Truyền Đạo cố xếp đặt những gì có trong đời này vào đúng chỗ của nó. Luận đề của ông là: Nếu chúng ta học biết được rằng chúng ta có thể trông mong được gì từ nơi thế gian này, chúng ta sẽ không mong ước quá hão huyền và chản nản thất vọng.
Tác giả tự coi mình là người Truyền Đạo. Trong nguyên văn tiếng Hê-bơ-rơ thì chữ này là Koheleth. Nhiều nhà giải Kinh cho rằng có thể đây là một tên riêng. Koheleth là một dạng của một từ mang nghĩa: một người đứng lên nói cho một đám đông nghe hay cho một hội chúng.
Đọc Truyền Đạo ta thấy dường như tác giả tập trung dân chúng lại rồi giảng giải cho họ những điều mà Chúa đã dạy ông ta. Thành ra chữ Koheleth có là tên thật hay chức phận của một người thì cũng không khác biệt lắm. Mục đích của người Truyền Đạo là cho dân biết một ít về khôn ngoan của Chúa và những điều khuyên dạy khác. Ông ta tự xưng là con trai của Vua Đa-vít, Vua tại Giê-ru-sa-lem, chắc hẳn phải là Vua Sa-lô-môn.
Chủ đề mà tác giả nói đến ở đầu sách tiếp tục được nhắc lại trong cả sách. Đó là Hư không của những hư không. Người Truyền Đạo nói: Hư không của những hư không, hư không của những hư không, tất cả đều là hư không. Các việc lao khổ loài người làm ra dưới mặt trời thì được lợi ích gì?
Có một vài điều ta phải phân tích trong câu trên đây để có thể hiểu tác giả muốn nói lên điều gì. Trong ngôn ngữ Hê-bơ-rơ chữ hư không có nghĩa là hơi nước hay là hơi thở. Nghĩa là cái gì mong manh dễ tan, dễ tàn và biến đi mất. Tức là điều gì tạm thời, không bền chắc lâu dài. Trong Truyền Đạo chữ này còn có nghĩa là mong manh, vô hi vọng, hoàn toàn trống rỗng, không có một mục đích nào cả. Mọi sự vật đều là vô ích, vì tất cả đều trôi quá nhanh, không mang theo một ý nghĩa nào cả.
Chúng ta cần để ý đến cụm từ "dưới ánh mặt trời". Từ này được dùng đến 25 lần trong toàn sách Truyền Đạo. Trong khi đó từ "hư không" được dùng tới 31 lần. Cụm từ "dưới ánh mặt trời" ngụ ý nói rằng mọi sự vật mà mắt ta thấy được hiển nhiên.
Tác giả có ý chứng minh rằng mọi việc mà tay chúng ta tạo nên được là vô ích. Mặc dù chúng ta có lý luận hay đến đâu, cố gắng nhiều đến đâu, trong lĩnh vực đạo đức luân lý, cũng vô ích.
Khi nói đến những gì mà khả năng và sức người làm được, tác giả muốn hướng người đọc và một cái gì cao hơn. Vì đời sống không phải là vô nghĩa và trống rỗng. Chúng ta không nhất thiết phải là nạn nhân của tình trạng tạm thời của thời gian và cuộc sống. Chúng ta có thể sống trên một bình diện và mức độ cao hơn.
Chủ đề được nhắc đi nhắc lại nhiều lần là: Tất cả sẽ chỉ là hư không nếu chúng ta chỉ sống trong sức lực và khả năng của thân xác con người chúng ta.
Các việc lao khổ loài người làm ra dưới mặt trời thì được ích lợi gì? Dĩ nhiên là công sức chúng ta bỏ ra chúng ta có gặt hái chứ. Tác giả không nói rằng chúng ta sẽ không được gì, nhưng nói rằng chúng ta sẽ không bao giờ thỏa mãn những gì mình trông mong. Chúng ta không bao giờ có được niềm vui hay thỏa mãn lâu bền. Tự nhiên là sống trong tội lỗi cũng thỏa tình giây lát, nhưng không lâu. Người nào làm việc và sống mà không hề ý thức hoặc suy nghĩ về Chúa tức là sống một cuộc đời vô ích. Đời sống người ấy không có ý nghĩa, cũng không bao giờ người ấy được hưởng thành công lâu bền hay thỏa mãn trường cửu. Người Truyền Đạo nói: Người ấy không có mục đích, ý nghĩa và hướng đi của cuộc đời.
Sau khi đưa ra chủ đề: Hư không của đời người, tác giả bắt đầu minh chứng.
Đời nầy qua, đời khác đến; nhưng đất cứ còn luôn luôn.
Đời này qua, đời khác đến, nhưng đất vẫn còn nguyên. Đời người qua đi từng thế hệ, trong khi đó mảnh đất vẫn trơ trơ. Đời người với bao nhiêu khó khăn, thất vọng lần lượt trải qua mặt đất này. Sáng kiến tân kỳ và kỹ thuật hiện đại thật ra cũng chỉ tạo nên thêm những vấn đề không cần thiết. Các vấn đề ấy cho dù có gọi bằng các tên khác, vẫn là những vấn đề cố hữu chung của nhiều thế hệ. Chẳng hạn như mọi người đều trải qua thời thơ ấu, lớn lên với những bất mãn, sa vào các cám dỗ, phạm những tội vô luân và giả dối. Mọi người đều phải chống lại các vấn đề ghen tương, tranh giành và kiêu căng. Thời đại đi trước hay sắp tới cũng vẫn vậy.
Cuộc đời như một sân khấu, người đời như những diễn viên, lớp này qua, lớp khác đến với bao nhiêu vở tuồng, nhưng sân khấu vẫn vậy. Những tấn thảm kịch của cuộc đời cứ lần lượt diễn ra không ngừng.
Mặt trời mọc, mặt trời lặn, nó lật đật trở về nơi nó mọc. Gió thổi về hướng nam, kế xây qua hướng bắc; nó xây đi vần lại không ngừng, rồi trở về vòng cũ nó. Mọi sông đều đổ vào biển, song không hề làm đầy biển; nơi mà sông thường chảy vào, nó lại chảy về đó nữa.
Tác giả còn dẫn chứng cảnh mặt trời mọc, mặt trời lặn; gió chuyển từ hướng này sang hướng khác; sông chảy vào biển mãi mà biển không đầy. Cuộc đời cứ tuần tự trôi qua nhàm chán như vậy, nếu không có một ý nghĩa nào cao hơn.
Tác giả Truyền Đạo không phải chỉ nêu lên một câu than thở hay là kêu gọi mọi người cùng than trách cuộc đời vô nghĩa. Tác giả chỉ nhắc nhở mọi người rằng: Cuộc đời không có Chúa hiện diện là một cuộc đời vô ích. Bên trong con người chúng ta có một ước muốn làm một cái gì hơn là chỉ có mặt, chỉ hiện diện trên đời này; hơn là chỉ làm một thành phần trong cái quá trình vô tận của những thế hệ loài người.
Chúa cho chúng ta cái ước muốn đó, nhưng chính con người chúng ta có ý hướng sống loại bỏ Chúa ra ngoài và dần dần đi đến chỗ làm tiêu tan mục đích của ước muốn đó. Khi nào chúng ta bằng lòng hiến cuộc đời cho Chúa, chúng ta sẽ thỏa ước vọng ấy và sẽ có ý thức về mục đích, hướng đi và ý nghĩa của cuộc đời.
Sau khi đã nêu dẫn chứng, tác giả kết luận:
Muôn vật thảy đều lao khổ, loài người không thế nói ra được; mắt không hề chán ngó, tai chẳng hề nhàm nghe. Điều chi đã có, ấy là điều sẽ có; điều gì đã làm, ấy là điều sẽ làm nữa; chẳng có điều gì mới ở dưới mặt trời.Nếu có một vật chi mà người ta nói rằng: Hãy xem, cái nầy mới, vật ấy thật đã có rồi trong các thời đời trước ta.
Người Truyền Đạo nói rằng: đời sống không có Chúa thật chán chường. Vì ngoài Chúa cái gì cũng nhàm chán, cuộc đời là một câu đố, là một sự mâu thuẫn mà không cai hiểu được. Ngoài Chúa, chúng ta nhìn vào sự vật mà không bao giờ thỏa mãn, nghe nhiều điều những vẫn không nhàm tai.
Nhiều khi chúng ta sống và nghĩ rằng: Chẳng có người nào trên đời này khổ như mình, hay kinh nghiệm những gì mình kinh nghiệm. Thật ra đời người không có gì xảy ra mới mẻ. Cái khung đời sống vẫn chỉ có thế thôi.
Người Truyền Đạo chỉ muốn mỗi người thấy được cái trống rỗng của đời, và liên tưởng đến những giá trị thật ngoài vật chất, không phải là những gì mắt thấy được. Đó là những giá trị thuộc về Đấng Tạo Hóa, nguyên nhân của mọi sự vật, giá trị của vĩnh hằng.
Bạn thân mến, có lẽ bạn đang sống trong cảnh khó khăn tuyệt vọng, với đủ vất vả ưu tư. Nhưng bạn có loại Chúa ra khỏi cuộc đời của bạn hay không? Hay nói khác đi bạn có đang theo đuổi một cuộc sống không có hiện diện của Chúa chăng? Có lẽ bạn đang chán nản vì cuộc sống này vô nghĩa. Bạn cứ làm việc từ năm này sang năm khác, mong đợi một tờ giấy khen, một bằng tưởng thưởng công lao, một vinh dự nào do loài người đưa đến. Nhưng trở về với thực tại của chính mình, bạn thấy tất cả đều là lớp sơn bên ngoài, vô vị, chán chường. Đó chính là đời sống không có Chúa. Bạn hãy đến với Chúa để đời bạn không chạy theo những vinh hoa, những tiếng khen tạm thời đó nữa, vì trong Chúa, bạn có tình thương thật, niềm tin vững và sẽ tràn đầy hi vọng.