Tác Giả Truyền Đạo khi đề cập đến khôn ngoan của trần gian đã nói rằng:
Truyền Đạo 1:17-18
Ta chuyên lòng học biết khôn ngoan và biết sự ngu dại điên cuồng, ta nhìn biết điều đó cũng là theo luồng gió thổi. Vì nếu khôn ngoan nhiều, phiền não cũng nhiều; ai thêm tri thức ắt thêm sự đau đớn.
Khi chúng ta đi tìm khôn ngoan của trần thế, chúng ta sẽ nếm trải một số chán nản. Chẳng hạn như ta có nhiều tiền của, sống sung sướng, nhưng khi nghiên cứu, sưu khảo để tìm khôn ngoan, chúng ta biết được rằng hàng triệu người trên thế giới đang chết dằn mòn vì thiếu ăn và đa số chưa được hưởng những gì mà ta coi là thường. Cái biết của ta không làm ta vui mà chỉ thấy phiền não. Lý do là vì ta biết ngheo khó đói rách cần phải trừ bỏ, nhưng không biết phải làm cách nào, và không sao chặn đứng được.
Nhưng một điểm khác nưã mà cuộc sưu cầu khôn ngoan vẫn chỉ gây chán chường đó là khôn chết mà dại cũng chết. Nghĩa là người tài học uyên bác hay người tầm thường cũng đều sẽ bị chôn vùi dưới ba tấc đất. Không những thế, dù khôn ngoan đến đâu, danh tiếng cũng sẽ mai một. Truyền Đạo nói rằng:
Truyền Đạo 2:16
Vì người ta chẳng nhớ người khôn ngoan đến đời đời, cũng chẳng nhớ kẻ ngu dại; vì trong ngày sau cả thảy đều bị quên mất từ lâu. Phải, người khôn ngoan cũng sẽ chết như kẻ điên cuồng.
Đây chính là hình ảnh con đường đi tìm khôn ngoan của những người đặt Chúa ra ngoài cuộc sống của họ.
Khôn ngoan của trần thế này còn đưa đến một lối sống thánh thiện giả hiệu. Vì khi có hiểu biết, người ta thường thấy mình hơn người và cũng tốt hơn nhiều nười nữa. Chúa Giê-xu ngày xưa đã nói:
Ta cho các con biết, nếu đức hạnh các con không khá hơn các thầy dạy giáo luật và người dòng tu biệt lập, các con sẽ không và nước Trời.
Nghĩa là nếu người theo Chúa chỉ sống bằng cái vỏ đạo đức giả hiệu thì chẳng bao giờ gặp Chúa được.
Nói như thế nhưng cái khôn ngoan của trần thế cũng có những lợi điểm
Chúa lúc nào cũng muốn chúng ta đạt đến những mức độ khôn ngoan tùy theo khả năng của chúng ta. Ngài muốn chúng ta phát triển tri thức. Chương 10 của sách Truyền Đạo ghi một số lợi điểm mà khôn ngoan đem lại:
Trước tiên khôn ngoan bảo đảm thành công. Tác giả đưa ra thí dụ điển hình: Một người chặt cây chẳng hạn. Nếu người ấy khôn thì sẽ mài lưỡi rìu cho sắc, vì nếu không, người ấy sẽ chẳng bao giờ xong việc. Đó là khôn ngoan trong đời sống thực tiễn.
Khôn ngoan không những bảo đảm thành công mà còn cho nhìn thấy trước được các nan đề nữa. Tác giả đưa ra hai thí dụ: Một là lưỡi rìu chặt cây, nếu cùn thì phải mà cho sắc. Thứ hai là hình ảnh con rắn cắn trước khi bị ếm. Nghĩa là khôn ngoan phải thấy trước nguy cơ chứ không chờ cho nguy cơ xẩy ra.
Khôn ngoan cũng giúp ta biết nói năng phải lẽ.
Ta cần chọn chữ chọn lời nói. Chương 10:12-13 ghi rằng:
Lời của miệng người khôn ngoan có ơn; nhưng môi của kẻ khờ dại lại nuốt lấy nó. Lời nói của miệng nó khởi đầu là ngu dại; cuối cùng vẫn điên cuồng nguy hiểm.
Khôn ngoan giúp chúng ta sử dụng lời nói khôn ngoan. Tuy nhiên lời nói khôn ngoan sẽ hữu dụng khi nào người nói biết Chúa. Nhiều người khôn ngoan, biết rõ đạo Chúa, nói ngôn ngữ của đạo, nhưng thật ra những người ấy không biết Chúa, nghĩa là có thể không tin nhận Ngài. Khôn ngoan như thế cũng vô ích. Người Truyền Đạo muốn nói rằng, khôn ngoan phải khởi đầu từ chỗ nhìn biết và tin nhận Chúa. Đó mới là khôn ngoan thật.
Khôn ngoan còn cho chúng ta tự tin nữa. Truyền Đạo nói rằng:
Truyền Đạo 7:19 Sự khôn ngoan khiến cho người khôn có sức mạnh hơn là mười kẻ cai trị ở trong thành.
Khôn ngoan cho ta có can đảm, mạnh dạn dù phải sống giữa những sức ép.
Như thế ta thấy khôn ngoan rất lợi hại, tuy nhiên đến cuối cùng tác giả lại bảo: Hư không theo luồng gió thổi. Nghĩa là cái hư không của loại khôn ngoan trần thế này cần phải định nghĩa lại cho rõ. Những người đến với Chúa là bằng lòng dốc đổ cái khôn ngoan vô nghĩa của đời này để nhận lấy khôn ngoan thật của Chúa.
Một phương diện khác, có người bảo rằng: Phải hiểu đạo mới tin đạo, tin Chúa được chứ. Điều này không ai dám phủ nhận, tuy nhiên phương pháp hiểu đạo tốt nhất không phải là dùng khôn ngoan lý luận, nhưng là đến với Chúa bằng lòng tin. Hiểu biết Chúa bằng lòng tin quan trọng hơn bằng trí óc, vì khi tin, ta hạ mình rất thấp để tôn thờ Chúa, đây cũng là yếu tố căn bản để được Chúa nhận làm con của Ngài.
Cuối cùng tác giả nói trong chương 2 câu 26 rằng: Vì Đức Chúa Trời ban sự khôn ngoan thông sáng và vui vẻ cho kẻ nào đẹp lòng Ngài, nhưng Ngài khiến cho kẻ có tội phải lao khổ mà thâu góp chất chứa, để rồi ban cho ngưòi đẹp lòng Đức Chúa Trời.
Câu này cho thấy rõ rằng từ Chúa mà con người có thể có được hạnh phúc thật.