Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 4

Cuộc đời có Chúa và không có Chúa

Người Truyền Đạo viết: Ta lại nói trong lòng rằng: Hè! Hãy thử điều vui sướng và nếm sự khoái lạc: kìa, điều đó cũng là sự hư không. Ta nói: Cười là điên; vui sướng mà làm chi? (2:1-2)

Tác giả đã tìm tòi trong mọi ngõ ngách của đời sống xem những cố gắng của con người ra sao. Có nhiều điều ở đời người ta cho là đem lại khoaí lạc và thỏa mãn. Chẳng hạn như lạc thú mà người ta bảo là con đường hạnh phúc.

Người ta nghĩ rằng muốn được sung sướng chỉ cần thỏa mãn những thèm khát của mình. Người khác cho rằng cùng điểm của đời sống là tìm khoái lạc. Chính những đòi hỏi trong con người chúng ta thúc đẩy chúng ta sống vội vã, ngay cho hiện tại, quên lãng lý trí và bổn phận. Quan niệm phổ thông là hễ thấy thích thì làm.

Tìm khoái lạc quan hệ nhiều đến ngũ quan: nhìn, nghe, nếm, ngửi, đụng chạm. Nhưng liệu rằng theo đuổi khoái lạc có thật sự tạo ra hạnh phúc và thỏa mãn hay không? Dù sao chăng nữa, không nhiều thì ít chúng ta cũng đang theo đuổi khoái lạc, vì nó là một phần của đời sống.

Truyền Đạo vạch ra ba điều về lạc thú:

Trước tiên ông ta mô tả phạm vi và phân loại khoái lạc, tất cả những hình thức mà chính tác giả đã tham gia. Ông nói đến nụ cười, sung sướng, khoái lạc. Chỗ khác ông còn nói đến cái cười của kẻ ngu dại, là kẻ bỏ quên Chúa trong đời (7:6). Tiêu khiển, tức là làm những điều mà khiến ta vui cười, làm ta thích thú.

Ông ta nói đến cái vui không hạn chế, hành động tạo khoái lạc và hưởng thụ khoái lạc.

Nhà Truyền Đạo không bảo rằng mọi người phải xa lánh đời, nhưng cũng không bảo rằng hãy đặt khoái lạc làm mục đích của cuộc đời. Vì thật ra chúng ta chẳng bao giờ được những gì chúng ta mong đợi. Tác giả nói rằng ông đã nếm thử tất cả.

Tiếp theo ông nói đến rượu.

Thử xem rượu đem lại lợi ích gì cho mình. Đây không phải uống rượu hũ chìm nhưng chỉ nói đến rượu trong việc sử dụng giới hạn để kích thích thân thể mà thôi. Dù vậy, uống rượu cũng là chuyện vô ích. Chương 8:15 ông viết: Ta bèn khen sự vui mừng, bởi vì dưới mặt trời chẳng có điều gì tốt cho loài người hơn là ăn, uống, và vui sướng; vì ấy là điều còn lại cho mình về công lao trọn trong các ngày của đời mình, mà Đức Chúa Trời ban cho mình dưới mặt trời.

Một người sống bên ngoài Chúa, lấy khoái lạc làm mục đích của đời, dù cho nói rằng: "Ta đã tìm ra câu giải đáp" cũng phải xác định là mình thất bại. Vì khi đã tìm hưởng thụ hết các lạc thú ở đời, tác giả nhận thấy tất cả là hư không trống rỗng. Khi ta cố gắng làm được việc gì ta rất là thích thú, nhưng nếu những thành công của ta chỉ là để cho người khác thấy, hoặc là cho được khen ngợi chấp nhận, thì những thành công ấy thật sự không đem lại thỏa mãn đâu.

Tác giả có lúc cảm thấy ưa thích điều gì là cứ làm, ông nói:

Ta lại hết lòng chuyên lo cho hiểu biết, xét nét, kiếm tìm sự khôn ngoan và chánh lý muôn vật, lại cho biết rằng gian ác là dại dột và sự dại dột là điên cuồng.

Ta tìm thấy một điều cay đắng hơn sự chết, ấy là một người đờn bà có lòng giống như lưới bẫy, tay tợ như dây tói: ai ở đẹp lòng Đức Chúa Trời sẽ thoát khỏi nó; còn kẻ có tội sẽ bị nó vấn lấy.

Điều thứ nhì mà tác giả trình bầy là hệ thống sưu khảo của ông.

Lối tìm tòi của tác giả có vẻ khoa học lắm. Ông ta sử dụng khôn ngoan để tìm tòi. Ông ta không phải là một người đầy tham vọng về khoái lạc, thành công và các điều thành đạt ở đời. Ông ta cẩn thận xem xét mọi việc thử xem đời này có thật đem lại khoái lạc hay không. Ông nói:

Ta nghĩ trong lòng rằng phải uống rượu để cho thân mình vui sướng, mà sự khôn ngoan vẫn còn dẫn dắt lòng ta, lại nghĩ phải cầm lấy sự điên dại cho đến khi xem thử điều gì là tốt hơn cho con loài người làm ở dưới trời trọn đời mình sống. (2:3) và Dầu vậy sự khôn ngoan vẫn còn ở cùng ta. ( 2:9)

Quan niệm của đời là, uống rượu cũng được, miễn là đừng uống nhiều quá. Tác giả cũng cẩn thận theo đúng như vậy, nhưng thấy không kiềm chế được. Thói thường người ta vẫn bảo gian dối một chút chẳng sao, miễn là không bị bắt thì thôi. Hoặc là hành động vô luân cũng được miễn kín đáo thì thôi. Tác giả cẩn thận, dè dặt, không làm gì quá độ, lúc nào cũng cảnh giác, ông nói:

Ta chuyên lòng lấy sự khôn ngoan mà tra khảo mọi việc làm ra dưới trời; ấy là một việc lao khổ mà Đức Chúa Trời đã giao cho loài người để lo làm.

Cuối cùng ông kết luận là vô ích. Không có hiểu biết nào dù là qua kinh nghiệm, có thể làm ta thoả mãn. Cười cợt vui vẻ và hưởng thụ niềm vui trong đời, nhưng những thứ này không đưa ta đến mãn nguyện lâu bền, càng tham gia vào cuộc vui, ta lại càng thấy buồn và mất hứng thú. Vì bên ngoài Thượng Đế không có nơi nào cho ta an vui lâu bền.

Điểm thứ ba tác giả trình bầy là sự thỏa mãn trong lạc thú.

Ông đã nói đến phạm vi và phân loại lạc thú, sau đó là hệ thống sưu khảo của ông và cuối cùng là sự thỏa mãn. Cuộc theo đuổi lạc thú của ông mang tính cách trí thức, chính đáng và có hệ thống. Nhưng rồi ông bảo: Đoạn ta xem xét các công việc tay mình đã làm, và sự lao khổ mình đã chịu để làm nó; kìa, mọi điều đó là sự hư không và theo luồng gió thổi, chẳng có ích lợi gì hết dưới mặt trời." Tác giả cố xem thử liệu con người có thể tìm được thỏa mãn và hạnh phúc trường tồn, nghĩa là đặt mục tiêu của cuộc đời là thỏa mãn những thèm khát của mình. Ông kết luận: Hư không. Sứ-đồ Phao-lô về sau cũng viết: Nhưng người sống trong lạc thú dẫu sống cũng như chết. (1 Ti-mô-thê 5:6.) Nghĩa là không có thỏa mãn lâu bền trong thú vui trần gian.

Đặc tính của thú vui trần thế là người hưởng thụ lúc đầu thèm khát nhưng về sau chán ghét vì quá độ. Những ai thèm khát thú vui sẽ thấy trống rỗng khi cuộc vui tàn, khi những cơn xúc động đã hết, khi lòng tham đã thỏa thì trong tâm hồn chẳng còn gì nữa. Chính vì vậy mà con đường đi tìm lạc thú là vô cùng. Vì sau mỗi thú vui, người ta phải nghĩ ra thú vui khác hoặc hình thức nào lạ hơn cho thỏa mãn. Những gì làm ta thỏa mãn hôm nay, ngày mai sẽ không có tác dụng . Thú vui này dẫn đến thú vui khác và tội ác cũng theo đó mà gia tăng. Chúng ta cứ nghĩ rằng mình sẽ thỏa mãn là hạnh phúc, nhưng thèm khát lúc nào cũng gia tăng và đưa đến những điều tai hại.

Khi lấy khoái lạc làm mục đích của đời sống, ta sẽ trở thành nô lệ, thả mình trôi nổi theo những thú vui mà hậu quả vô cùng tai hại cho bản thân, gia đình và cả xã hội nữa. Nhiều khi thức tỉnh, muốn đứng lên làm lại cuộc đời, nhưng cuộc sống sa đọa đã quen nếp, lương tâm trở nên chai lỳ và tâm hồn vô cảm!!

Đó chính là ý nghĩa của chữ "Hư không" trong Truyền Đạo.

Ta nên nhớ điểm này, tác giả không bảo mọi người hãy tránh thú vui. Thật ra niềm vui của đời sống thật sự cũng do những cảm khoái tạo ra. Nụ cười là sức lực cho những cơn mệt nhọc. Tuy nhiên tác giả muốn dẫn chúng ta đến niềm vui thật, có giá trị và không phai tàn. Một loại niềm vui sâu kín trong tâm hồn, niềm vui của tâm linh khi được đến gần Chúa. Khi có niềm vui này, người ta sẽ không thèm khát lạc thú tạm bợ, giả trá và hư không của xã hội chung quanh. Niềm vui mà Chúa đem đến cho con người xuất phát từ tình thương, sự tha thứ tái tạo đời sống và bình an thỏa mãn. Bạn nên nhớ điều này: Tâm hồn chúng ta sẽ không bao giờ tim được thỏa mãn thật và lâu bền bên ngoài niềm tin đặt nơi Chúa. Hay nói khác đi, khi có Chúa làm chủ tâm hồn thì mọi thứ vui chơi trong đời đều trở thành vô nghĩa.

Vì Chúa là nguồn hạnh phúc, là sự sống, là phước hạnh vô biên của mỗi đời sống con người.