Sau khi đã thử sưu tầm khôn ngoan và hiểu biết để tìm thỏa mãn nhưng thắt bại, người Truyền Đạo bước sang một lĩnh vực khác, đó là làm việc. Làm việc chăm chỉ cần mẫn không có gì là quá đáng cả, cũng như là cố gắng đạt đến thành công, hoặc trở thành một người nào đó, thực hiện một công việc gì hữu ích hay là ghi được một thành tích nào ở đời. Nhưng người Truyền Đạo thấy trong đời có một triết lý sống bảo rằng: Chúng ta có thể hoạt động, có thể sống đầy đủ ý nghĩa mà không cần phải biết đến Đấng Tạo Hóa.
Nhà Truyền Đạo thấy rằng đeo đuổi khôn ngoan thật là hợp lý, nhưng dù cho khôn ngoan đến đâu chăng nữa cũng chẳng đem lại thỏa mãn lâu dài. Ông ta cũng nhận thấy rằng dù cho có tìm đủ cách để hưởng lạc thú trong đời thí cũng chỉ được chốc lát rồi lại hết, cuộc đời vẫn hoàn toàn trống rỗng. Còn lao động thì sao? Có đem lại thỏa mãn không?
Người Truyền Đạo nói: Ta làm những công việc cả thể; ta cất nhà cho mình, trồng vườn nho cho mình, lập cho mình vườn cây trái và vườn hoa, và trồng cây trái đủ thứ ở đó; ta đào hồ chứa nước đặng tưới rừng, là nơi cây cối lớn lên. Ta mua những tôi trai tớ gái, lại có nhiều đầy tớ sanh ra trong nhà ta. Ta có bầy bò và chiên nhiều hơn hết thảy những người ở trước ta tại Giê-ru-sa-lem. Ta cũng thâu chứa bạc vàng, và những vật báu của các vua, các tỉnh. Ta lo sắm cho mình những con hát trai và gái, cùng sự khoái lạc của con trai loài người, tức là nhiều vợ và hầu. Như vậy ta trở nên cao trọng hơn hết thảy những người ở trước ta tại Giê-ru-sa-lem; dầu vậy, sự khôn ngoan vẫn còn ở cùng ta. Ta chẳng từ điều gì mắt mình ước ao, cũng chẳng cấm điều gì lòng mình ưa thích; vì lòng ta vui vẻ vì mọi công lao của ta; và đó là phần ta đã được trong mọi công lao ta. Đoạn ta xem xét các công việc tay mình đã làm, và sự lao khổ mình đã chịu để làm nó; kìa, mọi điều đó là sự hư không và theo luồng gió thổi, chẳng có ích lợi gì hết dưới mặt trời. (2:4-11)
Có bốn điều liên quan đến lao động mà nhà Truyền Đạo đề cập đến:
1. Siêng năng. Muốn thành công ai cũng phải mạo hiểm một chút. Người mà lúc nào cũng phải xem gió, xem mưa hay là đợi cho đến ngày hoàn toàn đẹp trời mới gieo hạt, thì người ấy chẳng gieo trồng gì được. Nếu không có một niềm tự tin để mạo hiểm một chút thì chẳng bao giờ đạt đến một mục đích nào cả. Nhà Truyền Đạo đưa ra hai thí dụ, đó là gió và cây. Gió lúc nào cũng thổi, ta không biết gió từ đâu đến và sẽ đi về đâu. Ta cũng không thể nào kiểm soát hay tiên đoán được hướng gió chính xác. Một cây to khi đổ xuống, có thể nằm theo hướng nam hay hướng bắc, cây đó không cần phải theo ý kiến của một người nào cả. Tương tự như vậy, trong đời có những việc mà ta không tiên đoán được hay nhìn thấy hậu quả được, nhưng không phải vì thế mà cứ chờ đợi cho hoàn cảnh thuận lợi nhất, vì như vậy sẽ không bao giờ làm được việc gì. Siêng năng lao động rát dáng khuyến khích, vì đó là một trong các yếu tố đưa đến thành công. Lời khuyên là phải bắt lấy cơ hội là hành động, đừng ngần ngại hay trì hoãn do dự. Đó là lối làm việc lý tưởng. Tuy nhiên sau khi đã siêng năng làm đủ mọi việc, tác giả thấy rằng nếu đặt Chúa ra ngoài cuộc đời minh thì tất cả cũng chỉ là hư không mà thôi.
2. Kỷ luật. Tính kỷ luật bao giờ cũng được thưởng xứng đáng. Ông nói: vì lòng ta vui vẻ vì mọi công lao của ta; và đó là phần ta đã được trong mọi công lao ta. Chẳng gì tốt cho người hơn là ăn, uống, khiến linh hồn mình hưởng phước của lao khổ mình. Ta xem thấy điều đó cũng bởi tay Đức Chúa Trời mà đến. (2:10 và 24)
Trong lối sống kỷ luật và sáng tạo ta gặt hái được những phần thưởng quý hóa. Những sáng kiến, những gì ta có thể tạo ra được bao giờ cũng làm ta thỏa mãn. Nhưng một điều thường làm hỏng các mục đích theo đuổi ở đời là chúng ta đòi hỏi nhiều quá, và thường quên những giới hạn trong mọi lĩnh vực. Công việc của bàn tay thật ra chẳng bao giờ cho chúng ta cái thỏa mãn cần thiết. Niềm vui sáng tạo cũng một thời gian sẽ tàn. Thích thú sẽ tan đi sau khi giấc mơ đã thành hiện thực. Nhà Truyền Đạo rất thực tế, ông nói rằng: Kìa, ta đã nhìn thấy rằng ăn, uống, và hưởng phước của sự lao khổ mình làm ở dưới mặt trời trọn trong những ngày mà Đức Chúa Trời ban cho, ấy thật là tốt và hay; vì đó là kỷ phần mình. Hễ Đức Chúa Trời ban cho người nào giàu có, của cải, làm cho người có thế ăn lấy, nhận lãnh kỷ phần, và vui vẻ trong công lao của mình, ấy là một sự ban cho của Đức Chúa Trời; nhân người sẽ ít nhớ những ngày của đời mình; vì Đức Chúa Trời ứng đáp người bằng sự vui mừng trong lòng người. (5:18-20)
Như thế niềm vui thật sự là do Chúa ban cho. Người nào tìm thỏa mãn trong hoàn cảnh sống của mình, chính là người sung sướng, vì niềm vui đến từ Chúa chứ không từ những gì ta có trong đời. Tại sao chúng ta có thể nói như vậy? Vì những người chạy theo tiền của, danh vọng, quyền lực khi đã đạt đến, vẫn khao khát một thứ gì khác, hay một nấc thang cao hon. Những ai bằng lòng với những gì Chúa đã ban cho, thì có phước hạnh thật. Chúa cũng cho chúng ta cái thỏa mãn và niềm vui khi mình lao động sáng tạo nữa. Người nào nhận thức như vậy sẽ thật sự thỏa mãn.
Chương 5: 20 ghi: nhân người sẽ ít nhớ những ngày của đời mình; vì Đức Chúa Trời ứng đáp người bằng sự vui mừng trong lòng người. Câu này có thể diễn ý là: Người nào làm như vậy sẽ không nhìn vào quá khứ mà đau buồn, vì Đức Chúa Trời đã cho người ấy niềm vui trong tâm hồn.
Những ngày chúng ta sống đây nếu chúng ta hưởng được niềm vui từ Chúa ban cho, niềm vui tha thứ, tái tạo, niềm vui làm một con người sáng tạo, chúng ta sẽ không nhìn lại quá khứ mà luyến tiếc, tủi hờn, vì những ngày đã qua không bao giờ trở lại và khi Chúa làm chủ cuộc đời thì ta thật sự có niềm vui.
3. Đạt đến sự phân biệt. Tác giả sách Truyền Đạo cho thấy rằng siêng năng đáng khuyến khích, kỷ luật thì được thưởng và sự phân biệt đúng sai cũng cần đạt đến. Người viết sách Truyền Đạo đúng là một thương gia thành công : Ta làm những công việc cả thể; ta cất nhà cho mình, trồng vườn nho cho mình, lập cho mình vườn cây trái và vườn hoa, và trồng cây trái đủ thứ ở đó; ta đào hồ chứa nước đặng tưới rừng, là nơi cây cối lớn lên. (2:4-6) Ông ta sống trong cảnh giàu sang không thiếu thốn điều gì, vì ông ta nói:
Như vậy ta trở nên cao trọng hơn hết thảy những người ở trước ta tại Giê-ru-sa-lem; dầu vậy, sự khôn ngoan vẫn còn ở cùng ta
.(2:9) Nghĩa là vẫn còn biết phân biệt phải trái, khôn dại.
Nhiều người trong đời này vì đã bỏ hết công sức của đôi tay và khả năng của trí óc để đạt đến thành công, để xây dựng, thu hái quả trái và niềm vui của sức lao động, hưởng lấy niềm thỏa mãn vì đã năng nổ làm việc, nhưng vẫn nhìn lại tất cả công trình mình làm nên mà bảo rằng: "Đúng là hư không, vô ích!" Có được nhận xét như thế mới là người biết giá trị của lao động.
4. Chán chường. Giữa những điều như siêng năng, kỷ luật, biện biệt còn có chán nản. Tác giả nói:
Đoạn ta xem xét các công việc tay mình đã làm, và sự lao khổ mình đã chịu để làm nó; kìa, mọi điều đó là sự hư không và theo luồng gió thổi, chẳng có ích lợi gì hết dưới mặt trời. (2:11) và:
Bởi Đức Chúa Trời ban sự khôn ngoan, thông sáng, và vui vẻ cho kẻ nào đẹp lòng Ngài; nhưng Ngài khiến cho kẻ có tội phải lao khổ mà thâu góp chất chứa, để rồi ban cho người đẹp lòng Đức Chúa Trời. Điều đó cũng là sự hư không, theo luồng gió thổi. (2:26).
Đây là nhận xét của một người đã tìm đến giá trị thậït trong Chúa, vì bên ngoài Chúa, dù có thành tâm nỗ lực lao động đến mấy cũng là công dã tràng.
Tác giả còn nhận thấy rằng lao động chân thành đôi khi còn làm nẩy sinh ra ganh tỵ và tinh thần tranh đua nữa, ông bảo: Ta cũng thấy mọi công lao và mọi nghề khéo là điều gây cho người nầy kẻ khác ganh ghét nhau. Điều đó cũng là sự hư không, theo luồng gió thổi. (4:4) Nghĩa là người chăm chỉ làm việc đạt đến thành công cũng có điểm chán chường là bị kẻ khác không ưa. Mặt khác, vì thành công, nhiều người chạy theo tiếng khen của đời và chỉ làm việc để được người khác ca tụng. Lao động để được tiếng khen hay bằng tưởng lệ là chuyện viển vông không đáng bỏ công sức. Khi không ai nhìn thấy hay khen ngợi, có lẽ không muốn cố gắng làm gì. Đây cũng là một điều chán chường khác.
Một điểm chán chường thứ ba là "say sưa lao động", tác giả bảo:
Mọi sự lao khổ của loài người là vì miệng mình, song không hề được thỏa nguyện. Người khôn ngoan hơn chi kẻ ngu muội? Người nghèo biết đạo ăn ở trước mặt người ta, nào có ích chi? (6:7,8)
Kiếm ăn và không bao giờ thỏa mãn là một chu kỳ thảm thương của đời sống. Ông thêm:
Sự gì thấy bằng mắt hơn là sự tham muốn buông tuồng; điều đó lại là một sự hư không, theo luồng gió thổi. (6:9)
Lòng tham thúc đẩy người ta mãi trên con đường thành đạt, nhưng không bao giờ thỏa mãn và không bao giờ muốn dừng lại. Người làm ra tiền là người không có thời gian để ngủ nghỉ. Người ấy luôn luôn chạy ngược chạy xuôi, tìm thế này cách khác, tác giả nhận xét: Khi ta chuyên lòng để học biết sự khôn ngoan, để hiểu mọi việc làm ra trên đất, thì ta thấy có người ngày và đêm không cho mắt ngủ, (8:16); Vì các ngày người chỉ là đau đớn, công lao người thành ra buồn rầu; đến đỗi ban đêm lòng người cũng chẳng được an nghỉ. Điều đó cũng là sự hư không. (2:23) Đó là một điều làm cho cuộc đời lao động trở thành làm nô lệ. Người như thế đã chạy theo lòng tham không đáy và thèm khát thành công.
Tác giả quan sát thêm và nhận xét: Ta bèn xây lại xem thấy sự hư không ở dưới mặt trời:
Nầy một người cô độc, chẳng có ai hoặc con trai hay là anh em; dầu vậy, lao khổ nó không thôi, mắt nó không hề chán của cải; nó không hề nghĩ rằng: Vậy ta lao khổ, ta bắt linh hồn nhịn các phước là vì ai? Điều đó cũng là hư không, thật là công việc cực nhọc. (4:7,8) Đây là hình ảnh một người bị công việc đuổi chạy đến nỗi không còn thời gian cho ai hay cho mục đích nào khác. Nếu có gia đình, anh ta cung ứng đầy đủ tiền bạc, tiện nghi, nhưng không có thời gian cho vợ, cho con. Công việc của anh ta trở thành thần thánh, thành chủ ông của cuộc đời anh ta. Anh ta chẳng có quan hệ nào thân thiết với ai, chẳng anh em, con cái cũng chẳng gia đình.
Kết quả của cuộc đời như thế được ghi như sau:
Ta cũng ghét mọi công lao ta đã làm ở dưới mặt trời, vì phải để lại cho người sau mình. Vả, ai biết rằng người ấy sẽ khôn ngoan hay là ngu dại? Dầu thế nào, hắn sẽ cai quản mọi việc ta đã lấy sự lao khổ và khôn ngoan mà làm ở dưới mặt trời. Điều đó cũng là hư không. Bởi cớ ấy ta trở lòng thất vọng về mọi công việc ta đã lao khổ mà làm ở dưới mặt trời. Vì có người làm công việc mình cách khôn ngoan, thông sáng, và tài giỏi, rồi phải để lại làm cơ nghiệp cho kẻ chẳng hề lao khổ làm đến. Điều đó cũng là một sự hư không và một sự tai nạn lớn.( 2:18-21)
Tại sao tác giả lại có tâm trạng như vậy?
Những người đặt ra các chương trình hoạt động của đời mình nhiều khi quên hẳn rằng còn có những giới hạn. Giới hạn của thời gian sống. Dù tham lam chắt bóp ngày đêm, dù tiền rừng bạc bể, quyền thế danh vọng, cũng không tránh khỏi một ngày nằm xuống và để lại tất cả. Nếu chỉ nghĩ đến của cải, danh vọng, những thành công do lao động đưa đến như là cứu cánh của cuộc đời, thì một ngày nào đó, trước khi tắt nghỉ, ta sẽ chán nản và rất tuyệt vọng. Những người không tin Chúa, chắc chắn sẽ mang tâm trạng như thế, vì không có một ý niệm nào về vĩnh hằng cả.
Thượng Đế là Đấng Vĩnh Hằng, vì vậy Ngài đã ban cho loài người các giá trị vĩnh hằng nữa chứ không phải chỉ những gì ta thấy được mà thôi. Khi tin nhận Chúa, tâm hồn ta được an bình, hi vọng và tràn ngập một thứ tình thương mà không gì trong đời có thể đánh đổi được. Ngay đến niềm vui cũng vậy. Những ai tin nhận Chúa, biết rõ có một niềm vui không diễn tả được, vì Chúa làm chủ đời sống và mọi sự việc trong đời ta ký thác trong tay Chúa. Ta không còn lo lắng, u sầu, mặc dù hoàn cảnh không có gì là vui cả. Đây chính là giá trị mà nhà Truyền Đạo muốn cho người đọc nhận thấy và chạy đến để hưởng lấy.
Mời bạn hãy bình tâm suy nghĩ và đến với Chúa để cuộc đời bạn sẽ không bao giờ phải tuyệt vọng.