"Tôi luôn tạ ơn Đức Chúa Trời tôi mỗi khi nhớ đến anh trong lời cầu nguyện, vì tôi nghe về đức tin trong Chúa Giê-xu và tình yêu thương của anh đối với tất cả thánh đồ" (câu 4-5, NIV-VPNS).
Câu hỏi suy ngẫm: Những nhân vật chính trong thư là ai? Thư viết với mục đích gì? Lời lẽ trong thư tín này bày tỏ tâm tình của người viết như thế nào? Bạn học được gì về tâm tình của người viết thư và từ đức tin cũng như lòng yêu thương của người nhận thư?
Thư Phi-lê-môn là bức thư riêng, chan chứa tình cảm và lòng yêu thương của một sứ đồ đang lâm vòng tù tội vì Chúa Giê-xu, gửi cho ông Phi-lê-môn, một địa chủ người Hy Lạp giàu có ở Cô-lô-se. Có lẽ ông Phi-lê-môn đã cải đạo do chức vụ của Sứ đồ Phao-lô, sau đó trở về thành lập Hội Thánh tại Cô-lô-se. Bởi sự bức hại vào thời kỳ Hội Thánh đầu tiên và kinh phí xây dựng nhà thờ rất đắt, vì thế các tín hữu của thời kỳ ấy thường họp ở nhà riêng. Số lượng từng nhóm tín hữu không nhiều, đủ để thờ phượng Đức Chúa Trời trong một ngôi nhà. Nhà của ông Phi-lê-môn là một trong những điểm nhóm của Hội Thánh đầu tiên ở Cô-lô-se. Sứ đồ Phao-lô xem ông Phi-lê-môn là người bạn rất yêu dấu, cùng làm việc với ông (câu 1).
Giống như những địa chủ giàu có khác, trong nhà ông Phi-lê-môn có nhiều nô lệ. Ông Ô-nê-sim là một trong những nô lệ của ông Phi-lê-môn. Ông Ô-nê-sim đã chạy trốn khỏi chủ và đi đến Rô-ma, tại đây, ông đã gặp Sứ đồ Phao-lô và trở thành môn đệ của Chúa Giê-xu. Sứ đồ Phao-lô giúp cho ông Ô-nê-sim hiểu rằng chạy trốn không giải quyết được nan đề của ông và khuyên ông quay trở về với chủ. Đồng thời, Sứ đồ Phao-lô viết thư này với lời lẽ cẩn trọng để thuyết phục ông Phi-lê-môn trong tình yêu thương tiếp nhận ông Ô-nê-sim trở lại.
Dù Sứ đồ Phao-lô chẳng bao giờ đến Cô-lô-se, nhưng ông nghe nói về lòng tin cậy của ông Phi-lê-môn nơi Chúa Giê-xu và tình yêu thương ông dành cho tất cả những người thuộc về Đức Chúa Trời. Đức tin và tình yêu thương luôn kết chặt với nhau trong cuộc đời của người tin Chúa Giê-xu. Thường thì Sứ đồ Phao-lô nói đến đức tin trước, nhưng ở đây ông nói đến tình yêu thương trước (câu 5) với ngụ ý rằng nếu ông Phi-lê-môn yêu thương tất cả anh chị em trong Đấng Cơ Đốc, có nghĩa là ông cũng yêu thương người nô lệ phạm tội của ông, bởi giờ đây người nô lệ Ô-nê-sim là một Cơ Đốc nhân. Những điều Sứ đồ Phao-lô nói và làm, cũng như những điều ông yêu cầu ông Phi-lê-môn làm thể hiện lòng rộng lượng và sự ban cho hào phóng phát xuất tình yêu thương của con cái Đức Chúa Trời. Cơ Đốc nhân chăm lo cho nhau vì họ thuộc về nhau và tất cả thuộc về Đấng Yêu Thương là đầu Hội Thánh.
Bạn nghĩ và hành động thế nào nếu có người nào đó gây tổn hại cho bạn, và Đức Chúa Trời muốn bạn tha thứ và phục hồi quan hệ với người này?
Lạy Chúa, xin giúp con tha thứ cho người khác như Ngài đã tha thứ cho con. Xin giúp con làm mới lại mối quan hệ với họ hầu mối quan hệ giữa con với Ngài càng sâu đậm hơn.
(c) 2024 svtk.net