"Phước cho những người làm cho người hòa thuận, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời!" (Ma-thi-ơ 5:9).
Câu hỏi suy ngẫm: Bằng cách nào Sứ đồ Phao-lô thuyết phục ông Phi-lê-môn đi "thêm một dặm nữa" với ông, tức là tiếp nhận ông Ô-nê-sim trở lại, và đối xử như một người anh em trong Chúa Giê-xu? Vì sao chúng ta nói rằng Sứ đồ Phao-lô là người hòa giải? Nếu là ông Phi-lê-môn, bạn sẽ hành xử thế nào khi nhận được thư của Sứ đồ Phao-lô?
Sứ đồ Phao-lô không có ý phê bình chế độ nô lệ vào thời kỳ của ông hay nhân danh công lý làm cuộc cách mạng để giải phóng nô lệ, ông cậy vào tình thương của Đức Chúa Trời chan chứa trong lòng những Cơ Đốc nhân như chính ông và ông Phi-lê-môn, cùng những lời lẽ tế nhị và khôn ngoan của một người hòa giải để thuyết phục ông Phi-lê-môn tiếp nhận ông Ô-nê-sim trở lại như một người anh em trong Chúa Giê-xu. Sứ đồ Phao-lô đang thực hiện công việc tế nhị của một người hòa giải.
Dù là một nô lệ, nhưng "giờ đây" ông Ô-nê-sim đã khác "trước kia." Sự biến đổi lạ lùng xảy ra khi ông Ô-nê-sim ăn năn tiếp nhận Chúa Giê-xu là Chúa Cứu Thế của riêng mình. Người nô lệ bỏ trốn này là người mới trong Ngài. Đối với ông Phi-lê-môn, thư tín này là một cành ô-liu của sự hòa giải; đối với ông Ô-nê-sim đây là văn tự của tự do. Sứ đồ Phao-lô gọi người nô lệ này là con của ông trong đức tin, để nhắc ông Phi-lê-môn rằng ông Ô-nê-sim giờ đây là anh em cùng đức tin với ông. Lối chơi chữ trong câu 11 dựa trên ý nghĩa của tên Ô-nê-sim: "hữu dụng." Nói cách khác, ông Ô-nê-sim giờ đây trở nên hữu ích cho chức vụ của Sứ đồ Phao-lô tại La Mã. Charles Swindoll nói rằng: "Đức Chúa Trời sử dụng những chiếc bình sứt mẻ, vấy bẩn, nứt bể, tội lỗi và đáng thương để một lần nữa khiến chúng thành nguyên vẹn, hữu dụng và đầy sự tha thứ."
Thư Phi-lê-môn là một thư vô giá, bày tỏ tấm lòng yêu thương và chân tình của Sứ đồ Phao-lô. Dù không phải là thư giãi bày về những giáo lý Cơ Đốc, nhưng thư này giúp chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa của giáo lý về sự đồng nhất hóa và sự quy tội. Trước mặt Đức Chúa Trời chúng ta là những nô lệ đang chạy trốn, là những kẻ vi phạm luật pháp và phản loạn, nhưng Chúa Giê-xu tha thứ cho chúng ta bằng cách treo thân Ngài trên cây thập tự để đền trả tội lỗi thay chúng ta, khiến đời sống chúng ta hòa nhập vào đời sống của Ngài. Đây là giáo lý về sự quy tội. "Nhược bằng người có làm hại anh hoặc mắc nợ anh điều chi, thì hãy cứ kể cho tôi" (câu 18). Chúa Giê-xu nói với chúng ta "Tội của các con, cứ kể là tội của Ta và Ta chết vì tội các con." Khi đó sự công chính của Ngài được kể là sự công chính của chúng ta.
Nếu có hai người anh em cùng đức tin với bạn đang bất hòa với nhau, bạn có thể làm gì để đem hai người đó trở lại với nhau?
Lạy Chúa, xin giúp con trở nên người giải hòa để hàn gắn những mối quan hệ đổ vỡ trong Hội Thánh của con.
(c) 2024 svtk.net