Người Truyền Đạo nói:
Phàm sự gì có thì tiết; mọi việc dưới trời có kỳ định. Có kỳ sanh ra, và có kỳ chết; có kỳ trồng, và có kỳ nhổ vật đã trồng; Có kỳ giết, và có kỳ chữa lành; có kỳ phá dỡ, và có kỳ xây cất; có kỳ khóc, và có kỳ cười; có kỳ than vãn, và có kỳ nhảy múa; có kỳ ném đá, và có kỳ nhóm đá lại; có kỳ ôm ấp, và có kỳ chẳng ôm ấp; có kỳ tìm, và có kỳ mất; có kỳ giữ lấy, và có kỳ ném bỏ; có kỳ xé rách, và có kỳ may; có kỳ nín lặng, có kỳ nói ra; có kỳ yêu, có kỳ ghét; có kỳ đánh giặc, và có kỳ hòa bình. Kẻ làm việc có được ích lợi gì về lao khổ mình chăng?
Con người quá nhỏ bé trong không gian và đời người còn quá ngắn ngủi trong thời gian nữa.
Cuộc đời như lớp sóng biển khi lên khi xuống. Có lúc việc này xảy ra có khi việc kia xuất hiện. Có lúc gieo có khi gặt. Việc gì thoạt đầu cũng có vẻ êm xuôi, nhưng rồi cái êm xuôi đó lại có trục trặc, khó chịu, sóng gió. Bản tính con người là thích nhịp độ, thích thay đổi khác biệt. Người ta cũng thích có hệ thống. Nhưng dù có hệ thống tới đâu người ta cũng chẳng bằng lòng. Đoạn Kinh-thánh vừa kể không bảo ta là nên theo đúng dịp mà hoạt động. Đoạn Kinh-thánh này chỉ muốn nói rằng chúng ta không thể làm điều mình muốn, thực hiện được chương trình kế hoạch mình đặt ra, vì giới hạn của thời gian. Chúng ta không chọn thời gian mà thật ra thời gian chọn chúng ta. Chúng ta không chọn ngày mình sinh ra, cũng không thể chọn ngày mình chết. Đoạn Kinh-thánh này cho thấy tính cách tàn nhẫn của thời gian. Thời gian thống trị trên đời người. Thời gian kiểm soát mọi hoạt động và vạch ra những gì ta phải ứng phó. Chúng ta thường không chọn được hoàn cảnh, nhưng hoàn cảnh vẫn đến, chúng ta không biết mà cũng không lường trước được.
Nhà Truyền Đạo nêu lên một vài điều cho ta suy xét để thấy rằng chúng ta là nạn nhân của thời gian hay là bị thời gian trói buộc. Nhưng bên ngoài thời tian là gì, là cõi vĩnh cửu, là nơi Thượng Đế ngự. Vào được cõi vĩnh cửu là thoát khỏi bị thời gian chế ngự, là được giải phóng, là trẻ mãi vì đời sống sẽ không bao giờ phai tàn.
Căn cứ vào các câu Kinh-thánh nói về thời gian trong chương 3 của sách Truyền Đạo, chúng ta có thể nhận định rằng:
1. Chúng ta không có dịp để quyết định về những gì mình phải đối đầu ở đời. Người nào đặt ra những nguyên tắc cứng nhắc cho cuộc đời mình không có lối thoát trong hành động, người ấy sẽ không bao giờ chịu nổi áp lực của cuộc đời, và không thể hiểu đời được. Chúng ta phải cảnh giác về những bất ngờ, những biến chuyển của đời sống, vì chúng ta không kiểm soát được hoàn cảnh hay thời gian mình sống. Chúng ta cần sống ngay giây phút này, bây giờ, vì dù muốn dù không, chúng ta cũng vẫn phải sống.
Không có gì chúng ta đeo đuổi ở đời mà bền vững mãi. Truyền Đạo thường nhắc đến cụm từ "dưới ánh mặt trời" như để nhắc rằng cuộc đời này thật là tạm bợ, sáng nở tối tàn theo ánh mặt trời. Trong cái khung thời gian của đời sống không có gì ta theo đuổi mang được tính chất bền vững. Đỗi thay là tất yếu và không thể tránh được. Có thời sinh ra, có thời chết đi; có lúc gieo, có lúc gặt. Như vậy chúng ta phải có thái độ nào? Chúng ta phải tận dụng những thời gian mình có.
Trong đời ai cũng có những khoảng thời gian như nhau. Người tin Chúa hay người vô tín cũng vậy cả. Nhưng ai tin Chúa biết quý thời gian và tận hưởng trong niềm cảm tạ Chúa. Còn người vô tín có cuộc đời trống rỗng, vì dù lao động cực nhọc, vẫn không hay rằng tất cả những gì ta làm được đề do ơn trên ban cho. Thượng Đế nhân từ thương xót nhìn thấy mỗi người và cầm cân nẩy mực cho mỗi cuộc đời. Người tin Chúa còn biết rằng mình thuộc về Chúa, tức là thuộc giá trị vĩnh hằng. Thời gian đối với người tin Chúa không còn là kẻ thù mà là cơ hội. Đây chính là điểm khác biệt và ta có thể lựa chọn khi ta còn có thể chọn lựa nhu thế.
Thời gian không phải là bất ngờ. Sống bên ngoài Thượng Đế người ta đeo đuổi những mục đích tạm bợ và đổi thay. Nhưng không biết rằng đằng sau thành công hay thất bại, đằng sau hoàn cảnh vẫn là Thượng Đế. Đối với Thượng Đế không có gì là bất ngờ cả. Tất cả đều có mục đích, có chủ trương. Thời gian không phải là kẻ thù cướp đi tuổi xuân, sức mạnh và sự sống nếu ta biết trật tự, mục đích và ý nghĩa của mỗi sự việc. Chúng ta không tránh thời gian được và cũng không thể sống vô nghĩa. Trong những câu ta đọc hôm nay tác giả nêu lên 14 loại hoạt động của Thượng Đế trên đời này. Nghĩa là Thượng Đế chế ngự trên thời gian, không có gì bất trắc cả. Người tin Chúa tin rằng Chúa là Đấng Chủ Tể. Chúa hướng đẫn mỗi đời sống tin Ngài đến các bến bờ tốt nhất của cuộc đời.
Vì thế nếu tin Chúa ta sẽ không thấy đổi thay mà ngỡ ngàng, vì Chúa thành tín không bao giờ bỏ ta, mặc dù hoàn cảnh có là gì chăng nữa.
Câu 11 nhà Truyền Đạo nói: Ngài lại khiến cho sự đời đời ở nơi lòng loài người. Nghĩa là Thượng Đế đặt ý thức vĩnh cửu vào tâm hồn người. Chính vì vậy mà ta mới sống được. Chúng ta làm việc như mình không bao giờ chết và lúc nào cũng cảnh giác rằng mình có thể chết bất cứ lúc nào. Sống như thế sẽ không tuyệt vọng.