"Hãy mạnh dạn và can đảm! Đừng sợ, đừng kinh khiếp trước mặt các dân tộc đó, vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em đi với anh em; Ngài chẳng lìa khỏi anh em, chẳng từ bỏ anh em đâu" (câu 6 BTTHĐ).
Câu hỏi suy ngẫm: Ông Môi-se giảng bài nầy vào thời điểm nào? Chúa cho ông Môi-se biết tình trạng của người Ít-ra-ên thế nào sau khi ông qua đời? Ông chuẩn bị gì cho tình trạng đó? Ông khích lệ ông Giô-suê và người Ít-ra-ên thế nào? Đặt mình vào tâm trạng và hoàn cảnh của ông Môi-se lúc nầy, bạn nghĩ gì về Chúa? Về ông Môi-se? Bạn áp dụng điều học được vào đời sống hằng ngày thế nào?
Chuyển tiếp từ cũ sang mới không thể nào tránh khỏi những thách thức. Suốt thời gian dài, người Ít-ra-ên không biết nhà lãnh đạo nào khác ngoài ông Môi-se. Giờ đây, vị lãnh tụ vĩ đại có một không hai trong lịch sử người Ít-ra-ên sắp chuyển giao quyền lực cho người kế nghiệp, để về cõi vĩnh hằng. Người Ít-ra-ên học được bài học không một lãnh tụ nào tồn tại vĩnh viễn, mọi quyền lực ở cõi thế rồi sẽ qua đi. Chỉ có lời hứa về sự hiện diện của Đức Chúa Trời (câu 3, 6, 8) và Luật Pháp của Ngài tồn tại mãi mãi (câu 9-13).
Dù thế sự có đổi dời, dù quyền lực không tồn tại vĩnh viễn, nhưng sự hiện diện của Đấng hôm qua, ngày nay và cho đến đời đời không hề thay đổi sẽ luôn là chỗ nương cậy vững bền cho chúng ta. Có người nói rằng: "Sự an ninh không có nghĩa là không có nguy hiểm, nhưng có sự hiện diện của Đức Chúa Trời thì bất kể hiểm nguy." Vì thế, trước những thay đổi quá nhanh của thế giới hiện đại, chúng ta cũng không phải lo sợ khi biết rằng Đức Chúa Trời đang dẫn chúng ta vào tương lai. Thay vì nghĩ về tương lai với sự lo âu, thì chúng ta "vững lòng, bền chí" đối diện với tương lai (câu 6, 7, 23).
Ông Môi-se có thể thất vọng khi Chúa cho biết sau 40 năm dẫn dắt dân tộc ông, họ vẫn và sẽ bất trung với Đức Chúa Trời (câu 16). Dù nỗi đau ẩn sâu trong lòng thì ông Môi-se vẫn trung tín khích lệ họ rằng Chúa sẽ luôn hiện diện, dẫn dắt họ vào vùng đất Ngài hứa với tổ phụ họ. Tại sao trong họ có sự thay đổi dẫn đến bội đạo thay vì sùng đạo? Vì khi vui hưởng sự thịnh vượng họ quên nguyên do, nguồn gốc của cuộc sống tốt lành mà họ có được từ đâu (câu 20). Sự an nhàn, gia đình ổn định, sự thờ phượng Chúa ngày càng dễ dàng hơn lại trở thành những mục tiêu của sự bất trung trong cuộc sống. Điều trở thành những mối nguy cho người Ít-ra-ên cũng như chúng ta là khi không còn quan tâm, hướng lòng đến Luật Pháp và tuân giữ Lời Chúa. Đây là lý do Lời ban sự sống trở thành sứ điệp của sự đoán phạt (câu 26).
Chúng ta luôn đối diện với sự thay đổi đang xảy ra từng giờ, từng ngày quá nhanh chóng trong nhiều lãnh vực. Trong bối cảnh như thế, sự thành công hay thất bại sẽ tùy thuộc cách chúng ta đáp ứng với sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời và có ở trong sự hiện diện của Ngài hay không. Những thay đổi nào khiến bạn sợ hãi hay lo lắng hơn hết? Hãy để cho lời hứa của Đức Chúa Trời và sự hiện diện của Ngài khích lệ và làm cho bạn vững mạnh.
Lạy Chúa, xin giải phóng con khỏi những sợ hãi vì những đổi thay của thế giới bên ngoài. Nguyện con luôn an toàn và vững lòng tin cậy Ngài vì Ngài hứa ở với con.
(c) 2024 svtk.net