"Các thanh niên của Đa-vít quay trở về. Đến nơi, họ thuật lại tất cả những lời ấy cho Đa-vít nghe... Đa-vít đã nói: Thật uổng công cho ta đã gìn giữ tất cả những gì của người này trong hoang mạc, đến đỗi không mất mát gì cả. Thế mà hắn lại lấy oán trả ơn" (câu 12, 21 BTTHĐ).
Câu hỏi suy ngẫm: Ông Na-banh có thái độ nào đối với những người ông Đa-vít sai đến gặp ông? Thái độ đó nói lên điều gì về ông Na-banh? Ông Đa-vít phản ứng thế nào? Điều gì ngăn ông Đa-vít không phạm tội? Khi giận, bạn sẽ hành động thế nào là tốt nhất?
Tác giả khởi đầu câu chuyện bằng sự qua đời của ông Sa-mu-ên. Là một quan xét tận tụy, ông Sa-mu-ên đã giải quyết biết bao vụ tranh chấp, khiếu kiện. Là một thầy tế lễ, ông đã cầu thay cho dân tộc ông và dâng sinh tế chuộc tội cho biết bao người. Là một tiên tri, ông đã xức dầu cho các vị vua, tư vấn cho họ và có khi ông bãi nhiệm họ. Đức Chúa Trời hành động qua ông Sa-mu-ên để thực thi các mục đích của Ngài cho người Ít-ra-ên. Ông đã trọn đời trung tín phục vụ Đức Chúa Trời theo như lời ước nguyện của mẹ ông. Cây đại thụ Sa-mu-ên ngã xuống chẳng những để lại sự thương tiếc cho toàn dân, mà còn khiến họ rúng động và tạo ra một tương lai bất ổn.
Tiếp theo, tác giả giới thiệu hai nhân vật mới: Ông Na-banh, một người giàu có nhưng gắt gỏng, hung ác, bủn xỉn và không phải là người khôn ngoan; và bà A-bi-ga-in, vợ ông Na-banh, người thông minh và xinh đẹp. Khi người của ông Đa-vít đến trình bày nhu cầu mong được sự giúp đỡ của ông Na-banh, thì lời đáp dại dột của ông vừa có ý nhục mạ ông Đa-vít, vừa tỏ ra thô lỗ với người của ông Đa-vít. Ông Na-banh còn giả vờ không biết ông Đa-vít đã giúp đỡ bảo vệ bầy chiên và người của ông khỏi quân cướp bóc. Khi biết được những điều ông Na-banh nói, ông Đa-vít nổi giận và triệu tập khoảng 400 người trang bị vũ khí với ý định sẽ tiêu diệt nhà ông Na-banh. Theo lẽ thường thì, những người nông dân được một nhóm người bảo vệ, sẽ cung cấp lương thực cho nhóm người đó để bày tỏ lòng biết ơn của họ và mong muốn được tiếp tục giúp đỡ. Nhưng ông Na-banh phớt lờ giúp đỡ cho nhóm quân của ông Đa-vít.
Vấn đề tai hại của ông Na-banh không chỉ là keo kiệt hay thiếu lòng rộng lượng, mà lại nói những lời kém khôn ngoan, khinh người. Làm như thế, ông đã gây tai hại cho bản thân, gia đình và cho nhiều người khác. Ông Đa-vít nổi giận và thiếu nhẫn nại trong trường hợp này, dù ông đã từng rất nhẫn nại với Vua Sau-lơ, nhưng Đức Chúa Trời đã hành động để ngăn ông Đa-vít không phạm điều ác. Ngài dùng bà A-bi-ga-in và khiến bà hành động nhanh nhẹn, khôn ngoan để làm thay đổi ý định của ông Đa-vít.
Bạn có lỡ nói lời dại dột nào hại cho mình, cho người khác chưa? Theo bạn, vì sao thái độ khinh người và sống keo kiệt không phải là nếp sống của Cơ Đốc nhân thật?
Lạy Chúa, cầu xin Ngài giúp con biết nói những lời khôn ngoan, gây dựng và sống yêu thương, tôn trọng người khác cùng có tấm lòng rộng lượng với những người có nhu cầu chính đáng.
(c) 2024 svtk.net