"Phi-lát hỏi Ngài: ‘Ngươi có phải là Vua người Do Thái không?’ Đức Chúa Giê-xu đáp: ‘Chính ngươi đã nói thế’" (câu 2 BTTHĐ).
Câu hỏi suy ngẫm: Vua người Do Thái trong câu 2 có nghĩa gì? Tại sao vị Vua này im lặng trước những lời cáo buộc của các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái và những lời gạn hỏi của Tổng đốc Phi-lát? Vị Vua này cảm nhận được điều gì trong cách người ta đối xử với Ngài? Bạn suy nghĩ gì trước cách người ta đối xử với Chúa Giê-xu?
Chúa Giê-xu xưng nhận Ngài là "Đấng Cơ Đốc" (Mác 14:61-62) nên Ngài đã bị giới lãnh đạo tôn giáo kết tội lộng ngôn. Ê-sai 45 mô tả về Đấng Cơ Đốc là người được Đức Chúa Trời xức dầu. Ngài có nhiệm vụ cứu chuộc dân của Đức Chúa Trời, Đấng đoán phạt trên keœ thù của Ngài, được trao quyền tể trị các nước, Ngài thật sự là Đức Giê-hô-va. Các thầy trương tế muốn giết Chúa Giê-xu nhưng họ không có thẩm quyền thực hiện, vì thế họ nộp Chúa Giê-xu cho Tổng đốc Phi-lát, người duy nhất có thẩm quyền tuyên án tử hình Ngài. Các lãnh đạo tôn giáo thừa hiểu Tổng đốc Phi-lát không quan tâm đến những tranh cãi mang tính tôn giáo mà là chính trị. Nhân cớ dân chúng đã tôn Chúa Giê-xu là Vua khi Ngài cưỡi lừa vào thành Giê-ru-sa-lem "Hô-sa-na! Phước cho Đấng nhân Danh Chúa mà đến, là Vua của Ít-ra-ên" (Giăng 12:13), họ đã cáo Ngài là Vua người Do Thái nhằm đẩy Ngài vào tội phạm chính trị.
Chúa Giê-xu đã xác nhận Ngài là Vua người Do Thái. Ngài đang thi hành chức vụ giải phóng dân Ngài, không phải bằng quân sự hay chính trị, mà là thập giá. Thái độ của Chúa Giê-xu làm Tổng đốc Phi-lát ngạc nhiên. Ông biết rõ Chúa Giê-xu không hề có ý lật đổ chế độ đương thời, Ngài bị nộp do lòng ghen ghét của các lãnh đạo tôn giáo. Nhưng vì thiếu trách nhiệm trong việc giữ sự công bằng, sợ gặp rắc rối với giới lãnh đạo tôn giáo và đoàn dân lần lượt đổ về Giê-ru-sa-lem dự lễ Vượt Qua, Tổng đốc Phi-lát đã chiều theo ý họ, tuyên án tử hình Chúa Giê-xu trong hình thức tàn nhẫn, đau đớn nhất.
Chắc hẳn Chúa Giê-xu rất đau buồn vì thái độ lộng hành, ghen ghét và độc ác của giới lãnh đạo tôn giáo, sự dại khờ dễ bị khích động của đoàn dân. Những tên lính La Mã đem việc đăng quang Ngài để làm trò cười. Họ mặc áo điều và đội vương miện bằng gai cho Ngài. Họ cúi lạy vua Giu-đa với thái độ diễu cợt trong khi hành hạ Ngài cách tàn nhẫn, dùng cây sậy đánh vào đầu và nhổ trên Ngài. Sự yên lặng của Chúa Giê-xu đã ứng nghiệm lời tiên tri: "Người bị hiếp đáp, nhưng khi chịu sự khốn khổ chẳng hề mở miệng. Như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt, như chiên câm ở trước mặt kẻ hớt lông, người chẳng từng mở miệng" (Ê-sai 53:7). Vua người Do Thái sẽ trở lại, dũng mãnh như sư tử của Giu-đa, tiếp tục công việc của Ngài là xét đoán kẻ thù và cai trị trên muôn nước. Chúng ta có thể phẫn nộ trước sự sỉ nhục Chúa Giê-xu đã chịu, nhưng suy cho cùng là vì tội lỗi của mỗi người chúng ta đã giữ Chúa Giê-xu trên thập giá.
Nếu có mặt trong đoàn dân ngày ấy, bạn nghĩ mình sẽ làm gì với Vua người Do Thái? Và hôm nay bạn đang sống thế nào với Ngài?
Lạy Chúa Giê-xu! Chính con đã đóng đinh Vua của mình năm ấy! Xin tha thứ tội con. Giúp con không sống thỏa hiệp với những điều bất công và tiếp tục sống trong tinh thần chờ đợi ngày Chúa trở lại.
(c) 2024 svtk.net