"Bấy giờ Giô-na rất không đẹp lòng, và giận dữ" (câu 1)
Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao Tiên tri Giô-na nổi giận, đòi chết khi Chúa bày tỏ lòng vị tha trên dân thành Ni-ni-ve (câu 1, 3)? Ông mong đợi gì khi cất chòi và ngồi đợi (câu 5)? Chúa đã dạy cho Giô-na điều gì qua sự kiện dây dưa? Chúa muốn chúng ta có thái độ nào đối với người ác và sự cứu rỗi của họ? Bài học nầy tác động gì đến bạn?
Chương cuối của sách nầy khiến chúng ta ngạc nhiên vì sao Tiên tri Giô-na phản ứng gay gắt đối với công việc là lùng mà Đức Chúa Trời làm cho dân thành Ni-ni-ve (câu 1, 3). Mặc dù ông Giô-na biết bản chất của Chúa là nhân từ, thương xót, chậm giận, giàu ơn, và đổi ý không xuống tai vạ, ông vẫn mong đợi một kết quả là người dân hung ác ở Ni-ni-ve phải bị hủy diệt. Ông đã nghĩ rằng người Ni-ni-ve sẽ coi thường và nhạo báng những lời cảnh cáo của Chúa và rồi ông sẽ vui mừng chứng kiến cảnh họ bị hủy diệt thảm hại. Định kiến và tinh thần dân tộc hẹp hòi đã làm ông Giô-na không thỏa lòng trong chức vụ. Trong khi Chúa vui mừng vì người Ni-ni-ve ăn năn, Ngài rút lại sự đoán phạt trên họ, thì ông Giô-na lại đau khổ, bất bình và muốn chết. Ông Giô-na đã không hiểu được ý định tốt lành của Chúa cho dân thành Ni-ni-ve. Nếu Chúa thật sự muốn hủy diệt họ thì Chúa hẳn đã hành động, vì tội ác của họ quá rõ ràng. Khi Chúa sai ông Giô-na đi rao sự cảnh báo có nghĩa là Chúa đã cho họ cơ hội để ăn năn. Cư dân Ni-ni-ve sẵn lòng ăn năn vì Đức Chúa Trời làm việc trong lòng của họ. Chúng ta cần nhớ rằng, khi làm chứng chúng ta không nên dùng sức riêng vật lộn với người nghe để họ đáp ứng với tình yêu thương và ân sủng của Đức Chúa Trời, mà phải hợp tác với Chúa Thánh Linh là Đấng đi trước chúng ta và ban năng quyền để chúng ta cứu người.
Tiên tri Giô-na ngồi chờ đợi Ni-ni-ve bị giáng họa (câu 5b), thay vì mong đợi họ ăn năn. Trước sự gay gắt của ông, Đức Chúa Trời đáp lời cách nhẹ nhàng, "Giô-na, sao con tệ quá. Con thương tiếc một dây dưa, nhưng không thương xót một trăm hai mươi nghìn trẻ con thành nầy sao?" Câu chuyện về dây dưa bị tàn héo ở đây cho thấy tâm địa hẹp hòi của ông Giô-na. Câu chuyện cũng cho thấy yêu thương kẻ thù thật khó làm sao. Trong mỗi con người của chúng ta đều có một ít "con người của Giô-na." Chúng ta không vui khi thấy những người chúng ta không thích được thịnh vượng. Điều nầy chẳng những ngăn chúng ta đem phước hạnh đến cho người lận cận, mà còn ngăn phước hạnh của Đức Chúa Trời đổ trên chúng ta.
Mời bạn đọc Cô-lô-se 3:12-14 rồi tự hỏi mình có những phẩm chất nhân từ, thương xót và nhẫn nại được bày tỏ qua nếp sống hằng ngày như thế nào?
Lạy Chúa, xin ban cho con tình yêu thương vươn ra ngoài "thế giới" của riêng con. Xin giúp con yêu thương bằng hành động, chứ không chỉ bằng lời nói.
(c) 2024 svtk.net