“Thật vậy, khi còn ở với anh chị em, chúng tôi đã nói trước rằng chúng ta sẽ chịu bức hại. Và điều đó đã xảy ra, như anh chị em đã biết rõ” (câu 4 NIV-VPNS).
Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô muốn các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca quan tâm đến thực tế nào? Sứ đồ Phao-lô quan tâm đến họ như thế nào? Bạn quan tâm đến tân tín hữu trong Hội Thánh bạn thế nào? Đang khi Đức Chúa Trời hành động để nâng đỡ, giúp bạn sống thánh khiết và mạnh mẽ trong đức tin, bạn cộng tác với Ngài thế nào?
Đôi khi Phúc Âm được rao giảng giống như mời gọi tham dự vào một chuyến du lịch dài được tổ chức chu đáo, thoải mái, tiện nghi. Sứ đồ Phao-lô bác bỏ quan điểm rao giảng đó và khuyên các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca hãy thực tế. Vấn đề thực tế hơn hết ông cảnh báo và muốn họ lưu tâm là họ sẽ phải đối diện với sự bắt bớ, ngược đãi, bức hại. Khi tin nhận Chúa Giê-xu là họ tham dự vào cuộc chiến thuộc linh, vì vậy họ phải cảnh giác với những “kẻ cám dỗ” khiến họ từ bỏ đức tin (câu 5). Sứ đồ Phao-lô chịu nhiều gian khổ và làm việc hết sức mình để bảo đảm những người tin Chúa Giê-xu qua chức vụ của ông không bị Sa-tan dỗ dành. Ông cũng giúp họ và chúng ta hiểu được rằng tất cả Cơ Đốc nhân là những môn đệ của Cứu Chúa chịu đóng đinh trên cây gỗ.
Có ba lãnh vực khác mà Sứ đồ Phao-lô muốn các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca và chúng ta phải thực tế:
Thứ nhất, mối quan tâm của Sứ đồ Phao-lô. Ông không thể nào chịu nổi nếu không biết được những gì đang xảy ra cho các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca, đồng thời ông mong muốn khích lệ họ và được họ khích lệ trở lại. Vì vậy, Sứ đồ Phao-lô gửi ông Ti-mô-thê đến thăm viếng họ. Nhìn thấy người mà chúng ta đem trở lại với Chúa Giê-xu giữ vững và trưởng thành trong đức tin là niềm vui mừng lớn cho chúng ta.
Thứ hai, tạ ơn, khẩn nài. Sứ đồ Phao-lô chân thành cầu nguyện cho những người ông đưa đến với Chúa (câu 9, 10). Ông tạ ơn vì nhìn thấy người Tê-sa-lô-ni-ca tin Chúa Giê-xu và giữ vững đức tin dù ông phải rời họ đang khi đức tin họ còn non trẻ.
Thứ ba, ngày càng thánh khiết (câu 11-13). Sứ đồ Phao-lô mong muốn họ ngày càng trở nên thánh sạch trong cách ăn nết ở.
Cuối cùng (câu 11-13), Sứ đồ Phao-lô cầu xin Chúa “cho tình yêu thương của anh chị em được gia tăng, tha thiết yêu thương nhau và yêu thương mọi người như chúng tôi yêu thương anh chị em vậy” (câu 12). Sự tăng trưởng trong tình yêu giúp đời sống chúng ta vững mạnh và thanh khiết. Không có Đức Chúa Trời, chúng ta không thể yêu thương nhau vì Đức Chúa Trời là tình yêu thương. Không có Đức Chúa Trời, chúng ta trở nên yếu đuối và không thể tăng trưởng. Trong tình trạng như thế, chúng ta dễ dàng trở nên miếng mồi ngon cho “sư tử rống.” Đức Chúa Trời không hành động đơn độc mà đến sự cộng tác hết lòng của người tin. Sứ đồ Phao-lô nỗ lực để gây dựng tình yêu thương, đức tin cho người Tê-sa-lô-ni-ca và họ cũng phải giữ vững đức tin, cũng như nỗ lực để sống thánh khiết. Tiến bộ trong sự thánh khiết của chúng ta tùy thuộc vào Đức Chúa Trời và bản thân chúng ta - vào ân sủng của Đức Chúa Trời và ý muốn trở nên thánh khiết của chúng ta.
Điều nào là thực tế của đời sống đức tin của bạn? Đời sống bạn ngày càng thêm thánh khiết và đức tin ngày càng vững mạnh hay ngược lại?
Lạy Chúa, con muốn kinh nghiệm sự tăng trưởng trong tình yêu thương, đức tin thực sự và sống cuộc đời thánh khiết. Xin giúp con lớn lên mỗi ngày.
(c) 2024 svtk.net