"Tôi thấy Thành Thánh, là Giê-ru-sa-lem mới, từ Đức Chúa Trời trên trời xuống, sửa soạn như cô dâu trang điểm xinh đẹp cho chồng mình" (câu 2 NIV-VPNS).
Câu hỏi suy ngẫm: Câu 1 và 2 cho biết Sứ đồ Giăng thấy gì? Thành thánh tượng trưng cho điều gì? Đấng ngự trên ngai phán gì với Sứ đồ Giăng? Bạn nghĩ như thế nào khi công trình sáng tạo được làm nên mới bởi sự hiện diện của Đức Chúa Trời? Sự hiện diện của Chúa đã làm thay đổi cuộc đời của bạn thế nào?
Đức Chúa Trời đã tạo dựng trái đất để làm nơi cư trú cho loài người. Nhưng bởi sự cám dỗ của Sa-tan, địa cầu đã thành một nơi đầy tội lỗi và chống nghịch Đấng Tạo Hóa. Dù vậy Đức Chúa Trời vẫn thực hiện kế hoạch cứu rỗi của Ngài để giải cứu nhân loại khỏi xiềng xích của tội lỗi, khỏi sự bại hoại và sự chết (câu 4; Rô-ma 8:21). Khi đề cập đến trời và đất, Sứ đồ Giăng muốn nhấn mạnh vào khía cạnh đạo đức và thuộc linh hơn là khía cạnh liên quan đến vũ trụ.
Từ "mới" trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là mới về phẩm chất chứ không phải mới về thời gian. Điều khiến trời và đất trở nên "mới" là vì Đức Chúa Trời "ở giữa loài người" (câu 3). Họ sẽ trở thành dân của Ngài. Ngài ở giữa họ và là Đức Chúa Trời của họ. Trời và đất trở nên mới bởi sự hiện diện của một cộng đồng những người được chuộc bởi máu Chiên Con và Ngài là Chúa của họ. Biển là nơi con thú xuất hiện (13:1) và là chỗ của người chết (20:13) sẽ không còn nữa. Một lần nữa, Sứ đồ Giăng nói đến khía cạnh đạo đức và thuộc linh hơn là địa lý. Vì thế, khi biển không tồn tại nữa, nghĩa là các thế lực tà ác cũng không còn khi công trình sáng tạo của Đức Chúa Trời trở nên "mới." Sứ đồ Giăng nói: "Đức Chúa Trời sẽ lau ráo nước mắt nơi mắt chúng" (7:17; Ê-sai 25:8). Sẽ không còn nước mắt, không còn đau khổ vì Đức Chúa Trời đánh bại kẻ thù của nhân loại và giải phóng họ cùng mọi tạo vật của Ngài khỏi xiềng xích của tội lỗi.
Thành Thánh là Giê-ru-sa-lem mới chiếm địa vị quan trọng trong những khải tượng cuối cùng của Sứ đồ Giăng. Trước tiên, ông thấy Thành Thánh đến từ trên trời "ở nơi Đức Chúa Trời mà xuống" cụm từ nầy được lặp lại 3 lần (câu 2; 10; 22:2), hàm ý Thành Thánh là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Kế đến, Sứ đồ Giăng gọi Thành Thánh là "cô dâu," tức Hội Thánh của Đức Chúa Trời. Sự trong sạch và xinh đẹp được thể hiện nơi trang phục của cô dâu. Hình ảnh cô dâu và chàng rể nói lên mối quan hệ mật thiết giữa Chiên Con và dân của Đức Chúa Trời.
Sự hiện diện của Chúa Giê-xu làm cuộc đời chúng ta được tươi mới. Không còn nước mắt và lo buồn cho chúng ta và những người thật sự có Chúa ở cùng, bạn có tin như thế không? Bạn thể hiện niềm tin nầy qua nếp sống như thế nào?
Tạ ơn Chúa, trong ân sủng của Ngài cuộc đời con được đổi mới và được ở trong Ngài đời đời. Xin cho con yêu Chúa hết lòng và rao truyền niềm vui nầy đến cho nhiều người.
(c) 2024 svtk.net