"Tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu, vì là quyền năng của Đức Chúa Trời để cứu mọi người tin" (Rô-ma 1:16 BTTHĐ).
Câu hỏi suy ngẫm: Ông Na-a-man là ai? Ông có nan đề gì? Thiếu nữ trong câu chuyện là ai? Cô đã nói gì với bà chủ của mình? Tại sao ông Na-a-man giận? Ông cần học bài học gì? Chúng ta học được gì từ cô tớ gái nầy?
Câu chuyện xảy ra vào giữa thế kỷ thứ 9 T.C. Ông Na-a-man là một chiến sĩ dũng cảm, là anh hùng dân tộc, làm tướng cầm đầu của quân đội xứ A-ram (Sy-ri), và được vua A-ram bấy giờ là Bên Ha-đát II (860-843 T.C.) rất tôn trọng. Nhưng ông Na-a-man có nan đề lớn là ông bị bệnh phong! Thời đó bệnh phong bị xem là bất trị (câu 6-7) và người ta rất sợ hãi, còn hơn ngày nay người ta sợ bệnh AIDS!
Thiếu nữ trong câu chuyện là một cô gái Ít-ra-ên, tên không được đề cập đến. Lúc đó, sự liên hệ giữa A-ram và vương quốc phía nam là Ít-ra-ên không được tốt đẹp. Trong một chuyến đột kích của một toán quân A-ram vào lãnh thổ vương quốc Ít-ra-ên, họ bắt cô gái nầy đem về làm tớ gái cho vợ của ông Na-a-man. Thay vì mang lòng hận thù, cô gái nầy lại giới thiệu về Tiên tri Ê-li-sê để ông Na-a-man được chữa lành. Tiên tri Ê-li-sê nối tiếp thầy mình là Tiên tri Ê-li, thi hành thiên chức hơn 50 năm (848-797 T.C.) ở vương quốc Ít-ra-ên. Ông Na-a-man tin lời cô gái nên trình bày vấn đề cho vua A-ram. Vua nầy bèn viết một thư giới thiệu gởi cho vua Ít-ra-ên lúc đó là Giô-ram (852-841 T.C.), có lẽ Vua Bên Ha-đát nghĩ rằng Vua Giô-ram có quyền ra lệnh cho Tiên tri Ê-li-sê chữa bệnh.
Ông Na-a-man cùng đoàn tùy tùng từ kinh đô Đa-mách xứ A-ram vượt hơn 160 km (hơn 100 dặm) đến thủ đô vương quốc Ít-ra-ên là Sa-ma-ri để gặp Vua Giô-ram. Nhưng ông Giô-ram là vua ác, không kính sợ Chúa, và không có mối liên hệ tốt với Tiên tri Ê-li-sê. Nên khi Vua Giô-ram đọc thư của Vua Bên Ha-đát, ông liền xé áo mình bày tỏ sự sợ hãi và tuyệt vọng, vì nghĩ rằng vua A-ram kiếm cớ gây sự. Vua Giô-ram không biết nhờ cậy người của Đức Chúa Trời là Tiên tri Ê-li-sê.
Sau đó, theo lời nhắn của Tiên tri Ê-li-sê, ông đến nhà của người của Đức Chúa Trời, cũng ở tại Sa-ma-ri (2:24). Sau khi đến nhà Tiên tri Ê-li-sê, ông Na-a-man giận dữ định bỏ đi vì hai lý do:
1. Ông Na-a-man nghĩ mình bị khinh thường. Thay vì đích thân ra chào đón ông Na-a-man như một thượng khách và đích thân làm nghi lễ trị bệnh cho mình, Tiên tri Ê-li-sê chỉ sai người ra bảo ông Na-a-man đi tắm ở sông Giô-đanh bảy lần thì được lành. Ông Na-a-man cần học bài học hạ mình trước khi nhận được ân sủng của Chúa. Vì "Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho người khiêm nhường" (1 Phi-e-rơ 5:5b).
2. Ông Na-a-man lý luận rằng nếu cần tắm để được lành, thì nước ở hai con sông trong xứ ông sạch sẽ hơn. Ông cần học bài học vâng phục ý Chúa chứ không theo ý ông. Sự chữa lành không phải tại nước sông nầy hay nước sông kia, mà là quyền năng của Chúa thể hiện qua sự vâng phục. Khi bằng lòng vâng phục, ông phải đi đoạn đường khá xa từ Sa-ma-ri đến sông Giô-đanh, khoảng 40 km (25 dặm).
Khi được chữa lành một cách kỳ diệu, da thịt của ông Na-a-man trở lại như da thịt của một đứa trẻ, và người bề trong cũng được đổi mới. Từ sông Giô-đanh, ông đi trở lại Sa-ma-ri để tặng quà tạ ơn rất đắt giá cho Tiên tri Ê-li-sê. Tiên tri Ê-li-sê nhất quyết từ chối nhận quà để chứng tỏ rằng phép lạ nầy là ân sủng ban cho miễn phí của Đức Chúa Trời chứ không phải công lao của nhà tiên tri. Ông Na-a-man cũng công khai tuyên xưng đức tin mình vào một mình Đức Chúa Trời. Qua niềm tin mới mẻ còn non nớt, ông Na-a-man xin một số đất ở Ít-ra-ên để chở về lập bàn thờ dâng tế lễ cho Đức Chúa Trời của Ít-ra-ên. Ông cũng xin Chúa tha thứ khi ông vì bổn phận làm quan cận thần nên phải quỳ bên cạnh vua xứ A-ram trong đền thờ Rim-môn, là thần mưa và sấm sét của dân tộc nầy.
Những hành động trên của ông Na-a-man chứng tỏ ông đã thật sự đặt niềm tin và chỉ muốn thờ phượng chân thần duy nhất là Đức Chúa Trời. Kết quả nầy có được xuất phát từ sự dạn dĩ giới thiệu của cô tớ gái về Tiên tri Ê-li-sê, người của Đức Chúa Trời, cho bà chủ của mình. Chúng ta cũng suy ra rằng sở dĩ vợ chồng ông Na-a-man tin tưởng nơi lời nói của cô đầy tớ nầy vì đời sống của cô bày tỏ được những mỹ đức của con cái Đức Chúa Trời. Qua đời sống bạn, người chung quanh nhận biết gì về Đức Chúa Trời của bạn?
Lạy Cha yêu thương, nguyện đời sống của con phản ánh vinh quang thiên thượng, khiến những người gần gũi con yêu thương và tin cậy con. Nguyện con dạn dĩ giới thiệu, chia sẻ Phúc Âm cứu rỗi cho những người khác, ngay cả những người quyền cao chức trọng để họ cũng nhận được sự cứu rỗi của Ngài.
(c) 2024 svtk.net