"Áp-sa-lôm và tất cả người Ít-ra-ên đều nói: ‘Kế hoạch của Hu-sai, người Ạt-kít, hay hơn kế hoạch của A-hi-tô-phe.’ Vì Đức Giê-hô-va đã quyết định làm hỏng kế hoạch của A-hi-tô-phe, để đem tai họa đến cho Áp-sa-lôm" (câu 14 BTTHĐ).
Câu hỏi suy ngẫm: Vì sao kế sách của ông Hu-sai được Hoàng tử Áp-sa-lôm chấp nhận còn của ông A-hi-tô-phe thì không? Vì sao quyết định của Hoàng tử Áp-sa-lôm là không khôn ngoan? Lý do nào khiến bạn không sáng suốt trong những quyết định của mình?
Câu chuyện dẫn đến cuộc đấu trí giữa ông Hu-sai và ông A-hi-tô-phe, hai nhà cố vấn tầm cỡ trong chính thể mới của Hoàng tử Áp-sa-lôm.
Hoàng tử Áp-sa-lôm và Cố vấn A-hi-tô-phe đến Giê-ru-sa-lem cùng một lúc với ông Hu-sai, là bạn thân và là quan chức trung thành của Vua Đa-vít. Ngay khi gặp Hoàng tử Áp-sa-lôm, ông Hu-sai lập tức tung hô "vạn tuế" (câu 16:16). Khi nghe như thế, Hoàng tử Áp-sa-lôm vừa có ý quở trách, vừa mĩa mai ông Hu-sai vì đã bỏ rơi bạn (16:17). Dĩ nhiên, Hoàng tử Áp-sa-lôm không thể nào hiểu khi nói thế, trong lòng ông Hu-sai chỉ nghĩ đến Vua Đa-vít, chứ không phải Hoàng tử Áp-sa-lôm. Ông Hu-sai nói tiếp rằng ông quyết định phục vụ người được Đức Chúa Trời lựa chọn (16:18). Đương nhiên, Hoàng tử Áp-sa-lôm nghĩ rằng ông Hu-sai đang nói về ông, nhưng thực ra ông Hu-sai đang nói về Vua Đa-vít là người được Đức Chúa Trời lựa chọn. Ông Hu-sai định ý nói những lời mơ hồ để thực hiện mục đích của ông là chiếm được lòng tin của Hoàng tử Áp-sa-lôm mà không cần phải nói dối.
Khi biết Hoàng tử Áp-sa-lôm nghe lời khuyên của ông A-hi-tô-phe và công khai ăn nằm với các cung phi mà Vua Đa-vít để lại giữ đền, ông Hu-sai yên lặng, vì biết rằng chưa phải lúc chống lại mưu của ông A-hi-tô-phe. Vả lại, đối với ông, việc làm tồi tệ nầy không mấy ảnh hưởng đến việc Vua Đa-vít lấy lại ngai vua. Ông Hu-sai bắt đầu lên tiếng khi nghe ông A-hi-tô-phe đưa ra kế hoạch khôn ngoan, hợp lý, hợp tình tiêu diệt Vua Đa-vít mà không gây đổ máu nhiều (17:1-3). Bản thân Hoàng tử Áp-sa-lôm và các trưởng lão cũng nhận thấy đây là kế hoạch hay (17:4).
Ông Hu-sai biết chắc chắn Vua Đa-vít sẽ lâm nguy nếu Hoàng tử Áp-sa-lôm làm theo kế của ông A-hi-tô-phe, vì thế ông bàn ra bằng cách nêu ra những lý do cho thấy vì sao mưu của ông A-hi-tô-phe lần nầy là không tốt lành (câu 7-10). Rồi ông đưa ra kế sách khác bằng cách thôi thúc Hoàng tử Áp-sa-lôm tập hợp một đạo quân đông đảo để truy đuổi và tiêu diệt Vua Đa-vít (câu 11-13). Mục đích chính của ông Hu-sai là làm chậm lại việc truy đuổi để ông có thể báo tin cho Vua Đa-vít và giúp cho vua đủ thời gian vượt qua sông Giô-đanh. Về phương diện quân sự, kế sách của ông Hu-sai không thể nào sánh với kế sách của ông A-hi-tô-phe. Nhưng để bảo vệ người mà Ngài đã lựa chọn, Đức Chúa Trời đã làm cho Hoàng tử Áp-sa-lôm và giới lãnh đạo Ít-ra-ên nghe theo ông Hu-sai và đồng khen ngợi là "mưu của Hu-sai… hay hơn mưu của A-hi-tô-phe" (câu 14).
Hoàng tử Áp-sa-lôm đã có quyết định không khôn ngoan. Vả lại, con người không có Đức Chúa Trời ở cùng, con người đầy sự tham dục, ghen ghét và tự tôn như thế sẽ khó có sự chọn lựa khôn ngoan. Mặt khác, Đức Chúa Trời xoay chuyển hoàn cảnh, làm thay đổi quyết định của con người để che chở, làm ích cho người Ngài chọn lựa và tuân phục ý Ngài. Bạn có kinh nghiệm như thế không? Bạn bày tỏ lòng tin cậy và phó thác cuộc đời mình cho Ngài như thế nào?
Lạy Chúa, con tin cậy Ngài và phó thác cuộc đời con cho Ngài, xin dẫn dắt con và giúp con có những quyết định sáng suốt theo sự hướng dẫn của Ngài.
(c) 2024 svtk.net